17/12/2020 13:23 GMT+7

Chuyện lạ chúa sơn lâm giữa thành phố: Giải oan hổ ăn... chó

DIỆU QUÍ
DIỆU QUÍ

TTO - Đến Thảo cầm viên TP.HCM, du khách được thỏa sức ngắm các chàng và nàng 'mèo bự' diễu oai như giữa chốn rừng xanh. Nhưng ít ai biết nhân viên ở đây đã phải làm gì để các chúa sơn lâm được 'thong dong' giữa thành phố...

Chuyện lạ chúa sơn lâm giữa thành phố: Giải oan hổ ăn... chó - Ảnh 1.

Chú hổ Bengal 6 tuổi này có nguồn gốc Ấn Độ được mang về từ CH Czech - Ảnh: D.QUÍ

"Có bận người ta đồn tụi tui cho bầy hổ ăn... chó. Làm gì có chuyện đó, toàn tin giả" - ông Trần Ngọc Luận, tổ phó tổ thú dữ của Thảo cầm viên, cười kể. Đó là một trong 1.001 chuyện lạ về các chúa sơn lâm ở TP này.

"Con Mi (tên con hổ Đông Dương cái - PV) này nè, chiều mình gọi "vô ăn, Mi!" là chạy đến. Có đứa thấy mình đi ngang qua là chạy theo, tưởng mang đồ ăn tới. Cũng có con dở chứng, kêu không thèm nghe" - ông Trần Ngọc Luận cười, kể chuyện hổ mà cứ như chuyện người.

Cũng cưng như chó mèo trong nhà

"Bản tính hoang dã thì vẫn còn đó, hổ trong này không nhanh bằng ngoài tự nhiên nhưng cũng không chênh lệch mấy đâu. Nó còn biết nhận dạng người quen vì mình nuôi lâu rồi. Có con thấy mình đi qua là hiền hiền nhìn với theo, mình đứng sát cửa chuồng là nó cạ đầu vào kính như muốn cạ mình, thấy thương lắm" - 15 năm gắn bó với bầy hổ ở Thảo cầm viên, ông Luận nói thật ra cách nuôi nấng "ông hùm" bây giờ vẫn như xưa. Có điều ngày trước khó khăn nên không thể cho hổ có điều kiện tốt như hiện tại.

Ông Luận kể hồi đó thức ăn không nhiều để thay đổi thường xuyên, quanh đi quẩn lại chỉ có một, hai loại như... thịt bò, heo. "Ăn hoài cũng ngán, nó không thèm ăn luôn. Sau này mới tăng cường thêm thịt gà, trâu, xưa chỉ ăn đầu gà thì giờ được ăn đùi gà. Thức ăn cho thú ở đây đều qua kiểm duyệt, chứ không cho ăn đại được".

Qua thời khó khăn, thiếu thốn, bầy "bé mèo bự" ở Thảo cầm viên giờ đã "ăn sung mặc sướng". Mỗi con hổ Đông Dương trưởng thành (120 - 140kg) và hổ Bengal (150 - 170kg, riêng hổ trắng khoảng 200kg) có thể xơi mỗi ngày 4 - 5kg thịt, khẩu phần ăn cũng đa dạng gồm thịt heo, trâu, bò, gà... Chế độ ăn tùy thể trạng từng con mà cũng không khác người mấy. Con mập cho ăn giảm lại, ốm thì tăng lên, già thì ăn đồ mềm và xắt nhỏ ra. Riêng nàng hổ nào đang nuôi con sẽ ược ưu ái thêm khẩu phần ăn.

Tuy nhiên, không hề có chuyện dâng mâm tận miệng dù là chúa sơn lâm hay "ông hùm". Để đánh thức khả năng săn mồi của bầy hổ, hằng ngày đồ ăn sẽ được giấu trong các góc quanh chuồng hoặc treo lên ròng rọc, thay vì bỏ vào máng. 

"Mỗi tuần sẽ có một ngày không cho ăn, buộc chúng phải vận động cơ thể. Thảo cầm viên cũng tăng cường thêm thuốc bổ, canxi, dầu cá cho sáng mắt, mượt lông". Ông Luận cho biết thêm họ cũng thường xuyên lấy phân, nước tiểu của thú ăn cỏ hoặc mùi nước tiểu của hổ ở chuồng khác đưa vào để tạo mùi, cho chúng có cảm giác cạnh tranh lãnh thổ, kích thích bản tính hoang dã như ở ngoài tự nhiên.

Tâm sự thêm, ông Luận cười kể người ta hay đùa "khổ như nuôi hổ" bởi phải để ý từng li từng tí, từ ăn uống, sức khỏe, tâm sinh lý của chúa sơn lâm. "Nuôi cực nhưng làm nhiều năm rồi nên cũng quen. Hôm nào nghỉ phép, không gặp thì nhớ chúng lắm, cũng hỏi thăm tình hình tụi nó thế nào, có ăn uống hay đau bệnh gì không, xem như chó mèo trong nhà vậy, chỉ là không thể... ôm nựng được thôi" - ông Luận chia sẻ.

Chuyện lạ chúa sơn lâm giữa thành phố: Giải oan hổ ăn... chó - Ảnh 2.

Anh Hùng, nhân viên tổ thú dữ, đang bỏ thịt heo cạnh góc cây để hổ tự đi tìm ăn - Ảnh: D.Q.

Chặn những kẻ... vuốt râu hổ

Ông Mai Khắc Trung Trực - giám đốc Xí nghiệp động vật thuộc Công ty TNHH Thảo cầm viên Sài Gòn - kể ngày trước chuồng hổ do người Pháp xây dựng là những song sắt bao quanh. Thời đó, cảnh quan trong chuồng chỉ đơn giản vài cục đá, cành cây nhỏ. 

"Ban đầu, chuồng hổ chỉ mang tính trưng bày, nhốt mấy con cho du khách xem lạ lạ" - ông Trực nói thêm do chuồng cũ có nhiều khe hở, mùi hôi bay ra ngoài khiến du khách khó chịu, rồi tiếng ồn cũng ảnh hưởng hổ. Có khách lấy cây chọc, ném đá, chai lọ vô chuồng làm hổ kích động, rất nguy hiểm.

Thậm chí, có người còn cả gan đứng sát song sắt để... thuần phục chúa sơn lâm. Ông Trực nghe những người trước kể lại hồi cuối năm 2000 có một ông lợi dụng lúc vắng người đã trèo qua hàng rào bảo vệ ngoài, rồi chui vào áp sát song sắt bên trong để thò tay... nựng hổ và bị nó cắn nát cánh tay, bê bết máu.

"Người này không biết bị tâm thần hay "phê" ma túy mà tự xưng là sư phụ hổ gì đó, có khả năng thuần phục loài này. Bị nó táp cho mới tởn luôn" - ông Trực kể lại. Về sau, Thảo cầm viên rào thêm lưới B40 bên ngoài song sắt để tăng độ an toàn cho du khách và cũng để tránh trường hợp có người nghĩ mình mạng hổ nên... vuốt được râu hổ.

Khoảng 10 năm nay, nơi ở của chúa sơn lâm đã được cải tạo, đổi mới rất nhiều. Trong bốn chuồng cũ, có ba chuồng đã được sửa sang và một chuồng trở thành "Khu bảo tồn di tích chuồng cọp". Đây là chuồng được xây vào năm 1924-1927, có kiểu dáng lồng tròn khá lớn. Một thuở cứ cuối tuần dân Sài Gòn lại vào sở thú để được nhìn ngắm và đứng gần hưởng lây... thần oai chúa sơn lâm.

Chuyện lạ chúa sơn lâm giữa thành phố: Giải oan hổ ăn... chó - Ảnh 3.

Khu bảo tồn di tích chuồng cọp ở sở thú Sài Gòn đầu thế kỷ 20 - Ảnh: DIỆU QUÍ

Gần đây, Thảo cầm viên đã xây thêm hai chuồng mới (630m² và 1.000m²). Các chúa sơn lâm được "cách ly" với bên ngoài bằng lớp kính cường lực, khung thép không gỉ, tạo sự an toàn mà gần gũi cho khách tham quan. Bên trong còn được làm thêm thác chảy và núi nhân tạo, phiến đá, hồ tắm và cảnh quan cây xanh gần giống tự nhiên. 

Mấy khúc cây gỗ to cũng được cho vào để chúa sơn lâm rảnh rỗi tự... mài móng. Tư dinh của các chàng, nàng chúa sơn lâm cũng được thiết kế sân chơi và... "hậu cung", tức chuồng ép. Trong đó, chuồng ép có diện tích nhỏ hơn, được kê sạp gỗ làm chỗ ngủ, mùa đông trải thêm bao bố cho hổ nằm.

Ông Luận cho biết hằng ngày vào 16h30, ông kéo ròng rọc "dẫn dụ" các chàng, nàng hổ vào "hậu cung" và sập cửa lại rồi mới quét lá ở sân chơi, thay nước thác và hồ tắm. Buổi sáng, ông lại thay nước uống, dọn chỗ ngủ trong chuồng ép khi hổ đã ra ngoài sân chơi.

Đặc biệt, dù người và các chúa sơn lâm có "tri âm tri kỷ" nhiều năm cỡ nào thì trước khi bước vào, cửa chuồng cũng phải được kiểm tra chắc chắn đã đóng kín. Ông Luận nói có hai nguyên tắc quan trọng mà nhân viên chuồng thú dữ phải nằm lòng: "Một là tuyệt đối không vào chuồng hổ khi chưa đưa hổ vào chuồng ép, và ngược lại. Nguyên tắc thứ hai, không được đi xoay lưng về phía hổ mà phải đi giật lùi để tránh kích động chúa sơn lâm".

8

Đó là số hổ đang ở Thảo cầm viên TP.HCM với 3 con hổ Đông Dương, 5 con hổ Bengal.

Chăm hổ như chăm con nhỏ

Ngày nào cũng vậy, những người chăm sóc như "cha mẹ" của bầy hổ sẽ quan sát xem "con" mình có biểu hiện bất thường không.

"Chẳng hạn, hôm đó chuồng không có phân hay phân bị nát, màu khác lạ chứng tỏ nó có vấn đề về đường ruột. Hổ nằm một chỗ, bỏ ăn, nôn mửa, dáng đi khác lạ thì cũng là có bệnh, phải báo cho bác sĩ thú y. Có hai cách trị bệnh đặc biệt: bơm thuốc ít mùi, ít vị vô đồ ăn của chúng hoặc bơm thuốc vào ống chích đặc trị rồi thổi vào chuồng" - bà Nguyễn Phạm Minh Phương, tổ trưởng tổ thú dữ, cho biết.

(còn tiếp)

Ly kỳ chuyện đỡ đẻ cho… sư tử, làm bảo mẫu cho hổ Ly kỳ chuyện đỡ đẻ cho… sư tử, làm bảo mẫu cho hổ

TTO - Ở công viên bảo tồn và chăm sóc động vật Vinpearl River Safari Nam Hội An, khoảnh khắc những "nữ vương của thảo nguyên"chuyển dạ luôn là cuộc vượt cạn đẫm mồ hôi của cả thú lẫn người.

DIỆU QUÍ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp