Phóng to |
Mùa này ở Mỹ người dân hiện đang vất vả khai thuế. Ở các nước này, tâm lý người dân đóng thuế như thế nào? Có thể không khai gian thuế hay không? Dưới đây là một trong những câu trả lời trích từ một tờ báo ở San José
“Hôm nay đã là ngày 25-3 , bạn chỉ còn đúng 20 ngày để hoàn tất hồ sơ thuế. Hạn chót để nộp hồ sơ thuế là 15-4-2005 và dĩ nhiên bạn cần phải có dấu đóng của bưu điện để chứng minh với sở thuế là bạn đã gửi đi trong thời gian hạn định. Tuy vậy, sở thuế hằng năm vẫn gia hạn cho bạn thêm bốn tháng nữa nếu bạn chưa chuẩn bị kịp các giấy tờ cần thiết để khai thuế bằng cách bạn nộp mẫu tờ khai 4868.
Bạn cũng cần nộp mẫu này chậm nhất là ngày 15-4- 2005. Mẫu này chỉ cho phép bạn nộp hồ sơ trễ hạn chứ không cho phép bạn trì hoãn việc nộp tiền thuế bạn phải đóng, nếu có. Nếu bạn nghi ngờ hoặc biết chắc là mình phải đóng lại thuế năm nay, bạn nên gửi kèm theo chi phiếu trả tiền trước cho nhà nước để tránh việc bị tính tiền lời oan uổng vì nộp tiền trễ.
Theo sở thuê (IRS, Internal Revenue Service), người khai thuế thường tìm cách giúp đỡ các thân chủ mình bằng cách thổi phồng các chi phí cá nhân cũng như công việc kinh doanh của thân chủ, khai man các khoản khấu trừ hoặc các khoản tín dụng thuế trong khi khai thuế cuối năm cho thân chủ.
Ngoài ra, họ còn biến hóa doanh số và lợi tức của thân chủ để “khai sinh” các khoản tín dụng thuế gian trá nhằm mục đích biến thân chủ thành những người có thu nhập vừa phải. Tất cả để cho thân chủ được đóng thuế ít hơn.
Có khi chính thân chủ đến khai thuế không biết gì về những chi phí, khoản khấu trừ hay tín dụng gian trá trong tờ khai thuế. Nhưng cuối cùng, một khi sở thuế tính toán đến nơi đến chốn, thân chủ sẽ phải đóng thêm thuế cho đủ, cộng thêm tiền lãi, và có thể bị phạt tiền, thậm chí bị truy tố hình sự nếu như tờ khai thuế của bạn bị sở thuế phát hiện có sự gian dối.
Thành ra, điều tối quan trọng khi khai thuế là: khi ký tên vào tờ khai thuế, người đóng thuế phải chịu tất cả trách nhiệm về mọi lời khai cho dù rằng ai đó đã khai giùm. Tuy phần lớn các người khai thuế làm ăn lương thiện nhưng sở thuế vẫn khuyên phải rất cẩn thận trong việc chọn người khai thuế. Sự lựa chọn này giống như sự lựa chọn bác sĩ gia đình hoặc luật sư riêng.
Chính vì thế sở thuế khuyến cáo:
- Tránh xa những người khai thuế nào quảng cáo rằng họ có thể giảm thuế cho thân chủ nhiều hơn so với các người khai thuế khác. Luật thuế, nếu được áp dụng đúng đắn, đầy đủ và hợp pháp thì dù bất cứ ai đi nữa khi sử dụng cùng chung những dữ kiện khai thuế, cũng sẽ mang về cùng một kết quả như nhau.
- Tránh xa những người khai thuế nào tính lệ phí của họ trên phần trăm của số tiền mà thân chủ sẽ được sở thuế hoàn trả. Lệ phí trả cho người khai thuế kiểu này sẽ là tỉ lệ thuận với số tiền bạn mang về. Điều đó có nghĩa là họ sẽ tìm mọi cách làm sao cho số thuế được hoàn trả càng nhiều càng tốt, bất chấp hậu quả mang đến cho thân chủ của họ sau này.
- Xem xét việc cá nhân người khai thuế hoặc văn phòng, công ty thuế của họ có hoạt động lâu dài hay không nhằm bảo đảm rằng các thắc mắc sau này về tờ khai thuế sẽ được trả lời thỏa đáng bất cứ lúc nào, thậm chí sau vài năm. Thân chủ chính là người chịu trách nhiệm về tất cả các số liệu cũng như dữ kiện trong tờ khai thuế chứ không phải ai khác cho dù về phần người khai thuế, khi gian trá, có thể bị giam giữ đến năm năm tù và bị phạt tiền đến 250.000 USD.
Vài trường hợp khai gian thuế đã bị tòa án xét xử trong năm 2004 vừa qua:
Ngày 4-11-2004 tại Sacramento, Brent Daniel Shaw bị tòa án tuyên phạt tù giam 21 tháng về việc thiết lập hồ sơ thuế giả mạo nộp cho sở thuế liên bang (IRS) và sở thuế tiểu bang California
Ngày 21-10-2004 tại thành phố Irving, Texas, Leanne Denice Shrout bị tòa tuyên phạt 36 tháng tù giam về tội giúp đỡ trong việc khai man thuế. Shrout đã “tư vấn” cho thân chủ khai man các chi phí.
Để tránh những hậu quả liên quan đến vấn đề thuế, bạn chỉ cần tìm cho mình một người khai thuế làm ăn đàng hoàng đứng đắn có uy tín và xin bạn nhớ cho rằng hạn chót để nộp hồ sơ thuế là 15-4-2005”.
Kết luận:
Có phải dân Mỹ đi khai và đóng thuế như “bầy cừu thinh lặng”? Không, họ biết họ không thể không đóng thuế, bằng không sở thuế và tòa án sẽ nghiêm trị. Một thí dụ: “911” vừa là số điện thoại của sự tin tưởng an toàn, vừa là số điện thoại của sự trừng trị.
Một thí dụ khác: tại sao các ca sĩ hải ngoại hăng hái đi khai thuế hơn? Phải chăng họ đã quen với kỷ luật đóng thuế và biết rằng nếu không đóng thuế ở VN, cũng sẽ phải đóng thuế ở Mỹ, và trong trường hợp đó barem thuế sẽ cao hơn?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận