Trong cuốn sách Những câu chuyện về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh do cố Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh chủ biên với 10 chương, 99 câu chuyện, có một chương khắc họa "ông tướng văn nghệ" với phong thái giản dị, đời thường và luôn gần gũi với mọi người.
Ngày trẻ, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là người rất say mê các làn điệu dân ca, hò vè truyền thống của quê hương. Khi trở thành người chỉ đạo công tác đảng, công tác chính trị, tư tưởng trong quân đội, Đại tướng hiểu rất rõ vai trò của văn hóa - văn nghệ - thể thao đối với bộ đội.
Trong câu chuyện kể về Đội bóng Thể Công lừng lẫy một thời, các thành viên, cầu thủ đội bóng đá Thể Công thời kỳ đầu thành lập luôn nói: "Đội Thể Công là do thủ trưởng Nguyễn Chí Thanh thành lập, phát triển vượt bậc trong một thời gian ngắn có công lao phần lớn của anh Thanh".
Đầu năm 1954, trong thời gian trị bệnh tại Trung Quốc, ông Nguyễn Chí Thanh đã trao đổi với một số cán bộ phụ trách công tác quân huấn về ý tưởng lập Đoàn công tác thể dục, thể thao phục vụ bộ đội mà ông đã nung nấu từ lâu, song trong kháng chiến chưa có điều kiện thực hiện.
Tháng 9-1954, trên đường về Hà Nội, theo quy định của Chính phủ, Bộ Quốc phòng tạm đóng quân ở Sơn Tây một thời gian ngắn trước khi vào Hà Nội tiếp quản theo kế hoạch đã định. Tại đây, ngày 23-9-1954, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Chí Thanh đã ký quyết định thành lập Đoàn công tác thể dục, thể thao quân đội.
Đây là đơn vị thể dục, thể thao đầu tiên của Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam mà hạt nhân lúc đó là các đội bóng đá, bóng chuyền và bóng rổ. Quyết định này có ý nghĩa đặt nền móng cho hoạt động thể thao của quân đội ta.
Đội bóng đá Thể Công là lực lượng chính của Đoàn công tác thể dục, thể thao quân đội. Ban đầu, đội chỉ có 11 cầu thủ bóng đá, phần lớn là học viên có năng khiếu bóng đá của Trường sĩ quan Lục quân và những cầu thủ cũ theo kháng chiến, đi cùng đoàn quân chiến thắng vào tiếp quản thủ đô.
Thượng tá Cao Tâm Tình - phó giám đốc Trung tâm Thể dục thể thao quân đội (Cục Quân huấn, Bộ Tổng tham mưu) - kể lại sinh thời dù bận nhiều công việc lớn, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh vẫn rất quan tâm, dành nhiều thời gian và tâm trí chỉ đạo đội từ tổ chức lực lượng đến phương hướng, phương châm hoạt động.
Sau mỗi trận đấu thành công, Đại tướng biểu dương. Lúc có sai lầm, khuyết điểm, ông đều nhắc phải kiểm điểm, tìm cho ra nguyên nhân mà sửa. Một yêu cầu trước sau không thay đổi của Đại tướng đối với Thể Công là phải luôn xứng đáng là "người lính của Bác Hồ" trên lĩnh vực thể dục thể thao.
Ông Tình chia sẻ: đáp ứng lòng mong mỏi của Đại tướng, các thế hệ cán bộ, huấn luyện viên, vận động viên của Thể Công trước kia và Trung tâm Thể dục thể thao quân đội và Trung tâm Thể thao Viettel sau này luôn nỗ lực, cố gắng, khắc phục mọi khó khăn gian khổ trong tập luyện và thi đấu.
Không chỉ đạt nhiều thành tích thi đấu thể dục thể thao vẻ vang ở trong nước và quốc tế, thể thao quân đội còn trở thành một lĩnh vực công tác quan trọng của Quân đội nhân dân Việt Nam, góp phần lan tỏa tinh thần rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại trong toàn quân cũng như trong toàn dân ta.
"Thể thao quân đội đã được người hâm mộ ghi nhận là một 'binh chủng' đặc biệt của Quân đội nhân dân Việt Nam theo lời di huấn của Đại tướng", ông Tình nói.
Nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1-1-1914 - 1-1-2024), Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã đón nhận hai hiện vật được trao tặng gồm bức phù điêu chân dung kèm theo lời căn dặn của Đại tướng và chiếc cúp dành cho đội Thể Công - đội nhất bóng đá A1 toàn quốc năm 1981.
Ông Nguyễn Mạnh Cường - cựu cầu thủ Câu lạc bộ Thể Công - chia sẻ việc tặng các hiện vật cho bảo tàng Đại tướng thể hiện tình cảm của cán bộ, chiến sĩ, cầu thủ Thể Công dành cho Đại tướng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận