15/05/2016 09:00 GMT+7

Chuyện kể từ những trợ lý ngôn ngữ

  SĨ HUYÊN
SĨ HUYÊN

TT - Gắn liền với những bước đi của đội tuyển VN hay tuyển U-23, trong số các trợ lý ngôn ngữ (phiên dịch) có người từng là dân trong nghề đá bóng, nhưng cũng có người nhận công việc này bởi tình yêu bóng đá. Và đây là những câu chuyện kể của họ...

Trợ lý ngôn ngữ “bất đắc dĩ” Dương Vũ Lâm (thứ hai từ phải sang) dưới thời HLV Tavares - Ảnh: Sĩ Huyên
Trợ lý ngôn ngữ “bất đắc dĩ” Dương Vũ Lâm (thứ hai từ phải sang) dưới thời HLV Tavares - Ảnh: Sĩ Huyên

Năm 1994, ông Tavares (Brazil) trở thành vị HLV ngoại đầu tiên đến làm việc với bóng đá VN. Khi ấy do kinh phí hạn hẹp cộng với việc Bộ Ngoại giao và Sở Ngoại vụ TP.HCM trả lời không có nhân sự để làm việc cho đội tuyển, túng thế LĐBĐ VN (VFF) đành chỉ định trợ lý HLV Dương Vũ Lâm (tốt nghiệp khoa bóng đá Đại học TDTT Leningrad) kiêm nhiệm thêm vai trò phiên dịch với mức bồi dưỡng 500.000 đồng/tháng.

Nghi án doping của HLV Tavares

Ông Lâm kể HLV Tavares là người chuộng thể lực và rất kỷ luật. Trung vệ nổi tiếng Chu Văn Mùi (đội Công An TP.HCM) bị loại chỉ vì trả phép trễ hẹn... nửa ngày. Đưa ra những giáo án thể lực rất nặng, nhiều cầu thủ kêu trời, cuối buổi tập ông Tavares trao tận tay mỗi cầu thủ một viên kẹo và buộc họ phải ngậm ngay. Từ đây xuất hiện lời đồn: HLV Tavares bắt cầu thủ sử dụng doping. Thông tin này đến tai VFF, một cuộc “điều tra” âm thầm được VFF tiến hành. Kết quả: đây chỉ là một liệu pháp tinh thần của HLV Tavares bởi ông rất thích ngậm kẹo. Viên kẹo mà ông tặng cầu thủ chính là viên kẹo bổ có vitamin C để hồi phục sau buổi tập nặng.

Tập luyện nặng thì rất cần matxa để hồi phục thể lực. Yêu cầu này không được VFF phê chuẩn vì thiếu kinh phí. “Thế là ông Tavares giải bài toán này bằng cách tập huấn cho tôi kỹ thuật matxa trong hai buổi tối, để rồi sau đó tôi và ông ấy làm luôn vai trò săn sóc viên. Chỉ sau vài tối làm nhiệm vụ săn sóc viên bất đắc dĩ, đôi tay của tôi và HLV Tavares đều phồng rộp rồi chai cứng”.

Mưu mẹo của HLV Weigang

Dù đã hơn 20 năm nhưng ông Lâm vẫn nhớ rõ câu chuyện này: Năm 1995, lần đầu tiên đội tuyển VN đi tập huấn dài hạn ở nước ngoài chuẩn bị SEA Games 18. Không biết HLV người Đức Weigang tính toán thiệt hơn thế nào với VFF mà chỉ mua bảo hiểm y tế cho toàn đội ở Đức mà bỏ qua Thụy Sĩ. Rủi thay trong một buổi tập ở Thụy Sĩ, thủ môn Nguyễn Văn Đông bị đứt hai dây chằng chéo trước trong khi khởi động. Cả đoàn tái mặt vì biết tai nạn rất nặng.

HLV Weigang liền đưa ra quyết định chở Nguyễn Văn Đông về Đức điều trị. Về đến Đức, ông Weigang dùng “ba tấc lưỡi” thuyết phục khoa cấp cứu bệnh viện mổ gấp vì nạn nhân bị tai nạn khi đang di chuyển trên lãnh thổ Đức, kèm theo đó là bản tường trình có chữ ký của nhiều người làm chứng. Tin lời người đồng hương, bác sĩ tiến hành việc phẫu thuật. Nhờ mưu mẹo này, đội tuyển VN không tốn tiền viện phí cho Nguyễn Văn Đông (hơn 20.000 USD vào thời điểm đó).

Trợ lý ngôn ngữ Phạm Trường Minh dịch cho HLV Falko Goetz trong cuộc trả lời báo chí tại SEA Games 2011                    - Ảnh: Sĩ Huyên
Trợ lý ngôn ngữ Phạm Trường Minh dịch cho HLV Falko Goetz trong cuộc trả lời báo chí tại SEA Games 2011 - Ảnh: Sĩ Huyên

Khởi nghiệp với vai trò tình nguyện viên

Năm 2007, VFF tuyển chọn tình nguyện viên phục vụ bảng đấu Asian Cup tổ chức tại Hà Nội. Phạm Trường Minh - SV năm cuối khoa tiếng Anh Đại học Hà Nội - ghi danh và trúng tuyển với nhiệm vụ trợ lý cho tổng điều phối viên đến từ AFC (LĐBĐ châu Á). Sau giải, anh có thêm 9 tháng thực tập rồi được VFF nhận vào làm việc ở phòng quan hệ quốc tế, phòng các đội tuyển quốc gia từ năm 2008 đến cuối năm 2015 thì xin nghỉ việc, sang làm phiên dịch cho đội chuyên nghiệp Hà Nội (nay là CLB Sài Gòn).

Gần 8 năm làm việc cho VFF, Minh giữ vai trò chuyển ngữ cho các HLV Henrique Calisto, Falko Goetz rồi Toshiya Miura. Với Minh: “HLV Falko Goetz là cỗ máy làm việc không ngơi nghỉ. Có lẽ do tính cách của người Đức nên ông ấy khá lạnh lùng trong giao tiếp khi luôn giữ khoảng cách nhất định với cầu thủ. Ông cũng rất nguyên tắc khi ra lệnh cấm cầu thủ ăn khoai tây chiên, uống nước ngọt.

Trong khi đó, HLV Miura luôn tỏ ý không hài lòng về khâu y tế ở đội tuyển dù bác sĩ đã làm hết sức. Không như các HLV ngoại khác, với ông Miura, cầu thủ bị chấn thương bắt buộc phải tập luyện với giáo án nặng hơn để sớm hồi phục! Đây chính là nỗi hãi hùng của các “thương binh”. Đổi lại ông ấy cũng tinh tế, mỗi đầu tháng ông thường hỏi các trợ lý: ai có sinh nhật trong tháng để chuẩn bị tặng hoa và bánh.

HLV Calisto là người để lại ấn tượng đậm nét nhất với tôi. Trên sân ông ấy nóng nảy, hò hét, thậm chí cáu giận thật sự. Nhưng ngoài đời lại rất vui tính, luôn hết lòng quan tâm đến mọi người từ chuyện ăn, chuyện mặc đến cách sinh hoạt, giao tiếp sao cho hợp thời trang, lịch sự. Không chỉ tôi mà nhiều cầu thủ cũng lớn lên rất nhiều khi làm việc cùng ông.

Ông Calisto rất thích đùa và làm mọi người giật mình. Chẳng hạn khi chờ nhà bếp dọn món ăn, ông bất chợt kêu tên một cầu thủ nào đó. Khi người ấy vừa quay lại thì ông ném đến một cái chén hay một cái đĩa. Lạ ở chỗ chưa khi nào cầu thủ bắt vuột tay dù họ không phải là thủ môn. Sau buổi ăn, trên đường mọi người về phòng riêng, ông ấy thình lình xuất hiện sau lưng ai đó rồi giả làm tiếng chó sủa hay mèo kêu rất giống làm người ấy giật bắn... Một không khí thân thiện, chan hòa hệt như mọi người đang sống cùng gia đình riêng của mình chứ không phải đang tập trung cùng đội tuyển quốc gia...”.

HLV Riedl và chiếc áo pib

Người có “tuổi thọ” ngắn nhất trong vai trò phiên dịch là ông Phan Anh Tú khi chỉ làm việc với HLV Riedl trong hai năm 1998 (Tiger Cup) và 1999 (SEA Games 20). Sau đó, ông chuyển sang làm công tác quản lý tại Trung tâm Huấn luyện thể thao Hà Nội kiêm tổng thư ký LĐBĐ Hà Nội.

Theo ông Tú: “HLV Riedl chính là người đã làm thay đổi tư duy làm bóng đá chuyên nghiệp ở VN. Cụ thể, ông ấy cực lực chỉ trích việc cầu thủ vào sân tập với trang phục không đồng nhất, từ giày, vớ đến trang phục. Từ sự chỉ trích ấy, bóng đá VN không còn cảnh một đội ở trần và một đội mặc áo khi chia đôi đội hình thi đấu. Chiếc áo pib xuất hiện kể từ khi ông Riedl đến đây, theo tôi, có lẽ đó cũng là một trong những dấu ấn đáng kể nhất của vị HLV người Áo này…”.

Danh xưng trợ lý ngôn ngữ lần đầu tiên xuất hiện chính thức ở đội tuyển VN vào năm 1996 khi tham dự Tiger Cup lần 1 tại Singapore. Ngày ấy, theo đề xuất của HLV Weigang, VFF đã liên hệ và được Bộ Ngoại giao chấp thuận cử ông Nguyễn Tất Thành sang hỗ trợ. Hai thập niên sau đó, vị trợ lý ngôn ngữ ấy trở thành đại sứ của VN tại Thái Lan.

Vào nghề nhờ xem quảng cáo báo Tuổi Trẻ

Đầu quân cho CLB HAGL năm 2002, danh thủ Kiatisak yêu cầu phải có phiên dịch tiếng Thái để tiện giao tiếp. CLB liền đăng quảng cáo tìm người trên Tuổi Trẻ. Mục tìm người của HAGL vừa đăng thì Nguyễn Kim Luân (tốt nghiệp khoa tiếng Anh đại học ngoại ngữ, có 2 năm giao tiếp với người Thái Lan khi làm việc cho Red Bull ở Khu công nghiệp Biên Hòa) đến xin việc. Nghe anh Luân trả lời trôi chảy bằng tiếng Thái, Kiatisak liền đề xuất “bầu” Đức nhận Luân vào làm tức khắc.

Cùng năm này và cũng với hoàn cảnh tương tự, anh Nguyễn Văn Bé - cựu sĩ quan quân đội, từng nhiều năm du học kỹ thuật quân sự tại Cuba - đến xin việc với CLB Đồng Tâm Long An. Đối đáp trôi chảy bằng tiếng Bồ Đào Nha, HLV Calisto đề nghị “bầu” Thắng ký hợp đồng với anh Bé để làm trợ lý ngôn ngữ. Ngoài tiếng Bồ Đào Nha, anh Bé còn thông thạo tiếng Anh và Tây Ban Nha.

Chiếc cầu nối thầm lặng

Tốt nghiệp khóa 11 môn bóng đá Đại học TDTT quốc gia II, Trần Hùng Cường về làm công tác đào tạo trẻ tại Lâm Đồng. Giỏi cả tiếng Nga lẫn tiếng Anh nên Cường được tín nhiệm vào vai trò phiên dịch cho HLV Riedl (năm 2000), HLV Letard (2002), sau đó đảm nhiệm vị trí này ở CLB Khánh Hòa cho HLV Riedl, Luciano rồi Simunic (CLB TP.HCM).

Nhưng có lẽ dấu ấn lớn nhất với Trần Hùng Cường là việc anh gần như là người dịch chính cho gần 20 lớp học HLV quốc tế bằng C - B - A, chuyên nghiệp, thể lực hay thủ môn do LĐBĐ châu Á (AFC) tổ chức tại VN từ hơn chục năm qua. Cường nói: “Nhờ là dân đá bóng, được ăn học chính quy và có vốn ngoại ngữ kha khá nên tôi nắm bắt rất nhanh bài giảng của chuyên gia rồi dịch lại cho sát ý để học viên dễ tường tận. Dịch cho các lớp học thì có phần nhàn nhã hơn khi đi đội tuyển phải dãi nắng dầm mưa. Nhưng cũng có phần căng thẳng là phải dịch đúng ý, đúng nghĩa, đúng từ để các học viên - những người sẽ là HLV trong tương lai - làm bài thi hiệu quả và vận dụng tốt khi hành nghề ở tương lai...”.

SĨ HUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp