Biên tập sách của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từ năm 2004 khi còn là một biên tập viên trẻ, tới nay tròn 20 năm, bà Thinh đã học được người thầy lớn ấy quá nhiều bài học sâu sắc không chỉ về nghề biên tập và những kiến thức sâu rộng khác, mà còn về bản lĩnh, đạo đức, cách đối nhân xử thế, quan tâm đến cấp dưới, lối sống giản dị của một người đứng đầu Đảng được nhân dân kính trọng, yêu quý.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - con người văn hóa
Bà Thinh kể cuốn sách khiến bà ấn tượng nhất khi biên tập là cuốn sách xuất bản gần đây của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc ra mắt vào dịp 21-6 vừa qua. Bởi trong cuốn sách ấy cho thấy Tổng bí thư không chỉ là một người rất quan tâm đến văn hóa, mà còn là một con người văn hóa.
Ngoài các bài viết tâm huyết cho văn hóa, giáo dục, những bức ảnh trong cuốn sách cho thấy trong các chuyến đi thăm, làm việc của Tổng bí thư với cơ sở, bao giờ Tổng bí thư cũng dành thời gian gặp gỡ nhân dân, thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, hộ nghèo hay ra đường thăm hỏi, chúc Tết một công nhân quét rác đêm giao thừa...
Đặc biệt, trong cuốn sách có hai bức thư Tổng bí thư viết tay, gửi thăm thầy, cô giáo cũ khi đã ở cương vị Tổng bí thư, khiến ai xem cũng phải cảm động và nể phục đức giản dị, khiêm cung, tôn sư trọng đạo của ông.
Có những bức ảnh lần đầu tiên công bố khiến người đọc rất xúc động, như bức ảnh ngày 27 Tết năm 2019, Tổng bí thư, Chủ tịch nước cùng gia đình gói bánh chưng tại nhà riêng.
Bà Thinh nói Tết năm nào gia đình Tổng bí thư cũng gói bánh chưng như bao gia đình khác trên đất nước mình. Riêng với bà, Tổng bí thư cũng để lại bao nhiêu ân tình.
Bà còn nhớ cuối năm 2004, khi được phân công biên tập bản thảo sách của Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Phú Trọng là lúc bà vừa lấy chồng, đang mang bầu đứa con đầu lòng, vẫn còn đi thuê nhà ở và nuôi các em ăn học, trong khi chồng vẫn đang công tác ở miền Nam, rất khó khăn về kinh tế.
Sau cuốn sách ấy, bà Thinh bận rộn với thiên chức của người mẹ trong gia đình, không tham gia biên tập các cuốn sách của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong 5 năm.
Vậy mà, tháng 2-2010, trên cương vị Chủ tịch Quốc hội đến thăm và chúc Tết Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, ông đã xuống dưới hội trường, bắt tay từng cán bộ, viên chức và người lao động.
Khi bắt tay bà Thinh, ông vẫn nhận ra cô biên tập viên trẻ năm xưa và nhớ rõ gia cảnh. Ông ân cần hỏi thăm các con của bà Thinh, hỏi chồng bà đã được chuyển công tác về gần gia đình chưa, đã mua được nhà chưa…
Lúc đó bà đã vô cùng bất ngờ và xúc động trước sự quan tâm chân tình đến thế của một lãnh đạo cao cấp đối với một biên tập viên "quèn".
Lần khác, tháng 4-2023, khi đang thực hiện bản thảo sách Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới, bà Thinh được gặp Tổng bí thư để báo cáo về công việc chuẩn bị cho bản thảo cuốn sách.
Trước khi vào việc, Tổng bí thư lại làm bà Thinh ngạc nhiên và xúc động khi ông hỏi thăm về gia đình, con cái và chia buồn với gia đình bà Thinh vì khi đó mẹ chồng bà mới qua đời.
Rất cầu thị mà cũng rất kiên định
Có hai câu chuyện khi làm sách với Tổng bí thư mà bà Thinh rất nhớ khi thực hiện cuốn sách Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Trong cuốn sách có bài Quyết tâm chấn hưng và xây dựng thành công một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đây là bài phát biểu rất nổi tiếng của Tổng bí thư chỉ đạo tại Hội nghị văn hóa toàn quốc tháng 11-2021 đã được các báo, tạp chí đăng tải.
Trong bài phát biểu này Tổng bí thư có trích dẫn câu nói quen thuộc vẫn được cho là của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi". Nhưng bấy lâu nay, bà tìm trong các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đều không có câu này. Có người nói câu nói đó của Tổng bí thư Trường Chinh nhưng cũng không có nguồn dẫn.
Bà đã dành gần một tuần tra lại hết các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng bí thư Trường Chinh.
Nhưng khi đọc bộ sách 10 tập Tiểu sử Hồ Chí Minh, bà được biết Bác có đến dự Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất năm 1946 nên lục tìm báo Cứu Quốc trong thư viện và đã tìm ra câu nói này. Nguyên văn của Bác Hồ là: "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi".
Vậy là bà Thinh mạnh dạn thêm chữ "phải" vào câu nói đó trong cuốn sách. Khi trình bản thảo, Tổng bí thư bất ngờ với việc sửa đó và đề nghị bà giải thích. Sau khi nghe báo cáo đầy đủ quá trình dày công tìm tòi câu nói, Tổng bí thư đã đồng ý sửa. Ông còn nói: "Làm xuất bản là phải kỹ càng và chuẩn chỉ như thế".
Kể từ đó, trong tất cả các sách của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật đều sửa câu trích dẫn này của Bác Hồ.
Câu chuyện thứ hai thì ngược lại. Nếu như câu chuyện thứ nhất cho thấy Tổng bí thư là người rất cầu thị, khi có ý kiến khác với mình, ông lắng nghe, tiếp thu và sẵn sàng sửa đổi thì ở câu chuyện thứ hai lại cho thấy lòng kiên định vào điều mình cho là đúng đắn của Tổng bí thư.
Bà Thinh kể bấy lâu Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật không dùng cụm từ "Danh nhân văn hóa thế giới" đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì vậy khi biên tập cuốn sách trên của Tổng bí thư, bắt gặp cụm từ này, nhóm biên tập đã xin phép Tổng bí thư sửa cụm từ ấy thành "Nhà văn hóa kiệt xuất".
Lần này thì Tổng bí thư không đồng ý với sửa đổi của nhóm biên tập. Tổng bí thư giải thích, đúng là dịch từ bản tiếng Anh của UNESCO thì phải gọi là "Nhà văn hóa kiệt xuất" như nhà xuất bản từng dùng.
Nhưng Bác Hồ đã được UNESCO vinh danh, có nghĩa Bác đã mang tầm thế giới và Bác xứng đáng là "Danh nhân văn hóa thế giới". Chúng ta hoàn toàn đủ tự tin để dùng cụm từ "Danh nhân văn hóa thế giới" khi nói về Người.
Tâm đắc với giải thích của Tổng bí thư, từ đó sách của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật luôn luôn dùng cụm từ "Danh nhân văn hóa thế giới".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận