Bất chấp lời kêu cứu của các doanh nghiệp và hiệp hội chăn nuôi, nhiều địa phương có đường biên giới với Campuchia và Lào khẳng định không có chuyện heo lậu nhập về hàng chục ngàn con mỗi đêm, thậm chí chưa ghi nhận tình trạng heo nhập lậu.
Chỉ đến khi Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị ngăn chặn, phát hiện và xử lý buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới vào Việt Nam vào chiều 26-1, trong đó nêu rõ hiện trạng xe heo lậu "chạy rình rình như chiến dịch" thì nhiều địa phương mới tăng cường tuần tra kiểm soát.
Không giống như các hàng hóa khác có thể giấu giếm, ngụy trang, heo buôn lậu chở bằng xe tải, mỗi chuyến hàng trăm con.
Chưa kể lúc cân và vận chuyển heo cần khu vực tập kết, heo phát ra tiếng kêu inh ỏi không dễ gì giấu.
Suốt thời gian dài nhiều công ty cho người đi ghi hình các điểm tập kết heo buôn lậu, cảnh hàng đoàn xe lậu từ Campuchia, Lào vào Việt Nam nhưng các phản ánh hay kêu cứu cứ như rơi vào hư không.
Đến nỗi ông Phùng Đức Tiến, thứ trưởng Bộ NN&PTNT, than thở: "Đường lớn, xe lớn chở heo lậu rình rình như chiến dịch chứ phải cây kim đâu mà chúng ta không thấy. Cái chính là các địa phương đang buông lỏng quản lý".
Việc buông lỏng này gây ra những nguy cơ rất lớn cho ngành chăn nuôi của Việt Nam, ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng khi dịch bệnh và chất lượng thịt heo không được kiểm soát.
Một khi dịch bệnh còn hoành hành, ngành chăn nuôi không thể phát triển quy mô lớn, giảm giá thành và vươn ra xuất khẩu như kỳ vọng được.
Và quả thực do kiểm soát dịch bệnh thiếu hiệu quả mà nhiều năm qua ngành xuất khẩu thịt của Việt Nam cứ loay hoay không tìm thấy lối ra. Một dự án làm gà xuất khẩu đi Nhật gần chục năm qua cũng chỉ loanh quanh xuất khẩu vài ngàn tấn mỗi năm vì rất khó mở rộng vùng nuôi không dịch bệnh.
Một dự án chăn nuôi, chế biến xuất khẩu quy mô lớn tại Bình Phước sau ba năm nhưng lượng xuất khẩu hầu như không có, sản phẩm làm ra lại phải quay về bán ở thị trường nội địa, không đúng với định hướng đầu tư và cấp phép ban đầu.
Hay như ông Nguyễn Văn Ngọc, phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, nói thẳng các nước người ta rất gắt trong kiểm soát thịt nhập vào nhưng ngược lại Việt Nam đang buông lỏng.
Nhiều quốc gia đâu có cho nhập khẩu nội tạng động vật để bảo vệ ngành chăn nuôi trong nước, còn Việt Nam thì cho nhập thoải mái. Nội tạng, thịt hết hạn giá rẻ tràn ngập thị trường, khai là nhập về làm thức ăn chăn nuôi hay phân bón nhưng lại đưa ra cho người ăn.
Mỗi năm nhập hàng trăm ngàn tấn chứ không phải ít nhưng hầu như không có biện pháp kiểm soát, xử lý. Bữa ăn trở nên bất ổn với miếng thịt không được kiểm soát. Dịch bệnh từ đó mà ra, bệnh tật cũng từ đó mà ra.
Kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO năm 2007 đến nay cũng là giai đoạn mà thịt nhập khẩu về Việt Nam ngày càng nhiều.
Dù rằng hội nhập là phải cạnh tranh, nhưng người nông dân và doanh nghiệp chăn nuôi cũng cần có một chính sách công bằng và rõ ràng từ các cơ quan chức năng, ngăn chặn những mối nguy cơ dịch bệnh từ bên ngoài, kiểm soát chặt chất lượng hàng nhập khẩu để đảm bảo cạnh tranh sòng phẳng.
Và người tiêu dùng cũng có quyền đòi hỏi cơ quan chức năng kiểm soát các nguồn thực phẩm nhập khẩu đảm bảo an toàn cho bữa ăn hằng ngày và sức khỏe của họ.
Muốn như vậy, việc kiểm soát nhập lậu phải được siết chặt, trách nhiệm của các địa phương là điểm nóng trong buôn lậu heo phải được đưa ra. Không thể để chuyện con heo chui lọt qua lỗ kim mãi mà không biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận