06/05/2023 11:42 GMT+7

Chuyện hậu trường SEA Games xứ chùa tháp - Kỳ 4: Vovinam đầy hấp dẫn ở xứ chùa tháp

Một tuần trước khi SEA Games 32 chính thức tranh tài, nhiều võ sĩ Campuchia vẫn miệt mài tập luyện ở… Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia TP.HCM.

Nữ võ sĩ kỳ cựu Raksmy tập luyện ở Việt Nam - Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Nữ võ sĩ kỳ cựu Raksmy tập luyện ở Việt Nam - Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Họ là những vận động viên vovinam được Campuchia cử sang Việt Nam tập huấn với một mục tiêu còn xa hơn việc giành huy chương ở SEA Games.

Mâu thuẫn vì võ thuật

Cũng như Việt Nam, Thái Lan hay Philippines, người Campuchia nổi tiếng ưa chuộng võ thuật. Danh sách những võ sĩ Khmer chiếm một số lượng đáng kể trên võ đài One Championship nổi tiếng của giới MMA châu Á. Thành tích thể thao Campuchia tại các kỳ SEA Games chủ yếu xoay quanh các môn võ, và ở các giải quốc tế, các vận động viên đến từ xứ chùa tháp cũng ít nhiều được xem trọng.

Nhưng cũng vì truyền thống mê võ, một cuộc tranh cãi lớn giữa Campuchia và Thái Lan đã diễn ra hàng thập niên qua, xoay quanh hai môn võ muay Thái và kun Khmer. Ở SEA Games 32, Campuchia loại bỏ muay Thái - môn võ từ lâu đã đạt đến thương hiệu tầm Asiad của người Thái - để đưa vào chương trình thi đấu môn kun Khmer truyền thống của họ. 

Nhưng chuyện đó khá bình thường với các kỳ SEA Games. Điều đáng nói, về mặt kỹ thuật, kun Khmer và muay Thái thật ra như là một.

Phía Liên đoàn Muay Thái thế giới (IFMA) phản ứng dữ dội quyết định này. IFMA tuyên bố không cử võ sĩ tham dự môn kun Khmer, đồng thời dọa sẽ cấm cả các võ sĩ nước ngoài tham gia những giải muay Thái quốc tế nếu dự môn kun Khmer ở SEA Games 32. Chung cuộc, chỉ có 5 quốc gia dự môn này là Việt Nam, Malaysia, Myanmar, Lào và chủ nhà Campuchia.

Sự nhập nhằng giữa kun Khmer và muay Thái phản ánh một phần lịch sử phức tạp. Tại một cuộc họp ASEAN năm 1995, Campuchia đề nghị đổi tên muay Thái thành "Sovannaphum boxing" hoặc "SEA boxing". Sovannaphum có nghĩa là "vùng đất vàng" trong tiếng Khmer, ý nói đến lục địa Đông Nam Á trong ngôn ngữ Pali của Ấn Độ. Việc đổi tên này hàm ý hướng muay Thái sang nhóm boxing để tránh những xung đột chính trị sau này.

Nhưng phía Thái Lan tuyên bố không thỏa hiệp, khẳng định rằng mỗi quốc gia có một phong cách võ thuật riêng và họ chịu trách nhiệm quảng bá môn võ của mình ra tầm thế giới. Khi muay Thái ra mắt tại SEA Games 2005, Campuchia đã không cử vận động viên tham dự để phản đối. Điều này dẫn đến việc trong một số kỳ SEA Games gần đây, các nước chủ nhà trung lập thường dùng tên ngắn gọn "muay" thay vì "muay Thái" nhằm tránh dẫn đến xung đột.

Để chấm dứt tranh cãi, Thủ tướng Campuchia Hun Sen mới đây đã đề nghị Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan cùng nộp đơn lên UNESCO để xin công nhận môn võ thuật cổ truyền của mình.

Các đòn thế đẹp mắt lẫn hiệu dụng giúp vovinam quảng bá ra nước ngoài  - Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Các đòn thế đẹp mắt lẫn hiệu dụng giúp vovinam quảng bá ra nước ngoài - Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Tinh thần học hỏi

Nhưng Campuchia không chỉ có kun Khmer. Như đã nói, người dân xứ sở chùa tháp ưa chuộng võ thuật và có tinh thần tiếp thu những môn võ khác. Vovinam là một ví dụ. 

Ông Nguyễn Bình Định, phó tổng thư ký Liên đoàn Vovinam Việt Nam, cho biết: "Từ hơn 10 năm trước, khi chúng tôi bắt đầu phát triển vovinam ra các nước, Campuchia là một trong những nơi tiếp thu nhiệt tình nhất. Họ không chỉ muốn tập và thi đấu để giành huy chương, mà còn có ý định biến vovinam thành môn thể thao phổ biến ở nước họ. Cho đến nay, ở Phnom Penh đã có vài ba lò võ vovinam".

Pal Chhor Raksmy, một trong 30 vận động viên được Campuchia cử sang Việt Nam tập huấn vovinam, cũng là giáo viên của một trong những lò võ kể trên. Và cái tên Raksmy không hề xa lạ. 

Cô từng là vận động viên taekwondo, được gọi vào đội tuyển quốc gia năm 18 tuổi (2004) và sau đó giành nhiều huy chương quốc tế. Nhưng năm 22 tuổi (2008), Raksmy quyết định chia tay với taekwondo. 

"Tôi nghỉ taekwondo vì sức khỏe không tốt. Chưa kể, tôi muốn dành thời gian cho gia đình sau khi kết hôn vào năm 2009", bà mẹ của cậu con trai hiện 8 tuổi lý giải.

Năm 2011, Raksmy tái xuất với võ thuật, nhưng là với vovinam khi môn võ này bắt đầu được truyền bá sang Campuchia. Có tố chất, lại chịu khó tập luyện nên cô giành ngay 3 HCB ở Giải vô địch thế giới 2011 tại TP.HCM vào tháng 7, và sau đó giành tiếp 1 huy chương vàng, 3 huy chương bạc tại SEA Games 26 ở Indonesia vào tháng 11-2011. 

Cô nói: "Nhờ vovinam, lần đầu tiên tôi được tham dự SEA Games vào năm 2011, thậm chí là có huy chương. Khi giành được huy chương vàng SEA Games đầu tiên, tôi đã bật khóc".

Cái duyên đến với vovinam của Raksmy cũng xuất phát từ người Việt. Trong thời gian nghỉ tập taekwondo, cô làm trợ lý cho ông Rat Sokhorn - doanh nhân gốc Việt và là chủ tịch Liên đoàn Vovinam Campuchia. 

"Lúc đó, ông ấy kêu tôi tập thử vovinam. Tôi phải xin lỗi ông ấy là tôi không muốn tập võ nữa. Nhưng ông ấy kiên trì bảo vovinam tốt lắm, tập luyện không mệt mỏi nhiều đâu, tập cho khỏe. Thế là năm 2011, tôi bắt đầu tập thử vovinam sau khi quan sát vài buổi tập của các võ sĩ vovinam Campuchia và tự lên mạng xem về đòn thế của vovinam.

Tôi tập vì thích đòn chân kẹp cổ rất đẹp và không có trong môn võ tôi từng tập. Tập luyện đòn kẹp cổ rất là khó, đặc biệt là đòn chạy đến trước rồi bay kẹp cổ phía sau rất ấn tượng. Cho đến giờ, tôi vẫn chưa thể thực hiện được đòn chân đó dù có thể thực hiện được các đòn chân kẹp cổ phía trước", Raksmy hào hứng.

12 năm tập luyện vovinam, Raksmy không chỉ tìm hiểu văn hóa Việt Nam qua môn võ mà còn nói thạo tiếng Việt. Điều này giúp cô phiên dịch cho các đồng đội khi cần. 

"Văn hóa Việt Nam cũng như nguyên lý võ thuật của vovinam cũng là điều mà các võ sĩ Campuchia rất thích khi nói đến. Nó giống như nguyên lý cây tre mà chúng tôi từng nhiều lần được nghe đến khi học võ truyền thống từ lúc nhỏ".

Hơn 10 năm gắn bó với vovinam, Raksmy thấm nhuần cả văn hóa Việt, đồng thời cũng ấp ủ giấc mơ "phát dương quang đại" môn võ của người Việt sang quê hương mình. Ngoài công việc vận động viên kiêm huấn luyện viên chuyên nghiệp, cô còn mở một lớp võ phong trào có khoảng 40-50 học viên.

Với tinh thần yêu chuộng võ thuật của người Khmer, việc những cô bé, cậu bé Campuchia học võ vovinam ngay trong môi trường học đường không phải là giấc mơ xa vời. Giấc mơ đó cao xa hơn so với việc giành những tấm huy chương.

Lên võ đài để đổi đời

Thể thao Campuchia không mạnh nên giành huy chương vàng SEA Games, châu Á hay thế giới là điều rất khó. Nhưng vovinam đã giúp các vận động viên Campuchia giành lấy huy chương vàng ở những đấu trường đó. Thậm chí là nhờ vovinam mà đổi đời. Chỉ với 3 huy chương bạc thế giới, 1 huy chương vàng và 3 huy chương bạc SEA Games trong năm 2011, cô Raksmy đã có đủ tiền thưởng mua một căn nhà để ở.

Cô cho biết: "Hơn 10 năm trước vẫn chưa có nhà riêng và còn phải ở với gia đình. Nhưng nhờ tiền thưởng từ hai giải đấu đó, tôi đã mua được nhà riêng cho mình".

Huy chương vàng vovinam thế giới ban đầu (năm 2011) được Campuchia thưởng 5.000 USD, nhưng sau đó đã được nâng lên 10.000 USD, bằng tiền thưởng với huy chương vàng SEA Games. Thậm chí có năm, huy chương vàng vovinam thế giới được Campuchia thưởng đến 40.000 USD như ở giải năm 2017 tại Ấn Độ.

Năm đó, nhiều võ sĩ Campuchia đã đổi đời. Chính điều này cũng thúc đẩy nhiều người Campuchia theo học vovinam hơn, giúp môn võ Việt đẩy mạnh quảng bá tại đây vào năm 2018.

Một ví dụ cho thấy niềm đam mê võ thuật của người dân xứ chùa tháp. Ở SEA Games 31, họ giành được 9 huy chương vàng thì trong đó có đến 7 là đến từ các môn võ (vovinam, kickboxing, vật, taekwondo và muay). Campuchia không phải là cường quốc thể thao, nhưng luôn là đối thủ đáng gờm ở các môn võ. Cuộc so tài giữa võ sĩ Campuchia và Thái Lan luôn mang đến bầu không khí rực lửa.

********************

Đằng sau sự hào phóng của Campuchia khi tổ chức SEA Games làm "nước ngoài khen ngợi, nước trong tự hào" là kỳ vọng lớn cho cú hích hồi phục du lịch xứ chùa tháp sau đại dịch.

>> Kỳ tới: Vì sao Campuchia "chơi lớn" cho SEA Games?

Chuyện hậu trường SEA Games xứ chùa tháp - Kỳ 3: Tinh thần Việt Nam trên đất AngkorChuyện hậu trường SEA Games xứ chùa tháp - Kỳ 3: Tinh thần Việt Nam trên đất Angkor

Trong dòng người mặc áo đỏ sao vàng tiến về sân vận động Visakha trước trận mở đầu bóng đá của đội Việt Nam gặp Lào, chúng tôi cứ hỏi vài ba người thì lại gặp người Việt bản địa. "Tôi ở Chbar Ampov", "Tôi ở Ta Khmau", "Em ở Cây số 9"...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp