Ngày 1-8, đoàn công tác của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan làm việc với UBND tỉnh Gia Lai. Tại buổi làm việc, tỉnh Gia Lai kiến nghị hướng dẫn chuyển đổi hàng ngàn ha rừng trồng cao su kém phát triển sang mục đích khác.
Cao su còi cọc, chết non trên đất rừng
15 năm trước, tỉnh Gia Lai được Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương chuyển rừng nghèo sang trồng cao su với chương trình phát triển 50.000ha cao su.
Ông Dương Mah Tiệp - phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai - nói thực hiện chủ trương trên, tỉnh Gia Lai đã cấp phép 44 dự án cho 16 doanh nghiệp chuyển đổi 32.400ha đất rừng sang trồng cao su.
Trong đó đất có rừng tự nhiên là 29.188ha, đất chưa có rừng 3.217ha. Đến nay, diện tích các doanh nghiệp đã trồng cao su là 25.541ha.
Sau thời gian trồng, qua đánh giá có tới 16.500ha cao su sinh trưởng kém, bị chết non. Nguyên nhân là trồng cao su trên đất không phù hợp thổ nhưỡng.
Trước tình trạng này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã báo cáo và được Thủ tướng đồng ý cho phép chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích cao su bị chết kém phát triển sang trồng cây lâm nghiệp khác hoặc trồng các loài cây nông nghiệp.
Tuy nhiên đến nay chưa có mô hình chuyển đổi thành công. Các doanh nghiệp thiếu kinh phí, triển khai chuyển đổi cầm chừng. Do đó doanh nghiệp muốn chuyển đổi các dự án cao su kém hiệu quả sang thực hiện các dự án khác như nông nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi, năng lượng tái tạo…
Ngoài ra, một số doanh nghiệp đã lập dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng các loài cây nông nghiệp, công nghiệp khác.
Do đó, ông Tiệp đề nghị bộ hướng dẫn về việc chuyển mục đích sử dụng rừng và trồng rừng thay thế khi chuyển đổi diện tích cao su sang đầu tư các dự án khác.
Tỉnh này cũng xin được chuyển đổi diện tích cao su bị chết, kém phát triển sang các dự án khác phù hợp.
Việc chuyển đổi đất rừng phải làm rất nghiêm ngặt
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích xin chuyển đổi đất rừng hơn 16.500ha là rất lớn. Nếu chuyển sang cây trồng khác ngoài lâm nghiệp, phải trồng rừng thay thế bằng 1 lần diện tích chuyển đổi đối với rừng trồng. Trồng rừng thay thế bằng 3 lần diện tích chuyển đổi đối với rừng tự nhiên.
Nếu chuyển diện tích trồng cây cao su sang các dự án khác phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất và điều kiện thực tế tại địa phương.
Ông Triệu Văn Lực - cục phó Cục Lâm nghiệp - đề nghị tỉnh Gia Lai phải phân loại diện tích đất trống và rừng tự nhiên trước khi trồng cao su, xác định trồng rừng thay thế hay nộp tiền khi chuyển mục đích rừng sang mục đích khác. Đồng thời tỉnh phải xác định phương án cụ thể khi sử dụng diện tích này.
Nói thêm về việc này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng việc đề xuất chuyển đổi rừng không chỉ có văn bản đề nghị, mà phải có hồ sơ đánh giá nguyên nhân, mục đích và phương án chuyển đổi; phải có chứng lý, tài liệu cụ thể, rõ ràng để làm cơ sở đề xuất.
Do đó bộ trưởng đề nghị tỉnh Gia Lai phải chuẩn bị kỹ tài liệu, hồ sơ về việc chuyển đổi diện tích rừng này để gửi các cơ quan chức năng xem xét, lấy ý kiến.
"Tôi đã chứng kiến những cây cao su ở Ia Mơr còi cọc như cây mía do trồng không hợp thổ nhưỡng. Nếu chuyển đổi những diện tích này sẽ tăng giá trị cho xã hội, chúng tôi hoàn toàn chia sẻ điều đó. Đây không phải vấn đề của Gia Lai, mà là vấn đề của Tây Nguyên, do đó cần phải làm hết sức nghiêm ngặt!" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận