Tuy nhiên, những gì giới quan sát quan tâm nhất không phải đảng nào chiến thắng mà là cuộc chuyển giao quyền lực của Thủ tướng Hun Sen cho con trai cả Hun Manet.
Đảng cầm quyền "không đối thủ"
Theo Ủy ban bầu cử Campuchia (NEC), có trên 9,7 triệu cử tri, đại diện cho 17 triệu dân của đất nước, tham gia bầu cử lần này. Họ sẽ đến 23.789 điểm bỏ phiếu ở 25 tỉnh thành để bầu ra 125 nghị sĩ quốc hội.
Tối 23-7, vài giờ sau khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa, Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) của Thủ tướng Hun Sen tuyên bố thắng lợi áp đảo. Theo giới quan sát chính trị ở Campuchia, cuộc bầu cử quốc hội lần này cũng không khó đoán kết quả bởi vì trong số 17 đảng đối lập đăng ký tranh cử khó có đảng nào đủ thế tạo bất ngờ trước Đảng CPP cầm quyền.
Theo luật pháp Campuchia, người đứng đầu chính phủ bắt buộc phải là nghị sĩ quốc hội. Với quyền lực hầu như tuyệt đối của CPP cùng tầm ảnh hưởng lớn của ông Hun Sen, không ai có thể nghĩ rằng những đại biểu nổi bật của đảng này bị rớt ghế nghị sĩ, nhất là với ông Hun Manet (45 tuổi) - con trai cả của ông Hun Sen.
Trước bầu cử, ông Hun Sen tuyên bố ngày 29-8 tới đây sẽ là ngày nhậm chức của CPP. Người đàn ông 38 năm nắm quyền điều hành Chính phủ Campuchia nói với người dân nước này rằng con trai ông, đại tướng Hun Manet, tư lệnh Lục quân Hoàng gia Campuchia, có thể trở thành thủ tướng. "Điều đó tùy thuộc vào khả năng của Hun Manet".
Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, Em Bosat, một cán bộ lão thành của CPP, cho rằng việc ông Hun Manet kế vị ông Hun Sen "đã được nội bộ CPP thống nhất cao". "Tuy không trực tiếp điều hành nhưng ông Hun Sen vẫn giữ vai trò là chủ tịch CPP để đảm bảo chủ trương, đường lối mà ông xây dựng được kế thừa và xuyên suốt" - ông Em Bosat nói.
"Được cha chú nhắn gửi"
Chiều 23-7, sau khi bỏ phiếu bầu ở Phnom Penh, ông Leng Rithy - oknha của Campuchia, người có điều kiện tiếp xúc với nhiều nhân vật cấp cao của đất nước - đã có cuộc trao đổi với báo Tuổi Trẻ về vấn đề này. Oknha là một tước hiệu quý tộc do quốc vương Campuchia sắc phong.
Theo ông Leng Rithy, sòng phẳng mà nói thì thế hệ lãnh đạo trẻ của Campuchia là những người đã được đào tạo, bố trí, chuẩn bị kế thừa từ nhiều năm trước. Đó là những người đã có điều kiện vật chất, có cơ ngơi, học hành bài bản. Họ nhận thức được quá trình truyền thống của cha mẹ, cũng như truyền thống của CPP. Họ cũng được nhắn gửi từ bậc cha chú, những người hiểu biết và xây dựng tình hữu nghị với Việt Nam.
Từ đó, chúng ta thấy đội ngũ trẻ được tiếp cận và chuyển giao quyền lực, từ khởi xướng của Thủ tướng Hun Sen thì rất phù hợp với điều kiện, tình hình đất nước Campuchia. "Chúng ta có quyền hy vọng những kế thừa từ lớp thế hệ đã đổ xương máu giải phóng Campuchia mới có đất nước Campuchia tươi đẹp đến hôm nay" - ông Leng Rithy nói.
Ông Leng Rithy cho biết các nhân vật cấp cao Campuchia mà ông tiếp xúc, trong đó có Hun Manet, đều được nhắc làm gì làm cũng phải có quan hệ thật tốt với các nước láng giềng mà đặc biệt là Việt Nam.
Một chủ doanh nghiệp có nhiều buổi tiếp xúc với ông Hun Manet nói với phóng viên Tuổi Trẻ rằng qua tiếp xúc trực tiếp nhiều năm, và gần đây cũng mới gặp trong buổi họp mặt do vợ chồng Hun Manet tổ chức hằng năm, vị này thấy ông Hun Manet rất nổi bật trong số các con của Thủ tướng Hun Sen. Ông là người có phong cách giao tiếp rất nhẹ nhàng, tế nhị. Đó là điều ông được quần chúng ủng hộ.
Về chính sách đối ngoại của ông Hun Manet, ông Jim Vutha - một nhà phân tích chính trị ở Phnom Penh - nhận định rằng sẽ khó có những thay đổi trong đường lối đối ngoại. Bởi chính sách của CPP trước nay được coi là lựa chọn tốt nhất cho Campuchia.
"Người ta hy vọng vào tuổi trẻ và sự năng động của ông Hun Manet, người có quá trình học tập bài bản sẽ có những chính sách kinh tế để đưa đất nước trở lại là quốc gia có tốc độ phát triển nhanh như từ năm 2019 trở về trước", ông Vutha nói.
84,21%
Trong tổng số 9,7 triệu cử tri hợp lệ, có 8,17 triệu cử tri đi bỏ phiếu trong ngày 23-7, chiếm tỉ lệ 84,21%.
Mong chờ thế hệ lãnh đạo trẻ
Nhìn chung, người dân cả nước hôm nay đều rất phấn khởi. Họ biết khả năng cao đảng cầm quyền sẽ không thay đổi, song họ vẫn háo hức trước viễn cảnh một người lãnh đạo mới.
Đến lúc này, đại tướng Hun Manet - con trai cả của Thủ tướng Hun Sen và là ứng viên khả năng cao sẽ được bầu làm thủ tướng - vẫn chia sẻ khá ít với báo chí. Do đó, người dân chưa thật sự rõ quan điểm của ông ấy là gì hay ông ấy có thể mang lại cải cách nào để phát triển đất nước. Tuy nhiên, người dân vẫn muốn thấy một gương mặt trẻ hơn trên cả ghế thủ tướng và chính phủ. Người dân hy vọng những người đó sẽ đổi mới đất nước.
Ông Hun Manet đã được học ở phương Tây và ông đã thể hiện được mình là người tài giỏi. Tôi không biết ông ấy sẽ làm gì để thoát khỏi cái bóng của cha mình - được ca tụng là người giải phóng đất nước khỏi chế độ Khmer Đỏ.
Tuy nhiên, tôi vẫn tin ông Hun Manet sẽ tiếp tục được kế thừa di sản của cha và ông ta phải sẵn sàng làm điều đó. Ông Hun Manet sẽ giúp người dân Campuchia tiếp tục sống trong hòa bình. Nhiều người vẫn còn ám ảnh bởi quá khứ và chỉ mong chờ điều đó ở chính phủ mới.
Không chỉ ông Hun Manet, chúng tôi cũng đang có nhiều người trẻ được đào tạo ở phương Tây trong chính phủ. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp của chúng tôi còn khá trẻ, tốt nghiệp kỹ sư ở Pháp. Người dân đang rất yêu mến ông ta vì ông đã mang lại bộ mặt mới cho nền nông nghiệp. Điều tương tự cũng đang diễn ra ở các cơ quan khác.
Tôi nghĩ chính quyền đang xây dựng được sự tin tưởng trong giới trẻ. Những người đi trước muốn nghỉ hưu, để thế hệ trẻ hơn lên thay. Song họ vẫn có thể dìu dắt những người kế nhiệm khi còn đủ sức khỏe. Tôi tin đó là nước đi thông minh. Điều đó cho dân chúng thấy đảng cầm quyền đang có một thế hệ mới trẻ, được đào tạo bài bản và rất giỏi.
Về chính sách, tôi hy vọng chính phủ mới sẽ tập trung vào vấn đề việc làm cho người trẻ và cải thiện chất lượng đào tạo nghề. Tay nghề lao động của chúng tôi còn khá yếu. Bên cạnh đó, tôi cũng mong họ sẽ phục hồi ngành du lịch và dệt may.
Về đối ngoại, tôi mong chính phủ mới sẽ duy trì quan hệ tốt với cả Trung Quốc và Mỹ. Ông Hun Manet được học ở Mỹ, nên tôi nghĩ điều này có thể sẽ là lợi thế. Ngoài ra, với tư cách phó tư lệnh Các lực lượng vũ trang Hoàng gia Campuchia, ông Hun Manet đã có nhiều cuộc gặp với các người đồng cấp bên phía Việt Nam.
Ông ấy cũng đã gặp gỡ với quan chức Lào, Singapore và nhiều nước Đông Nam Á khác. Tôi tin rằng các bên sẽ duy trì mối quan hệ tốt.
Nhà báo LEN LENG (Phnom Penh) - NGỌC ĐỨC ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận