Dù buôn bán đắt hàng hơn, những người giao hàng trực tuyến cũng đối mặt với những rủi ro và phải có các biện pháp bảo vệ. China Daily kể lại câu chuyện của 3 người giao hàng ở thành phố Vũ Hán những ngày này.
Anh Wu Qiang bên chiếc xe điện giao hàng ở Vũ Hán - Ảnh: China Daily
Làm việc không ngày nghỉ
Anh Wu Qiang, 32 tuổi, sống ở Vũ Hán 10 năm nay và hiện là giám đốc một trạm giao hàng của một nhà bán lẻ trực tuyến. Công việc của anh là mỗi ngày có mặt từ 7h sáng để kiểm tra thân nhiệt các nhân viên, chuyển hàng và bắt đầu làm việc.
Mọi người ở trạm không có thời gian làm việc cố định mà chỉ "làm việc đến khi kiệt sức thì thôi". Ngày tết cũng như ngày thường. Anh Wu thường là người về nhà sau cùng, vào khoảng 8h30 tối.
"Tôi không nhớ chính xác đã bao lâu tôi không có ngày nghỉ", anh nhớ lại. Trong đợt dịch bệnh này, các nhân viên giao hàng phải làm gấp đôi ngày thường do lượng đặt hàng khổng lồ, bất chấp việc dịp Tết Nguyên đán thường là mùa thấp điểm mua hàng trực tuyến.
Nếu trước đây, mỗi nhà chỉ mua 2 bao gạo mỗi tháng thì nay tăng lên 6. Dầu ăn, gạo, sữa công thức, khẩu trang, mì gói… cũng đắt hàng bởi những mặt hàng này đã hết sạch ở các siêu thị truyền thống.
Việc giao hàng trong mùa dịch cũng khác thường. Anh Wu cho biết nhiều khu dân cư ở Vũ Hán bị phong tỏa nên các nhân viên giao hàng thường phải đặt đồ ở lối vào và gọi khách hàng ra lấy. Để tránh tiếp xúc trực tiếp, nhân viên giao hàng phải lùi lại 5m khi khách đến và chờ khách ra hiệu đã kiểm tra và nhận hàng.
"Tôi đã lên kế hoạch về quê để đoàn tụ với vợ đang mang bầu 6 tháng và con gái 6 tuổi", anh Wu kể. Nhưng dịch COVID-19 bùng phát khiến anh không thể rời Vũ Hán, thêm vào đó phải làm việc nhiều hơn.
"Mong là lệnh phong tỏa sẽ được gỡ bỏ và mọi thứ trở lại bình thường càng sớm càng tốt để tôi có thể gặp vợ con và nghỉ ngơi vài ngày", anh nói.
Cô Xu Yanhong quyết tâm đi giao hàng dù gia đình ngăn cản - Ảnh: China Daily
Không thể chỉ nghĩ cho mình
Cô Xu Yanhong, 47 tuổi, cũng chứng kiến cuộc sống đảo lộn khi giao thông gián đoạn khiến con trai không thể về quê để chuẩn bị đám cưới, còn chồng bị mắc kẹt ở chỗ làm. "Sau khi xong việc ngày 23-1, tôi nghe tin dịch bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Sáng 24-1, số đơn hàng đột nhiên tăng mạnh", cô Xu kể lại.
"Mỗi ngày đi làm, tôi chỉ nghĩ đến việc giúp khách nhận hàng càng sớm càng tốt để họ cảm thấy an tâm khi ở nhà, nơi an toàn nhất hiện nay. Họ đã quá hoảng sợ khi đọc tin tức và lo lắng về việc thiếu thức ăn", cô nói.
Chồng và con của cô thì không hiểu vì sao cô khăng khăng đi làm việc. Càng ra ngoài nhiều, tiếp xúc với nhiều người, nguy cơ bị lây nhiễm COVID-19 càng cao.
"Tôi nói với họ rằng nghề của tôi khác biệt. Nếu tôi không làm việc, làm sao những khẩu trang và chất tẩy uế đến được với mọi người? Tôi không thể chỉ nghĩ cho riêng mình", cô nói công việc của mình dù sao cũng không cực khổ và nguy hiểm bằng các nhân viên y tế đang chiến đấu với dịch bệnh hằng ngày.
Lượng đơn hàng trực tuyến tăng mạnh trong đợt dịch COVID-19 - Ảnh: THX
Cám ơn người vận chuyển
Anh Pan Guozhen, 33 tuổi, cũng gặp khó khăn khi lượng đơn hàng tăng đột biến trong khi nhân lực thiếu hụt. Công việc cũng trở nên đáng sợ hơn trong thời dịch bệnh khi phải tiếp xúc với nhiều người, chạy xe trên những con đường vắng tanh chỉ có xe cứu thương hoạt động.
Nhưng anh cũng chứng khiến những khoảnh khắc xúc động. Một lần, khách hàng tặng lại anh một hộp khẩu trang. "Chúng tôi có đủ rồi, nhưng anh gặp nguy hiểm nhiều hơn khi chạy ngoài đường mỗi ngày. Cám ơn vì vẫn giao hàng ngày tết", khách hàng đó nói với anh.
Nhiều người chỉ biết cảm ơn rối rít khi nhận hàng từ anh Pan.
"Nhìn gương mặt hạnh phúc của họ, tôi thấy mình đang làm việc có ý nghĩa. Sự thông cảm của khách hàng là động lực để tôi tiếp tục làm việc. Trong thời gian này, tôi thấy nhiều người cần đến mình. Tôi không muốn để hi vọng của họ biến thành thất vọng", anh nói.
Một nhân viên tình nguyện giao cơm miễn phí ở Vũ Hán - Ảnh: THX
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận