01/04/2016 15:50 GMT+7

Chuyên gia và nhà khoa học chọn Bình Triệu là ga trung tâm

NGỌC ẨN - MINH PHƯỢNG (tranngocan@tuoitre.com.vn)
NGỌC ẨN - MINH PHƯỢNG ([email protected])

TT - Ngày 31-3, tham gia buổi tọa đàm “Dời hay không dời ga Sài Gòn?” do báo Tuổi Trẻ tổ chức, nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã có ý kiến nghiêng về phương án dời ga trung tâm ra Bình Triệu.

Nhiều nhà khoa học đề xuất, nghiên cứu phương án tổ chức ga hành khách tại ga Bình Triệu (P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TP.HCM) - Ảnh: Hữu Khoa
Nhiều nhà khoa học đề xuất, nghiên cứu phương án tổ chức ga hành khách tại ga Bình Triệu (P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TP.HCM) - Ảnh: Hữu Khoa

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Văn Tám, phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho rằng tuyến đường sắt quốc gia do Bộ GTVT quản lý, nhưng TP sẽ phối hợp với bộ để xem xét những vấn đề dư luận đặt ra...

Ga Sài Gòn chưa xứng tầm

TS Võ Kim Cương, nguyên phó kiến trúc sư trưởng TP, cho rằng đường sắt vào được sâu trong trung tâm sẽ hút khách, nhưng ga Sài Gòn (còn gọi là ga Hòa Hưng) rất nhỏ nên phải có hướng giải quyết.

“Đường sắt vào trung tâm TP đã cắt qua nhiều tuyến đường nên việc tính làm tuyến đường sắt trên cao hoặc ngầm dưới lòng đường là xu hướng hiện đại” - ông Cương nói.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Đặng Ngọc Thành, nguyên tổng giám đốc Liên hiệp Vận tải đường sắt 3, cho biết ga Sài Gòn có tính chất lịch sử về vùng giao thông và trong tương lai sẽ kết nối các tuyến metro số 4, số 2.

Thế nhưng theo ông Thành, chỉ nên duy trì ga Sài Gòn là ga hành khách, còn bộ phận tác nghiệp kỹ thuật (xí nghiệp đầu máy toa xe) đưa ra ga Bình Triệu sẽ phù hợp hơn.

Trả lời về việc đặt ga Sài Gòn ở trung tâm TP nên đoàn xe lửa chạy qua 14 tuyến đường giao thông, gây ra nhiều vụ kẹt xe, ông Nguyễn Trung Tiến, cán bộ Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn, cho rằng thực tế đoàn xe lửa qua mỗi điểm giao cắt với đường bộ chỉ mất vài phút.

Việc xảy ra ùn tắc tại các giao lộ này là do người tham gia giao thông không chấp hành đúng luật pháp. Không đồng tình với ý kiến này, PGS.TS Nguyễn Minh Hòa cho biết việc xe lửa chạy vào trung tâm TP không chỉ gây ùn tắc giao thông mà trong năm vừa rồi có đến năm người chết do bị xe lửa cán ở đường ray Lê Văn Sỹ.

Ông Nguyễn Trung Tiến còn cho biết ngành đường sắt đã có biện pháp giảm tải cho TP. Cụ thể là trước đây tất cả đoàn tàu kéo hàng đều về ga Sài Gòn, nhưng hiện đã xây dựng nhà máy ở ga Sóng Thần (Dĩ An, Bình Dương), tất cả đầu kéo tàu hàng đều không vào ga Sài Gòn...

Ảnh: Hữu Khoa
Ông NGUYỄN VĂN TÁM (phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM) - Ảnh: Hữu Khoa
Trước hết phải vì lợi ích chung, không vì lợi ích nhóm. Quy hoạch, định hướng cho phát triển tương lai lâu dài, bền vững, ổn định nên trong quá trình triển khai, gặp vướng mắc có thể điều chỉnh sao cho tốt hơn

Sức ép giao thông ở trung tâm TP

PGS.TS Nguyễn Minh Hòa nêu ba vấn đề TP cần giải quyết: đó là TP có muốn giảm sức ép về dân số, có muốn phát triển đô thị đa cực không, ngành giao thông vận tải có muốn tăng năng lực vận tải hành khách và hàng hóa không?

Tự trả lời các câu hỏi trên, ông Hòa cho biết hiện nay khu trung tâm TP, nhất là khu vực Q.1, Q.3, đang bị sức ép về dân số rất nặng nề. Tại sao TP chủ trương di dời các trường đại học ra khỏi trung tâm TP, các bệnh viện trong nội ô không được cấp giấy phép xây dựng mới, chợ đầu mối, bến xe dời đi hết, nhưng ga Sài Gòn không di dời?

Từ câu chuyện trên, ông Hòa nêu ga Sài Gòn xây dựng năm 1983, không có đặc sắc về kiến trúc, lịch sử, dấu ấn, ký ức gì.

Ông nêu câu hỏi nếu giữ ga Sài Gòn lại với vị trí ga trung tâm và làm đường sắt trên cao đoạn Bình Triệu - Hòa Hưng thì phải làm bao nhiêu tầng?

Ông nêu lại ý kiến mà Tuổi Trẻ đã đăng tải là thất bại nhất của Bangkok (Thái Lan) là làm đường sắt 4-5 tầng như những con rắn khổng lồ, đen thui chạy khắp trung tâm TP, vừa phản cảm, vừa xấu, vừa phá vỡ cảnh quan để nhấn mạnh TP.HCM đừng lặp lại bài học thất bại đó.

Ngoài ra, theo ông Hòa, nếu giải tỏa để làm đường sắt trên cao thì làm kiểu gì cũng phải ảnh hưởng đến cả ngàn người dân.

“Đã có những năm ngành đường sắt chuyển hành khách về ga Bình Triệu rồi và việc lưu thông từ ga này vào TP cũng không trở ngại” - ông Hòa nói.

Không băn khoăn trong việc dời hay không dời ga Sài Gòn, ông Trần Quang Thắng - viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TP - khẳng định: cần dời ga Sài Gòn ra ga Bình Triệu để giải quyết vấn đề kinh tế, kỹ thuật, môi trường, mỹ thuật.

Trong đó, vấn đề kinh tế rất quan trọng vì lấy đâu ra 1 tỉ USD để làm đường sắt trên cao? Đồng thời, ông Thắng cho biết ga Bình Triệu có thế mạnh trong kết nối với hệ thống giao thông toàn tuyến như metro, các phương tiện giao thông vận tải khác và hơn hẳn so với ga Sài Gòn.

Thêm phương án ga Bình Triệu

Theo ông Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, nếu bảo thủ thì việc để ga Sài Gòn ở lại là ổn định, hoạt động bình thường vì đã có quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

“Mới nhìn thì thấy giữ nguyên ga Sài Gòn có vẻ dễ cảm nhận hơn. Còn chỗ nào chẳng kẹt xe, ráng chịu thôi, tiếng ồn, tai nạn giao thông chỗ nào chẳng có, thôi cứ từ từ chờ làm đường sắt trên cao. Nhưng tôi cảm giác ga Sài Gòn hiện nay chúng ta cũng phải sửa vì nó không mang màu sắc văn hóa, kiến trúc của Sài Gòn. Xung quanh nó chật hẹp, xe buýt cũng không kết nối vào sân ga” - ông Sanh nói.

Ông Phạm Sanh cho rằng theo xu hướng thế giới, người ta không đẩy nhà ga chính của TP ra xa quá mà vẫn bám trung tâm, nhưng bám trung tâm như thế nào mình phải bàn thêm.

Hiện nay chúng ta bàn việc dời hay không dời ga Sài Gòn hay chọn ga Bình Triệu là ga trung tâm chỉ mang tính định tính hơn là định lượng.

Để có nhà ga xứng tầm với TP.HCM thì phải có sự nghiên cứu thật kỹ lưỡng. Ông Sanh đề nghị song song với giải pháp Bộ GTVT đã trình Thủ tướng phê duyệt quy hoạch, cấp thẩm quyền TP nên phân tích thêm phương án ga Bình Triệu.

Theo ông Nguyễn Văn Tám, tuyến đường sắt quốc gia do Bộ GTVT quản lý chứ không thuộc quản lý của TP. Tuy nhiên, TP cũng sẽ phối hợp với bộ để xem xét những vấn đề dư luận đặt ra.

Ông Tám cũng nhìn nhận việc dời hay không dời ga Sài Gòn cần được xem xét trong tổng thể phát triển chung của TP và quy hoạch kết nối vùng giữa TP với các vùng lân cận.

Lựa chọn của bạn đọc trên Tuổi Trẻ Online

Cầu Ghềnh bị sập khiến đường sắt Bắc - Nam bị gián đoạn chưa từng có. Nhân sự cố này TTO thăm dò ý kiến bạn đọc về việc dời ga Sài Gòn hay không và có kết quả như sau (tính đến tối 31-3):

Thiệt hại hay cơ hội?

Đồng tình với ý kiến ông Phạm Sanh, ông Võ Kim Cương đề nghị ngành đường sắt nên nghiên cứu càng sớm càng tốt chuyện làm ga Bình Triệu là ga trung tâm.

Còn chuyện đưa khách vào trong trung tâm TP, ông Cương đề nghị phải tính rất kỹ. Không đồng tình với ý kiến ông Nguyễn Trung Tiến cho rằng sẽ thiệt hại nếu dời ga Sài Gòn về Bình Triệu vì ảnh hưởng đến 3.000 lao động đang làm việc, ông Cương cho rằng đừng nghĩ sẽ thiệt hại mà đây là cơ hội.

“Có thể sẽ phải thay đổi, kể cả hệ thống nhà máy, khi ra Bình Triệu phải làm lại mới. Tất cả những cái đó mình đều làm được nếu đưa vào bài toán kinh tế kỹ thuật để tính toán, cân đối. Còn bài toán nữa phải tính là nguy cơ của đường sắt, càng ngày càng lùi. Nên xem lại vì sao đường sắt càng ngày càng ít khách, không có tiền đầu tư...” - ông Cương nhấn mạnh.

NGỌC ẨN - MINH PHƯỢNG ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp