09/02/2020 15:08 GMT+7

Chuyên gia Trung Quốc cảnh báo 2019-nCoV 'lây qua aerosol', vậy aerosol là gì?

NHẬT ĐĂNG - BẢO ANH
NHẬT ĐĂNG - BẢO ANH

TTO - Chuyên gia Trung Quốc ngày 8-2 cảnh báo 2019-nCoV có thể 'lây qua aerosol', nhưng cảnh báo này đang gây tranh cãi vì 'aerosol' có hai cách hiểu. Vậy 'aerosol' trong cảnh báo của họ mang ý nghĩa nào?

Chuyên gia Trung Quốc cảnh báo 2019-nCoV lây qua aerosol, vậy aerosol là gì? - Ảnh 1.

Một bệnh nhân sử dụng dụng cụ khí dung trong điều trị hô hấp - Ảnh minh hoạ: Medical News Today

Trước đó, phát biểu tại một cuộc họp báo ở Thượng Hải (Trung Quốc) ngày 8-2, ông Tăng Quần (Zeng Qun), phó cục trưởng Cục Dân chính thành phố Thượng Hải, cho biết các chuyên gia y tế và phòng ngừa dịch đã xác định virus corona chủng mới (2019-nCoV) có thể lây qua aerosol (nguyên văn tiếng Anh), theo hãng tin Tân Hoa xã của Trung Quốc. 

Chữ "aerosol" lập tức gây tranh cãi. Một số chuyên gia y tế tại Việt Nam cho rằng aerosol cần được hiểu là "khí dung". Theo đó, ý kiến của ông Tăng Quần ở đây phải được hiểu là 2019-nCoV có thể lây qua "khí dung", tức khuyến cáo các bệnh viện không nên sử dụng phương pháp khí dung để điều trị bệnh nhân nhiễm 2019-nCoV.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn khuyến cáo về nguy cơ lây lan virus corona khi sử dụng thủ thuật khí dung - Nguồn: Bộ Y tế

Trong khi đó, báo chí Trung Quốc (phiên bản tiếng Hoa) gọi thuật ngữ "aerosol" trong phát biểu của ông Tăng Quần là "khí dung giao". Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc gọi "aerosol" là "lây truyền khí dung giao". 

Trên thực tế, tranh cãi này làm bật lên một số câu hỏi: "khí dung" theo cách hiểu của một số chuyên gia Việt Nam và "khí dung giao" theo cách hiểu của phía cơ quan chức năng Trung Quốc khác nhau ra sao? 

Khí dung là gì? Nó có phải là aerosol?

Theo một số chuyên gia y tế tại Việt Nam, tại nước ta, khí dung được hiểu là một phương pháp điều trị tại chỗ các bệnh lý đường hô hấp, trong đó sử dụng máy xông khí, xông thuốc dưới dạng sương mù vào mũi, họng, khí quản, phế quản của bệnh nhân.

Rất nhiều người không hiểu chữ "khí dung" có nghĩa là gì, là không khí, là một phương pháp hay một động từ, nên có chuyện một số trang tin còn viết theo kiểu "khí dung là một loại máy xông thuốc".

Trong tiếng Anh, chữ "khí dung" tương ứng là "nebulization", còn máy khí dung (dụng cụ thực hiện quá trình khí dung) được gọi là "nebulizer". Động từ của nó là "nebulize", chỉ việc chuyển chất lỏng thành chất bơm. Phương pháp điều trị bằng khí dung (nebulization) được xếp vào một dạng phương pháp điều trị bằng khí bơm, có cụm tiếng Anh phổ biến là "aerosol therapy".

Nói cách khác, nebulization là một phương pháp "aerosol therapy". Và nếu xét theo ngữ nghĩa, chữ "aerosol" chỉ là một danh từ chung chứ không phải "khí dung".

Trong tiếng Hoa, nebulization được dịch là 雾 化, tức "vụ hóa". Trong đó chữ "vụ" là không khí, sương mù, còn "hóa" có nghĩa như một phương pháp, một kiểu tương tự "chuyển hóa" như chúng ta hay dùng.

Aerosol là gì?

Theo bà Lê Thị Xuân Lan - nguyên phó trưởng phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, trong khí tượng học, "aerosol" là từ để chỉ các chất lơ lửng trong không khí ở tầng thấp, bao gồm hạt bụi, khói, nước, hạt kim loại nặng...

Trang Quảng Châu Nhật Báo cũng giải thích: cái gọi là "aerosol", về mặt học thuật, đề cập tới một hệ thống phân tán khí được tạo thành từ những hạt ở trạng thái lỏng hoặc rắn lơ lửng trong môi trường khí.

Nói chung, để phân biệt "aerosol" với khí sạch, thì khí ô nhiễm hoặc khí chứa các hạt bụi thường được xem là aerosol. Thật ra, "aerosol" có thể sản sinh trong tự nhiên, ở các dạng là mây, sương mù hoặc bụi lơ lửng trong không khí.

"Aerosol" cũng có thể thể hình thành do nhân tạo, chẳng hạn những giọt nước bắn ra khi con người hắt hơi hoặc ho. Những giọt nước có kích thước lớn sẽ nhanh chóng rơi xuống mặt đất hoặc bề mặt vật thể nào đó. Còn các giọt nước nhỏ có thể lơ lửng trong không khí trong một khoảng thời gian, và đây thuộc về "aerosol".

Ngoài ra, "aerosol" có thể được tạo ra trong lúc thực hiện một số thao tác y tế như nội thông khí quản, nội soi phế quản hoặc các thao tác trong nha khoa.

Ở Trung Quốc, người ta sử dụng từ "khí dung giao" để chỉ "aerosol". "Giao" có nghĩa là keo, nhựa. "Dung" là hòa hợp, hòa tan.

Tại sao lại có tranh cãi?

Trong các ý kiến về "aerosol", một số chuyên gia tại Việt Nam cho rằng báo chí dịch thuật sai và hiểu sai chữ "aerosol". Họ khẳng định "aerosol" mà chuyên gia Trung Quốc nói ngày 8-2 phải được hiểu là "khí dung", không được hiểu là danh từ chung aerosol chỉ các hạt ở trạng thái lỏng hoặc rắn trong môi trường khí, không được hiểu là loại aerosol theo kiểu giọt nước bắn ra khi con người hắt hơi hoặc ho như trên.

Như vậy, cuộc tranh cãi này tóm gọn lại thành một câu hỏi duy nhất: Rốt cuộc các chuyên gia Trung Quốc vừa qua khi nói về "aerosol" thì họ muốn đề cập tới cái gì?

Ý của các chuyên gia Trung Quốc là gì?

Đây sẽ là câu hỏi khép lại mọi tranh luận.

Trong bản tin đăng lúc trưa 9-2, báo Tài Tân (Caixin) đưa tin về khuyến cáo ngày 8-2 của ông Tăng Quần, đi kèm lời giải thích:

"Aerosol transmission has again fueled public fears of infection. The novel coronavirus can be transmitted through aerosols, a Shanghai official cited health experts (link in Chinese) as saying at a press briefing on Saturday. That means a person can get infected by viruses through inhalation of the mix of the air and infected patients’ droplets".

Báo Tuổi Trẻ dịch lại nguyên văn như sau:

"Lây truyền qua aerosol một lần nữa tạo ra làn sóng sợ hãi nơi công chúng về việc nhiễm bệnh. Virus chủng corona mới có thể lây truyền qua aerosol, theo lời một quan chức Thượng Hải dẫn ý kiến chuyên gia y tế (đính kèm link bằng tiếng Hoa), nói tại một cuộc họp báo hôm 8-2. Điều đó có nghĩa là một người có thể bị nhiễm bệnh từ virus thông qua việc hít phải hỗn hợp không khí và giọt bắn li ti của người bệnh”.

Như vậy, theo Tài Tân, ý của ông Tăng Quần không đề cập tới "khí dung" trong phương pháp điều trị, mà chính xác là "một người có thể bị nhiễm bệnh từ virus thông qua việc hít phải hỗn hợp khí trong không khí cũng như dịch tiết li ti từ người bệnh". 

Ngay trong tuyên bố của mình về khả năng lây truyền virus corona chủng mới qua aerosol, phó cục trưởng Cục Dân chính thành phố Thượng Hải Tăng Quần đã nêu rõ: "Lây truyền qua aerosol, tức chỉ những giọt nước trộn lẫn trong không khí, hình thành nên 'khí dung giao', mà sau khi hít vào sẽ bị nhiễm bệnh".

Sau tuyên bố của mình, ông kêu gọi mọi người không tụ tập ở nơi đông đúc, mở cửa sổ cho nhà cửa thông thoáng và khử trùng nhà cửa.

Đến nay Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn chưa kết luận con đường "lây truyền qua aerosol" có nằm trong số các con đường lây truyền 2019-nCoV. NHC cuối ngày 8-2 cho biết "lây truyền aerosol" vẫn chưa được xác nhận.

Cần hiểu rằng, cũng xuất hiện một số thông tin dẫn khuyến cáo không nên dùng phương pháp "khí dung" để điều trị bệnh viêm phổi do virus corona mới gây ra.

Tuy nhiên chi tiết này không nên được đánh tráo, dẫn tới hiểu sai ý của các chuyên gia Trung Quốc ngày 8-2.

WHO tiếp tục cảnh báo sai lầm trong ngăn ngừa corona

Sáng 9-2, Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phát hành bộ poster mới nhất về các sai lầm trong biện pháp ngăn ngừa virus corona. Theo đó, một số người cho rằng ăn tỏi có thể ngăn virus, virus không tồn tại lâu tại các vùng khí hậu nóng, vắcxin phòng bệnh viêm phổi có thể bảo vệ khỏi virus...

"Tỏi là loại thực phẩm tốt cho sức khỏe và có đặc tính kháng khuẩn nhưng chưa có bằng chứng cho thấy ăn tỏi có thể bảo vệ khỏi virus corona. Dù bạn ở đâu và điều kiện thời tiết ra sao, quan trọng là bạn thực hiện các biện pháp phòng bệnh"- bộ poster này cho biết. (LAN ANH)

WHO bị nghi WHO bị nghi 'lạc quan tếu' trong dịch virus corona

TTO - Trong khi các quan chức Trung Quốc thừa nhận "có lắm vấn đề" trong cách phản ứng trước dịch nCoV, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn đánh giá cao nước này.

NHẬT ĐĂNG - BẢO ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp