Sàn chứng khoán New York ngày 5-2 - Ảnh: AFP
Ngày 5-2, trong khi Bitcoin giảm đến 23%, mất đến 18 tỉ USD giá trị thị trường chỉ trong một ngày, thị trường chứng khoán còn lao "kinh hoàng" hơn: cổ phiếu Dow Jones trên sàn giao dịch New York mất hơn 300 tỉ USD; S&P 500 cũng rực sắc đỏ.
Trong một ví dụ cụ thể, Alphabet - công ty mẹ của Google, mất 40 tỉ USD vốn hóa thị trường trong ngày giao dịch thứ hai liên tiếp. Điều này có nghĩa các nhà đầu tư cổ phiếu Alphabet đã mất hơn 80 tỉ USD từ thứ sáu tuần trước.
Tuy nhiên, các chuyên gia trấn an đây không phải là hiện tượng thị trường sụp đổ, dù số điểm giảm của chỉ số Dow Jones (có lúc 1.600 điểm) có thể trông tồi tệ hơn những ngày đen tối năm 2008 sau vụ phá sản của ngân hàng Lehman Brothers.
Thông thường, thị trường chứng khoán sụp đổ được xác định bởi sự lao dốc đột ngột và nhanh chóng của giá cổ phiếu (từ 20% trở lên). Một vài sự kiện mang đặc điểm này gồm: ngày thứ ba đen tối năm 1929; ngày thứ hai đen tối năm 1987; bong bóng dot-com năm 2000; cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008...
Ngoài ra, còn một hiện tượng gọi là "thị trường điều chỉnh", đó là khi giá cổ phiếu giảm ít nhất 10% từ mốc cao nhất. Đợt giảm giá lần này của cổ phiếu Mỹ vẫn chưa đến mức 10% nhưng có thể đang hướng đến mốc tự điều chỉnh đó.
Sau nhiều ngày bán tháo, một phần do báo cáo việc làm của Mỹ tốt hơn mong đợi dẫn đến lo sợ lạm phát, chỉ số Dow Jones chỉ giảm 8,5% từ mức cao kỷ lục 26.616,71 điểm của tháng trước; trong khi chỉ số S&P giảm 7,8%.
Nhìn chung, chỉ số Dow tăng càng cao, số điểm nó có thể mất đi trong một ngày cũng tăng theo, đơn giản vì thay đổi đó không chiếm % đáng kể. Nếu so với ngày thứ hai đen tối 9-10-1987, khi đó Dow Jones giảm hơn 22% nhưng chỉ tương đương với 508 điểm.
Ông Peter Garnry - chiến lược gia của Ngân hàng Saxo Bank, cách đây 2 tuần đã dự báo trước về một đợt điều chỉnh của thị trường trong nửa sau quý 1. Tuy thời điểm không chính xác nhưng lời cảnh báo này dường như đang đúng
Trả lời phỏng vấn hãng tin tài chính Bloomberg hôm qua, ông Garnry tiếp tục dự báo đà giảm của cổ phiếu lần này sẽ không kéo dài lâu do trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ vẫn chưa đạt đến ngưỡng đáng lo.
"Chúng tôi tin đây là đợt điều chỉnh lành mạnh của thị trường chứng khoán, nhưng nó sẽ không kéo dài lâu vì trái phiếu 10 năm của Mỹ chưa ở trong vùng nguy hiểm" - ông Garnry nêu quan điểm.
Theo tạp chí Fortune, nếu chỉ số Dow tiếp tục giảm trong ngày 6-2 (giờ Mỹ, buổi tối VN), nó sẽ rơi vào vùng điều chỉnh (chỉ cần mất thêm 361 điểm nữa). Thực tế, đã có 4 lần thị trường tự điều chỉnh kể từ đợt suy thoái kết thúc năm 2009, theo Yardeni Research.
Trong thời gian qua, các chuyên gia đầu tư và nhà kinh tế đã nhiều lần nhận xét giá cổ phiếu hiện tại đang đắt đỏ, và dự báo nó sẽ trở lại mặt đất không sớm thì muộn.
Tân chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) - ông Jerome Powell đi làm ngày đầu tiên hôm thứ Hai (5-2). Thị trường dự đoán tăng trưởng việc làm và lương tốt sẽ khiến FED tăng lãi suất nhanh hơn dự kiến. Một khi lãi suất tăng, dòng tiền sẽ bị hút ra khỏi thị trường chứng khoán vì khi đó trái phiếu chính phủ trở nên hấp dẫn hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận