Giao thông bị ngưng trệ khi đường Nguyễn Hữu Cảnh (Bình Thạnh, TP.HCM) ngập nặng - Ảnh: Thuận Thắng |
GS.TS Tsai I Chang (Đài Loan, Trung Quốc) cho rằng so với những năm đầu giải phóng, dân số tại TP.HCM tăng lên gấp 5 lần, lượng nước thải cũng tăng lên tương ứng nhưng hệ thống cống chưa được đầu tư cải tạo kịp thời, không đáp ứng khả năng thoát nước.
Tình trạng cống thoát nước dù mới xây dựng gần đây nhưng thiết kế không còn phù hợp với thực tế. GS.TS Chang cũng cho rằng công tác quản lý đô thị còn lỏng lẻo, tình trạng san lấp rạch diễn ra phổ biến làm khu vực trữ nước bị thu hẹp, quá trình đô thị hóa dẫn đến bề mặt bị bêtông hóa, lún sụt đất... là những nguyên nhân chủ yếu gây ngập trên địa bàn TP.
Chống ngập theo cách nào?
Ông Chang đánh giá cao hai quy hoạch chống ngập đang được TP.HCM triển khai là quy hoạch 752 (thoát nước mưa bằng hệ thống cống) và quy hoạch 1547 (thủy lợi chống ngập úng - chống ngập bằng đê bao, cống kiểm soát triều).
Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu, quy hoạch này cần được điều chỉnh bổ sung để phù hợp với tình hình thực tế và dự báo tương lai.
Ông Chang cũng đề xuất việc ngập do sông (lũ, triều cường) gây ra thì phải xây đập, hồ chứa lũ, xây kè, nạo vét. Với vùng trũng thì xây dựng thiết bị lưu trữ nước, tăng mảng xanh thấm nước, có thể tận dụng các khu đất công cộng làm nơi lưu trữ nước tạm thời.
Liên quan tới giải pháp này, ông Kaneko - chuyên gia Nhật Bản - nói ở Nhật Bản có những khu giải trí như các sân tennis được xây dựng kết hợp khả năng trữ nước giúp chống ngập.
Ở điều kiện bình thường mọi người có thể vui chơi nhưng lúc cần huy động để chứa nước thì các sân tennis này là những hồ chứa nước. Thậm chí một số tuyến đường hầm cho xe lưu thông cũng được thiết kế tích hợp khả năng chống ngập, khi cần thiết có thể trưng dụng các hầm này để chứa nước.
Ông Kaneko cũng như chuyên gia Đài Loan khuyến nghị TP.HCM hoàn toàn có thể xem xét việc sử dụng một số công nghệ mới trong việc làm đường, làm vỉa hè bằng công nghệ thấm nước. GS.TS Chang cung cấp một clip ngắn về một đoạn mặt đường khoảng 25m2 làm bằng vật liệu thấm nước, sau khi một xe bồn chứa 4m3 nước đổ tràn ra đường chưa đầy 2 phút sau nước thấm hết. Vật liệu này cũng được thiết kế trên vỉa hè một số nước và khả năng thấm nước rất cao.
Trong khi đó, ông Olaf Jue Hner thuộc Tập đoàn Ramboll (châu Âu) thiên về giải pháp phi công trình. Ông cho rằng giải pháp công trình rất tốn kém và chỉ giải quyết một phần chứ không thể triệt để tình trạng ngập lụt.
Theo ông Olaf Jue Hner, quan điểm của nhiều quốc gia châu Âu hiện nay trong chống ngập là “thuận theo tự nhiên chứ không phải chống lại nó, đây mới là một giải pháp thông minh, mang tính bền vững”.
Ông Olaf Jue Hner cảnh báo: tình trạng san lấp - chiếm không gian của nước để phát triển đô thị có lúc phải trả giá, có quốc gia châu Âu phải chi hơn 5 tỉ USD cho việc đào lại các con sông, hồ khu vực trữ nước trước đây bị san lấp.
Cảnh báo ngập lụt qua mạng Internet, di động
Theo ông Kaneko, để công tác chống ngập đạt được hiệu quả, ngoài quy hoạch, chính sách đúng đắn thì yếu tố quan trọng là phải có sự đồng lòng của người dân và có vốn đầu tư.
Trong khi chờ đợi các dự án lớn, ông Kaneko nói muốn giúp người dân giảm những thiệt hại do tình trạng ngập lụt xảy ra thì phải có hệ thống cảnh báo sớm. Muốn làm được việc này, trước hết phải nâng cấp hệ thống dự báo mưa ở mức chính xác cao nhất.
“Ở Nhật đã chạy được mô hình dự báo tương đối chính xác tình hình ngập nước mưa 2 giờ, 6 giờ hoặc 12 giờ để thông báo cho người dân qua mạng Internet, điện thoại di động”.
Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ bên lề cuộc họp, ông Nguyễn Ngọc Công - giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP - cho rằng TP đã thấy các giải pháp mà các chuyên gia góp ý và đi theo đúng hướng.
Cụ thể, đối với quy hoạch 752, cống thoát nước chịu được khả năng cao nhất 95mm hiện lỗi thời vì có những trận mưa lên tới 140mm. Để giải quyết tình trạng này, Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP xây dựng đề án xây dựng hơn 100 hồ điều tiết tập trung và phân tán.
Dự kiến năm 2016 có thể làm trước ba hồ: Gò Dưa (Q.Thủ Đức), Khánh Hội (Q.4) và trong đô thị là Bàu Cát (Q.Tân Bình). Trong đề án xây dựng hồ điều tiết có tính tới các khu đô thị mới, yêu cầu các hộ dân tự xây các hồ chứa nước nhỏ trữ lại nước mưa thích ứng theo từng diện tích nhà cụ thể. Hiện đề án đang được Sở Quy hoạch - kiến trúc thẩm định.
Riêng đối với quy hoạch thủy lợi chống ngập úng cho TP, ông Công cho biết Chính phủ đã phê duyệt cho TP triển khai thực hiện tiếp 6 cống kiểm soát triều: Tân Thuận, Sông Kinh, Phú Xuân, Mương Chuối... và 6,6km đê bao kết hợp với hệ thống bơm hỗ trợ.
Tổng vốn đầu tư các dự án này khoảng 9.500 tỉ đồng. “Nếu nguồn vốn được giao đầy đủ, các dự án này có thể triển khai xây dựng hoàn thành trong năm 2017” - ông Công nhận định.
Ông Nguyễn Ngọc Công cho biết Việt Nam đã thành công trong việc tạo ra vật liệu thấm nước để làm đường. Dự kiến tuần tới trung tâm sẽ trực tiếp xem thực tế trình diễn công nghệ này.
Theo ông Công, nếu áp dụng thành công công nghệ này sẽ giúp ích cho việc cải tạo các đường hẻm thấp, có thể không phải làm cống thoát nước.
Rà soát lại thực tiễn Kết luận buổi làm việc, ông Lê Thanh Hải hoan nghênh các chuyên gia có những nghiên cứu, đề xuất những giải pháp trước mắt và lâu dài cho công tác chống ngập của TP.HCM. Ông Hải đề nghị UBND TP chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát thực tiễn so lại với các góp ý của các chuyên gia, thấy vấn đề nào phù hợp, chưa phù hợp, đặc biệt trong vấn đề quy hoạch để kiến nghị TP hoặc Chính phủ điều chỉnh cho hợp lý. Liên quan đến chủ trương chọn giải pháp công nghệ trong đầu tư, ông Hải lưu ý trên tinh thần tiết kiệm nhưng đạt hiệu quả. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận