Người dân TP Cassel (Pháp) duy trì hóa trang nhân lễ hội địa phương dù chỉ tham gia từ căn hộ của mình, ngày 13-4 - Ảnh: REUTERS
Tại cuộc họp báo hàng ngày về diễn biến dịch COVID-19 cuối tuần trước, TS Jérôme Salomon - tổng cục trưởng Tổng cục Y tế Pháp (thuộc Bộ Đoàn kết và y tế) nhận xét sau hơn ba tuần phong tỏa, cuối cùng nước Pháp đã nhìn thấy "tia nắng nhạt".
Từ ngày 9-4, số ca phải chăm sóc đặc biệt bắt đầu giảm, lần đầu tiên từ đầu đại dịch, và xu hướng này tiếp tục kéo dài trong những ngày kế tiếp.
Ông nhận định dường như mức bình ổn dịch đã hình thành nhưng kêu gọi "chúng ta vẫn phải tiếp tục cảnh giác".
Dịch bình ổn không có nghĩa dịch đã giảm
Những ngày gần đây, các cơ quan y tế và các chuyên gia ở Pháp thường nhắc đến khái niệm "mức bình ổn dịch" thay vì "đỉnh dịch".
"Đỉnh dịch" biểu thị mức cao nhất trong đường biểu diễn diễn biến số ca nhiễm bệnh hoặc tử vong.
Còn thuật ngữ "mức bình ổn dịch" được dùng để chỉ tình trạng các ca mới đã ngừng phát triển. Số ca không tăng nhanh hơn hoặc chậm hơn so với những ngày trước đó.
Tuy nhiên, mức bình ổn dịch không đánh dấu dịch bắt đầu giảm vì mức bình ổn dịch không phải là đỉnh dịch.
Ví dụ, Ý đã trải qua nhiều lần bình ổn số ca tử vong, song tiếp theo đó số ca vẫn tiếp tục tăng hoặc giảm.
Phong tỏa kết hợp với giãn cách xã hội và rào cản tiếp xúc có tác động đến diễn biến dịch. Trong ảnh là người mang khẩu trang đi qua sông Seine ở Paris ngày 11-4 - Ảnh: AFP
Chuyên gia dịch tễ học Catherine Hill ở Trung tâm nghiên cứu Gustave-Roussy cảnh báo "vẫn còn hơi sớm" để nói rằng dịch sẽ giảm ở Pháp.
Để mức bình ổn dịch thực sự trở thành dấu hiệu dịch suy giảm, mức giảm phải kéo dài đều đặn trong nhiều ngày và số ca mới không tăng trở lại.
GS Jean-Daniel Chiche - phó khoa hồi sức Bệnh viện Cochin ở Paris, nhận xét trên Đài Europe 1 rằng mức bình ổn dịch cần phải kéo dài từ 2-3 tuần.
Dịch vẫn có thể quay trở lại
Một trong những nguyên nhân dẫn đến mức bình ổn dịch ở Pháp là biện pháp phong tỏa nhằm giảm tương tác xã hội, như GS dịch tễ học Antoine Flahault ở Đại học Genève (Thụy Sĩ) giải thích trên kênh truyền hình France 2.
Lúc mức bình ổn dịch xuất hiện có nghĩa là biện pháp phong tỏa đã phát huy tác dụng kiềm giữ số ca mới.
Chuyên gia mô hình hóa Arnaud Banos ở Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS) nhận định: "Phong tỏa kết hợp với hai biện pháp cơ bản khác là giãn cách xã hội và rào cản tiếp xúc dường như có tác động đến diễn biến dịch ở Tây Ban Nha, Pháp và Ý".
Dù vậy, ngay cả khi đường biểu diễn dịch đã giảm nhiều ngày, dịch vẫn có thể bùng phát đợt mới. Virus có thể tiếp tục lây lan trong cộng đồng, nhất là trong gia đình hoặc tại các địa điểm được phép mở cửa trở lại.
Chuyên gia Arnaud Banos cảnh báo: "Các mô hình dự báo cho chúng ta thấy một khi đạt đến mức bình ổn dịch và áp lực được giải tỏa, dịch bệnh sẽ phục hồi vì những người vốn đến nay được bảo vệ sẽ tự do đi lại và họ sẽ dính virus".
Ý nhiều lần đạt mức bình ổn dịch nhưng sau đó số ca nhiễm và tử vong lại tăng hoặc giảm. Trong ảnh là bệnh nhân trong phòng chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện San Filippo Neri ở Rome ngày 9-4 - Ảnh: AP
Dịch vẫn ở sau lưng chúng ta!
Sau khi đỉnh dịch xuất hiện cũng không loại trừ giả thiết dịch bùng phát trở lại vì đỉnh dịch xảy ra ở nhiều thời điểm khác nhau tùy theo từng khu vực khác nhau.
Chẳng hạn, miền Tây nước Pháp ít bị phơi nhiễm với virus hơn khu vực Grand Est và Ile-de-France.
GS Philippe Juvin - trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Georges-Pompidou ở Paris, kêu gọi: "Không được ảo tưởng. Khi chúng ta nói đến đỉnh dịch hoặc mức bình ổn dịch, nhiều người tưởng đã chiến thắng dịch. Nhưng không hề như vậy. Sẽ còn nhiều bệnh nhân vào phòng chăm sóc tích cực trong nhiều giờ và nhiều ngày tới và ở lại đó một thời gian dài".
Ông nhấn mạnh: "Dịch sẽ ở sau lưng chúng ta dù 14 ngày đã qua không có ai nhập viện sau ca cuối cùng".
Do không biết khi nào "đỉnh dịch" xảy ra nên từ vài ngày nay, Hội đồng Khoa học (tư vấn cho Chính phủ Pháp về dịch COVID-19) không đưa ra dự báo đỉnh dịch.
Về lý thuyết, dịch chỉ có xu hướng biến mất khi có gần 60% đến 70% dân số tiếp xúc với virus và có khả năng miễn dịch.
Song như vậy vẫn còn từ 30% đến 40% dân số có thể nhiễm bệnh. Trong khi đó, ngày có vắcxin tiêm phòng COVID-19 vẫn còn xa như "ở hai đầu nỗi nhớ".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận