Theo Hãng tin Reuters, các chuyên gia đánh giá cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo của Iran nhằm vào Israel tối 1-10 có quy mô lớn hơn, phức tạp hơn và sử dụng vũ khí tiên tiến hơn so với cuộc tấn công hồi tháng 4. Điều này gây áp lực lớn hơn cho hệ thống phòng không Israel, và cho nhiều đầu đạn lọt qua hơn.
Hiện nay, các mảnh vỡ từ hơn 180 tên lửa Iran vẫn đang được thu thập và phân tích. Truyền thông Iran đưa tin Tehran đã sử dụng loại tên lửa mới Fattah-1 trong cuộc tấn công.
Tehran mô tả Fattah-1 là tên lửa "siêu vượt âm" (hypersonic), nghĩa là di chuyển với tốc độ Mach 5, gấp 5 lần tốc độ âm thanh (khoảng 6.100km/h).
Các chuyên gia nhận định trong cuộc tấn công mới nhất, Iran dường như đã sử dụng tên lửa Fattah-1 và Kheybarshekan, cả hai đều có tầm bắn khoảng 1.400km.
Iran cho biết cả hai tên lửa này đều có đầu đạn cơ động, có thể khiến việc phòng thủ trở nên khó khăn hơn, và sử dụng nhiên liệu rắn, có thể được phóng đi mà có ít dấu hiệu báo trước.
"Công tác chuẩn bị phóng với thời gian ngắn hơn đồng nghĩa những tên lửa này sẽ đến cùng một lúc để gây thêm áp lực cho hệ thống phòng thủ (của đối phương)" - ông Jeffrey Lewis, giám đốc Chương trình Không phổ biến vũ khí hạt nhân Đông Á tại Trung tâm Nghiên cứu không phổ biến vũ khí hạt nhân James Martin, thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury ở California (Mỹ), bình luận.
Chuyên gia này nói thêm: "Các đầu đạn có thể cơ động để làm phức tạp thêm việc phân bổ tên lửa đánh chặn. Việc cơ động đồng nghĩa chúng có thể tấn công với độ chính xác cao hơn, để thực sự đánh trúng mục tiêu sau khi đã bay qua".
Nhìn chung, cuộc tấn công của Iran hồi tháng 4 đã bị thất bại trước hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và Israel. Nhưng hầu hết tên lửa được dùng lúc đó là tên lửa đạn đạo Emad, sử dụng nhiên liệu lỏng, có tỉ lệ thất bại khoảng 50%, và độ chính xác chỉ đủ để bắn trúng mục tiêu có đường kính hơn 1km. Lần này Iran đã sử dụng các tên lửa đạn đạo tiên tiến hơn.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu Ankit Panda tại Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế cho rằng việc so sánh trực tiếp cuộc tấn công hôm 1-10 với cuộc tấn công hồi tháng 4 là quá khó, vì không chỉ vũ khí mà cả kế hoạch tấn công và các biện pháp phòng thủ đều đã thay đổi.
Chẳng hạn cuộc tấn công vào tháng 4 có sử dụng các máy bay không người lái (drone) di chuyển chậm và tên lửa hành trình, giúp lực lượng phòng thủ Israel có thêm thời gian cảnh báo.
Trong cuộc tấn công mới nhất, Iran tuyên bố phóng khoảng 200 tên lửa các loại (gồm cả tên lửa siêu vượt âm) vào 3 căn cứ quân sự xung quanh Tel Aviv và những nơi khác của Israel hôm 1-10, khẳng định 90% quả đạn "đã đánh trúng mục tiêu". Còn các báo cáo từ phía Israel cho thấy ít thiệt hại, chỉ có 2 người bị thương ở nước này.
Tuy nhiên, ông Malcolm Davis, nhà phân tích tại Viện Chính sách chiến lược Úc, cảnh báo các cuộc tấn công trong tương lai có thể còn phức tạp hơn và sử dụng nhiều tên lửa hơn nữa.
"Nếu Iran tiến hành một cuộc tấn công khác lớn hơn nhiều, có khả năng nhiều tên lửa hơn sẽ lọt qua (hệ thống phòng không), đặc biệt là nếu các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo được phối hợp với tên lửa hành trình và drone" - ông Davis nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận