Sự trở lại của Hùng Dũng (8) giúp cho hàng tiền vệ tuyển Việt Nam khởi sắc hơn - Ảnh: VFF
Lý giải cho nhận định nói trên, ông Phan Anh Tú cho rằng: " Có thể nhận định của tôi đi ngược với sự chờ đợi của người hâm mộ trong cầu khai xuân trên sân Mỹ Đình tối mùng 1 Tết âm lịch. Dù có lợi thế sân nhà và khán giả, nhưng trình độ và năng lực của các tuyển thủ Việt Nam vẫn còn có cự ly so với đối thủ…".
*Ông hãy nói rõ hơn về khoảng cách biệt ấy?
Lạc quan là cần thiết, nhưng chúng ta cần tỉnh táo để biết rằng mình đang ở đâu. Sự khác biệt lớn nhất giữa hai đội chính là việc Trung Quốc nhỉnh hơn ở chỗ họ có được kinh nghiệm trận mạc đến từ cầu thủ chơi bóng ở nước ngoài.
Trong số này tiền đạo Wulei là tiêu biểu nhất. Anh là người để lại dấu ấn lớn nhất trong chiến thắng 3-2 trước Việt Nam ở lượt đi.
*Trước trận đá với Úc tuần trước, ông từng phân tích trên Tuổi Trẻ Online rằng kỳ vọng Việt Nam sẽ có nhiều thay đổi tích cực để làm nền tảng cho cuộc đối đầu với Trung Quốc. Sự kỳ vọng ấy liệu đã đến?
Suốt thời gian dài đá phòng ngự- phản công, tiền đạo Việt Nam không có tần suất làm việc nhiều, chơi thiếu biến hóa do ít tấn công mà chỉ là phản công. Đó chính là lý do tiền đạo không có đất diễn vì ít có cơ hội. Thất bại ở AFF Cup 2020 một phần là như vậy.
Ở hiệp 2 trận gặp Úcc, tuyển Việt Nam cho thấy sự khởi sắc khi Công Phượng đá cặp cùng Tuấn Hải giúp cho hàng công tươi mát hơn với hai mũi nhọn. Tuấn Hải có độ lì, sự lạnh lùng, chơi ít chạm, chịu va chạm, di chuyển rộng mở ra nhiều khoảng trống cho Công Phượng và tuyến hai hoạt động hiệu quả.
Tính hiệu quả trong việc tấn công của Việt Nam khởi sắc hơn nhờ vào sự phối hợp nhịp nhàng, kiểm soát bóng và phát động tấn công lợi hại giữa bộ ba Quang Hải- Hùng Dũng- Hoàng Đức. Trong đó, Hoàng Đức đá thấp xuống, chơi càn quét nên mở ra phạm vi hoạt động rộng và thoải mái cho Hùng Dũng- Quang Hải.
Một khi Hùng Dũng- Hoàng Đức kiểm soát bóng tốt thì Quang Hải càng lợi hại hơn trong việc chiếm khoảng trống và không gian để trở thành cầu nối hữu hiệu cho tuyến trên.
Tiền đạo Tuấn Hải (11) mang lại luồng gió mát cho hàng tiền đạo Việt Nam- Ảnh: AFC
*Bên cạnh tín hiệu lạc quan thì âu lo của Việt Nam vẫn còn đó khi hàng thủ có quá nhiều sai sót?
Tôi và nhiều HLV vẫn không lý giải được vì sao trung vệ Hữu Tuấn ngồi dự bị để Văn Xuân đá chính. Sự thử nghiệm hiếm khi mang lại thành công ngay từ bước khởi đầu. Thôi thì hãy chờ đợi vậy! Có thể, ông Park đang có nhiều toan tính về chuyên môn để tạo nên sự bất ngờ trước Trung Quốc.
Sai sót là khó tránh với một đội bóng yếu khi đá với đội mạnh hơn, bị ép sân nhiều. Từ đó hàng thủ luôn bị động, mất tập trung kéo theo những bàn thua lãng xẹt vì phán đoán sai. Tôi cho rằng sai sót trước Úc là bài học quý giá để các tuyển thủ không mắc phải khi đá với Trung Quốc.
*Trở lại với trận cầu khai xuân tối Mùng 1 Tết âm lịch, ông nhận định thế nào về cuộc đụng độ này trên sân Mỹ Đình?
Một trận cầu đầy tính toán giữa nhà cầm quân đôi bên, và cả hai cùng muốn có 3 điểm. Chưa biết toan tính về chuyên môn của HLV hai đội như thế nào, nhưng chắc chắn rằng cầu thủ Việt Nam lẫn Trung Quốc sẽ dốc cạn sức lực.
Trung Quốc đánh giá cao Việt Nam đồng nghĩa với việc họ đang hứng chịu sức ép tâm lý rất lớn. Hy vọng vào vòng chung kết World Cup 2022 của họ dần tan biến, vậy mà họ vẫn triệu tập cho bằng được các cầu thủ nhập tịch để quyết thắng Việt Nam.
Dù được xếp ở cửa trên, nhưng tôi nghĩ rằng Trung Quốc sẽ không mạo hiểm với việc tấn công phủ đầu mà sẽ chơi rình rập, thăm dò.
*Việt Nam sẽ tận dụng mọi lợi thế khách quan để chơi tấn công trước Trung Quốc. ông có nghĩ như vậy?
Muốn đánh bại đối thủ trên sân nhà, Việt Nam sẽ chơi tấn công? Thể hình, thể lực và sức bền không cho phép chúng ta chơi tấn công dồn dập trong suốt 90 phút.
Khó đoán trước việc ông Park sẽ chơi chiêu gì vào tối 1-2 khi mà ông đã biết được sự lợi hại của ngón phản công nhanh của Trung Quốc sau trận thua lượt đi.
Lợi thế khách quan sẽ hun đúc thêm sức mạnh, tinh thần thi đấu cho tuyển thủ Việt Nam. Tôi cho rằng Việt Nam vẫn đá phòng ngự, có thể duy trì tới 4 hay 5 tiền vệ ở giữa sân để đánh chặn từ xa. Đồng thời sẽ chơi quyết liệt ở đây để giành quyền kiểm soát bóng.
Muốn được như vậy đòi hỏi cầu thủ phải đá nhanh, ít chạm và di chuyển không bóng nhiều hơn để thoát khỏi sự đeo bám, đá rắn haay chơi áp sát của đối phương.
*Nếu là nhà cầm quân trận cầu tối 1-2 tới, ông sẽ nói gì với học trò?
Được như vậy, tôi sẽ nói đi nói lại với họ rằng- điều mà tôi trông chờ ở các bạn là sự chắc chắn trong tấn công lẫn phòng thủ. Phải luôn giữ cho bằng được sự tập trung cao độ.
Hai bàn thắng quá nhanh để gỡ hòa 2-2 trước Trung Quốc khiến cho cả đội hưng phấn quá mức. Thậm chí là quá tự tin vào việc có thể thắng ngược Trung Quốc đang bối rối, bị động. Tự tin trong thi đấu thể thao là cần thiết, nhưng tự tin thái quá sẽ làm hại chính mình.
*Từ góc nhìn chuyên môn, theo ông thì đâu là sức mạnh của Trung Quốc?
Sức mạnh của họ tập trung vào một số ít cầu thủ giỏi như Wulei và các ngoại binh. Đó là các cầu thủ có kỹ thuật qua người tốt, chuyền bóng chính xác và sắc sảo mở ra cơ hội làm bàn cho đồng đội, những quả dứt điểm rất căng và uy lực.
*Ông chờ đợi gì vào tối 1-2?
Tôi kỳ vọng và chờ đợi rất nhiều. Và sự đợi chờ lớn nhất là các tuyển thủ Việt Nam sẽ nhập cuộc với sự tự tin, tinh thần thi đấu quả cảm và "cháy" hết mình để giúp người hâm mộ cũng như bóng đá nước nhà "nở mặt nở mày" trước thềm năm mới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận