Sau ngày giao dịch suy giảm mạnh nhất kể từ tháng 4-2019 (5-8), hôm nay (6-8), chỉ số VN Index lại chứng kiến một phiên "rực lửa" tiếp nối, mất 8,54 điểm, còn 964,61 điểm - Ảnh: TRẤN KIÊN
Theo chương trình nghiên cứu Trung Quốc thuộc VEPR, việc đồng nhân dân tệ (NDT) mất giá trong bối cảnh Cục dự trữ Liêng bang Mỹ (FED) hạ lãi suất cho thấy đây là phản ứng của thị trường hơn là can thiệp của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC).
Lợi thế hiện nay của hàng hoá Trung Quốc không đến từ giá rẻ mà từ quy mô và chuỗi cung ứng. Đồng NDT mất mốc 7,0 có thể kích hoạt một làn sóng rút vốn mới làm đồng NDT chìm sâu hơn, rủi ro dòng vốn đầu tư nước ngoài trong ngắn hạn chạy ra ngoài mạnh hơn.
Lúc đó, để chặn đứng đà mất giá PBOC có thể phải hi sinh dự trữ ngoại tệ để ổn định tỉ giá.
Theo TS Nguyễn Minh Sáng - ĐH Ngân hàng TP.HCM, hiện nay dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc khoảng 3.000 tỉ USD, tuy nhiên, dòng vốn FDI lẫn vốn trên sàn chứng khoán đều rất lớn.
Nếu tỉ giá giảm thật, sẽ xảy ra tình trạng ồ ạt bán tháo NDT để nắm giữ vàng và ngoại tệ, nguy cơ khủng hoảng tương tự như Thái Lan từng xảy ra năm 2007.
"Trung Quốc thật sự muốn duy trì tỉ giá thấp nhưng ở mốc vừa phải. Vấn đề hiệu ứng lấn át, quá một chút cũng chưa biết là mốc nào. Nếu khủng hoảng xảy ra, Trung Quốc có thể dùng công cụ USD để trấn an thị trường, có điều quy mô thị trường vốn của Trung Quốc khác Thái Lan, mọi thứ sẽ không dễ dàng chút nào", ông Nguyễn Minh Sáng nhận định.
Ông Masashi Hashimoto, nhà phân tích tiền tệ cao cấp của MUFG Bank cũng cho rằng tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang trở nên quá lớn.
Theo ông, có vẻ như không phải PBOC đang cố gắng khiến đồng NDT yếu đi để chống lại áp lực thương mại từ Hoa Kỳ. Sự sụt giảm của đồng NDT ở thời điểm này là biến động lớn nhất trong năm nay.
Ông Masashi Hashimoto cho rằng các động thái cho thấy PBOC đang cố gắng ngăn chặn sự sụt giảm của đồng nội tệ nước này.
Sau ngày giao dịch suy giảm mạnh nhất kể từ tháng 4-2019 (5-8), hôm nay (6-8), chỉ số VN Index lại chứng kiến một phiên "rực lửa" tiếp nối, mất 8,54 điểm, còn 964,61 điểm.
Tương tự ngày giao dịch 5-8, VN Index mở đầu ngày giao dịch 6-8 cũng lao dốc thẳng đứng nhưng sau đó diễn biến đi lên.
Cuối ngày giao dịch 6-8 ghi nhận lực mua tập trung mạnh hãm phanh đà giảm của chỉ số. Tuy nhiên, đã hồi phục yếu hơn dẫn đến sắc đỏ vẫn giữ nguyên.
Sau ba ngày lao dốc liên tiếp, VN Index đã mất tổng cộng 26,49 điểm. Đây là đợt rớt điểm dồn dập mạnh nhất của VN Index kể từ đầu năm, đà giảm vượt qua sau ngày giao dịch ngày 28-2 (VN Index mất 24,8 điểm).
Hiện tại, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) chưa công bố thông tin vốn hóa trên sàn ngày 6-8 nhưng cú lao dốc mạnh ngày 5-8 đã khiến vốn hóa sàn HoSE chính thức mất mốc 3,3 triệu tỉ đồng sau 11 phiên duy trì, lùi về mức hơn 3,28 triệu tỉ đồng.
Đợt suy giảm mạnh nhất của VN Index vào ngày đầu tuần 5-8 khiến cho vốn hóa tính riêng trên sàn HoSE bay mất 60.563 tỉ đồng, tương ứng với gần 2,6 tỉ USD.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận