Một chiến binh IS trong thời kỳ vàng son - Ảnh: REUTERS
Theo đài NBC, nghiên cứu vừa nêu do Chương trình nghiên cứu về chủ nghĩa cực đoan của Đại học George Washington (GWU) thực hiện.
Theo kết luận từ nghiên cứu này, cho tới nay, chưa ghi nhận trường hợp công dân Mỹ hồi hương nào tiến hành một hoạt động khủng bố. Cùng với đó, số lượng cũng như ảnh hưởng của số tay súng hồi hương trong thời gian qua cũng ở mức hạn chế, nhất là nếu so sánh với khu vực Tây Âu.
Ông Seamus Hughes - một trong những đồng tác giả của nghiên cứu và là phó giám đốc chương trình GWU, cho biết nghiên cứu của nhóm ông đã chứng tỏ "nguy cơ lo ngại chỉ ở mức nhỏ".
Bản báo cáo dày 102 trang có tiêu đề "The Travelers: American Jihadists in Syria and Iraq" (tạm dịch: Những kẻ lữ hành: Lực lượng thánh chiến Mỹ tại Syria và Iraq) cho biết, trong số 64 người Mỹ đã tới Iraq và Syria để ủng hộ IS, chỉ có 12 người đã trở về Mỹ. 9 người trong số các đối tượng trở lại đã bị bắt và bị buộc những tội danh liên quan khủng bố.
Trong số 3 kẻ trở về còn lại, một tên đã quay lại chiến trường. Tên này chết trong một vụ đánh bom liều chết ở Syria. Hai tên còn lại cho tới nay vẫn chưa đối mặt với các cáo buộc công khai tội danh liên quan tới việc tham gia các tổ chức thánh chiến của chúng.
Theo ông Seamus Hughes, các lý do của thực trạng này rất đa dạng. Khởi đầu từ việc chỉ có một số lượng nhỏ người Mỹ đã thực sự rời quê nhà tham gia cuộc "thánh chiến" của IS.
Trong khi hàng ngàn người châu Âu gia nhập IS, báo cáo nghiên cứu xác định chỉ có 64 người Mỹ đã tới Syria và/hoặc Iraq kể từ năm 2011 và có liên hệ với các tổ chức thánh chiến.
Ngoài 12 người đã hồi hương, còn khoảng 24 người Mỹ đã chết tại chiến trường. Một số khác vẫn đang ở lại Syria và Iraq, số khác nằm trong nhóm các tay súng bị lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ thì bị cấm trở lại Mỹ.
Theo một cựu quan chức chống khủng bố của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giam các tay súng từng tham chiến cho IS và tịch thu hộ chiếu của chúng. Hiện chưa rõ trong số những người đã bị bắt giam đó có bao nhiêu công dân Mỹ.
Theo ông Hughes, tính tới ngày 1-1-2018 "chưa có đối tượng nào từ Syria và Iraq trở về có thể thực hiện thành công một vụ tấn công khủng bố tại Mỹ sau khi chúng hồi hương. Chỉ một trong số 12 đối tượng đã trở lại quê nhà được xác định trong nghiên cứu này từng có ý định tấn công khủng bố cho nhóm thánh chiến tại Syria. Tuy nhiên đối tượng này đã bị bắt giữ ngay trong giai đoạn đầu lên kế hoạch thực hiện âm mưu của chúng".
Đối tượng mà ông Hughes nhắc tới là tên Abdirahman Sheik Mohamud, người Mỹ gốc Somalia, bị bắt giữ tại bang Ohio năm ngoái. Tên này bị buộc tội lập mưu đánh bom một cơ sở y tế quân sự tại bang Texas. Hắn vừa bị kết án 22 năm tù trong tháng trước.
Cũng theo ông Hughes, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một vấn đề lớn hơn thông qua chương trình là có những đối tượng ủ mưu khủng bố mà chưa bao giờ rời khỏi nước Mỹ. Và đây mới chính là những nguy cơ cần được phòng ngừa và trấn áp hơn là nguy cơ khủng bố đến từ các đối tượng thánh chiến hồi hương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận