GS.TS Phan Văn Tân - nguyên chủ nhiệm bộ môn khí tượng, khoa khí tượng thủy văn và hải dương học, Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) - nói với Tuổi Trẻ Online như vậy khi đánh giá về công tác dự báo cơn bão số 1 (bão Talim).
Ông Tân cho biết đây là cơn bão đầu tiên của năm 2023, do ảnh hưởng của El Nino nên bão xuất hiện muộn không có gì bất thường. Cơn bão này không phải cơn bão mạnh.
"Dự báo từ đầu của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia về đường đi của bão số 1 hoàn toàn hợp lý" - ông Tân nói.
Theo ông Tân, cơ quan khí tượng của Việt Nam cũng đã dự báo được hai khả năng xảy ra, trong đó có kịch bản nếu bão đi vào phía nam Trung Quốc thì ít ảnh hưởng tới Việt Nam.
"Tuy nhiên tôi có cảm giác cơ quan dự báo của Việt Nam sợ chúng ta mất cảnh giác, chủ quan nên đưa ra phương án bão di chuyển nhiều về phía tây sau khi đi qua bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) và đi vào các tỉnh Đông Bắc. Bởi qua theo dõi thời điểm đó dòng dẫn đường ở mực 5.000m tương đối mạnh nên khả năng bão đi lệch về phía bắc khá cao" - ông Tân phân tích.
Ông Tân cũng dẫn chứng cơn bão Haiyen năm 2013 (cơn bão số 14) thì 70% mô hình thế giới cho rằng đổ bộ miền Trung, 30% cho rằng bão chạy dọc bờ biển Việt Nam và đi lên phía bắc. Thực tế sau đó, bão đi dọc bờ biển Việt Nam và đi vào Quảng Ninh - Hải Phòng.
"Đây có thể là một bài học nên cơ quan khí tượng thủy văn Việt Nam đưa ra hai kịch bản dự báo 80% - 20% đối với bão số 1. Khi xem lại bản tin thì Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn đã cảnh báo được hơn nửa ngày trước khi bão đổ bộ. Con số 80% - 20% chỉ là xác suất, tôi nghĩ việc đưa ra kịch bản dự báo như vậy là hợp lý" - ông Tân nói và cho biết hiện nay trên thế giới sai số dự báo quỹ đạo bão vào khoảng 100km với hạn dự báo 24 giờ là bình thường.
"Với dự báo cơn bão số 1 thì sai số dự báo so với thực tế khi đổ bộ là chấp nhận được và có thế nói dự báo của cơ quan khí tượng Việt Nam tương đối chính xác" - ông Tân nói.
Ông Tân cho rằng việc đưa ra dự báo về kịch bản bão đi lên phía bắc và đi vào Trung Quốc của cơ quan khí tượng Việt Nam là hơi muộn dẫn tới hiệu quả ứng phó không cao do thời gian ngắn.
Đối với tình huống ngược lại, tức dự báo bão không vào mà thực tế bão lại vào thì với thời gian ngắn như vậy sẽ trở tay không kịp. Nếu lặp đi lặp lại việc dự báo sai nhiều lần sẽ dẫn tới mất niềm tin vào dự báo và dễ nảy sinh chủ quan.
Ông Tân cũng khuyến cáo cần có các bản tin dự báo chính xác với thời hạn càng dài càng tốt, bởi nếu cơn bão mạnh đổ bộ mà hạn dự báo quá ngắn thì không đủ thời gian để ứng phó, có thể dẫn đến thiệt hại rất lớn.
Theo Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, đến ngày 19-7, các tỉnh phía Bắc chưa ghi nhận thiệt hại về người và tài sản do bão số 1 gây ra. Về tình hình đê điều và các hồ chứa cũng chưa ghi nhận thông tin về sự cố xảy ra.
Để ứng phó với bão số 1, các địa phương ven biển từ Quảng Ninh đến Ninh Bình đã rà soát phương án và dự kiến sơ tán gần 30.000 dân tại các khu vực nguy hiểm và trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản.
Các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Quảng Ninh kêu gọi 8.000 tàu về neo đậu, tránh trú bão, đưa hơn 10.000 du khách từ các đảo vào bờ và cấm biển từ trưa ngày 17-7. Các sân bay Nội Bài, Cát Bi, Vân Đồn tạm dừng hoạt động…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận