29/06/2022 16:29 GMT+7

Chuyên gia ILO kể chuyện đầu tư 1 đồng ‘sinh lời’ thành 3 đồng tăng trưởng GDP

HÀ QUÂN
HÀ QUÂN

TTO - Chuyên gia cao cấp của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) khuyến nghị chỉ cần Nhà nước đầu tư 1 đồng cho an sinh xã hội sẽ tạo ra 3 đồng tăng trưởng GDP (sau 1 năm).

Chuyên gia ILO kể chuyện đầu tư 1 đồng ‘sinh lời’ thành 3 đồng tăng trưởng GDP - Ảnh 1.

Quang cảnh hội thảo - Ảnh: H.QUÂN

Đó là chia sẻ nổi bật của ông André Gama - chuyên gia cao cấp của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) - tại hội thảo liên quan tới đảm bảo an sinh xã hội toàn dân, không để ai bị bỏ lại phía sau diễn ra ngày 29-6.

Theo ông André Gama, để đảm bảo an sinh lâu dài, cơ quan chuyên môn cần nghiên cứu giảm độ tuổi hưởng trợ cấp xã hội (hiện là 80 tuổi), các địa phương chủ động nâng cao mức trợ cấp xã hội so với mức chung của Nhà nước để tăng bao phủ an sinh xã hội.

Để thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội, một số giải pháp đưa ra là giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội để nhiều người hưởng lương hưu sớm hơn, hỗ trợ mức đóng cho các đối tượng thu nhập thấp, bổ sung trợ cấp trẻ em (đến 3 tuổi) cho hộ gia đình lao động trẻ…

Vị chuyên gia cho hay nếu Chính phủ phát trợ cấp trực tiếp cho người lao động thì họ có thể giải quyết nhu cầu chi tiêu trước mắt, đồng thời tạo ra nhiều hoạt động kinh tế. 

Ông giả định Việt Nam dành 13.800 tỉ đồng (nghị quyết 68) cho an sinh xã hội thì GDP tăng lên 42.000 tỉ đồng (sau 5 quý). Như vậy, Nhà nước đầu tư 1 đồng cho an sinh xã hội sẽ tạo ra 3 đồng tăng trưởng GDP (sau 1 năm).

Nói thêm về Việt Nam chỉ chi 4% GDP (trừ chi tiêu y tế) cho an sinh xã hội, mức thấp hơn trung bình 13% của thế giới và 8% của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ông Gama khuyến nghị Chính phủ Việt Nam cần tăng đầu tư hơn trong những năm tới.

Còn ông Nuno Cunha - chuyên gia cao cấp của ILO - chia sẻ ngoài việc bảo đảm độ bao phủ các chính sách an sinh xã hội thì các chính phủ phải giải bài toán nâng cao năng suất lao động khi dân số chuyển sang giai đoạn già hóa, đầu tư cho thế hệ trẻ để tăng sức cạnh tranh với các nền kinh tế khác… Ví dụ như ở Đức, Phần Lan, các nước này có năng suất lao động cao và mức đóng bảo hiểm xã hội cao để đảm bảo an sinh lâu dài.

Chuyên gia ILO kể chuyện đầu tư 1 đồng ‘sinh lời’ thành 3 đồng tăng trưởng GDP - Ảnh 2.

Ông Nuno Cunha, chuyên gia cao cấp của ILO

Chuyên gia Nuno Cunha chia sẻ một vài ví dụ để mở rộng độ bao phủ an sinh như ở Bồ Đào Nha, nước này bắt buộc người lao động tự do phải đăng ký vào hệ thống bảo hiểm xã hội, trẻ em sinh ra đều có mã số thuế kèm theo mã số an sinh xã hội. 

Tại Brazil, chính phủ hình thành một nhóm đối tượng lao động tự do (doanh nhân siêu nhỏ) trong hệ thống bảo hiểm xã hội, đơn giản thủ tục đăng ký bảo hiểm xã hội, hỗ trợ tiếp cận khoản vay với lãi suất ưu đãi, nhất là nông dân…

Kinh nghiệm quốc tế cũng chỉ ra bảo hiểm xã hội tự nguyện không thể đảm bảo bao phủ an sinh xã hội. Do đó, tăng tỉ lệ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là "chìa khóa" để "không ai bị bỏ lại phía sau".

Tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội - nêu quan điểm cần khuyến khích mọi người dân có thu nhập tham gia bảo hiểm xã hội, chứ không nên quan tâm mỗi đối tượng "có quan hệ lao động" vì thực tế chỉ có 60% lao động có ký kết hợp đồng lao động. 

Hà Nội điều chỉnh mức đóng bảo hiểm xã hội trước ngày 25-7 Hà Nội điều chỉnh mức đóng bảo hiểm xã hội trước ngày 25-7

TTO - Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội vừa có công văn yêu cầu các đơn vị sử dụng lao động điều chỉnh mức lương đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trước ngày 25-7.

HÀ QUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp