Xe
17/12/2024 07:32 GMT+7

Chuyên gia: Đường quá chật tạo nên những tài xế côn đồ, nhìn người như 'cái xe vô tri vô giác'

Từ vụ việc tài xế xe tải bị tài xế bán tải hành hung ngay bên cạnh một người phụ nữ bồng con nhỏ đến việc đánh người dã man chỉ vì bị nhắc nhở đậu ô tô trước cổng Bệnh viện Từ Dũ, người ta mới bắt đầu giật mình vì quá nhiều côn đồ trên đường.

Người đàn ông đấm tới tấp tài xế xe tải bất chấp bên cạnh có phụ nữ và trẻ con

Thói côn đồ phổ biến hơn nhiều người nghĩ

Thực tế, vấn đề nói chuyện bằng nắm đấm đã được nghiên cứu từ lâu. Mỹ là một trong những quốc gia nghiên cứu sâu rộng về vấn đề này và đưa ra những con số đáng báo động. Một nghiên cứu đăng trên trang The Zebra cho thấy chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2024, 96% người được khảo sát cho biết đã từng chứng kiến ít nhất một cảnh tượng "hung hăng" trên đường phố.

Sự hung hăng này bao gồm cả "nói chuyện bằng nắm đấm" và những pha chèn ép kèn cựa bằng xe cộ trên đường. Theo Cơ quan An toàn giao thông đường bộ Mỹ (NHTSA), 66% ca tử vong do tai nạn giao thông ở Mỹ xuất phát từ những tài xế hung hăng. Còn theo Hiệp hội Tâm lý học Mỹ, 50% tài xế có phản ứng "côn đồ" với lỗi bất cẩn của người khác khi tham gia giao thông. Số những vụ tức giận khi lái xe được báo cáo đã tăng 500% trong 10 năm qua.

Ngoài ra, nghiên cứu đăng trên The Zebra còn cho thấy những hành vi nào dễ kích phát cơn giận của người khác nhất: 60% là do chuyển làn không tín hiệu, 52% đến từ việc cảm thấy bị cắt ngang đường, 31% là do có những cử chỉ bị cho là khiếm nhã, thách thức.

Nguyên nhân sâu xa của những cơn giận trên đường

Việc thống kê không chỉ nhằm cho thấy bức tranh văn hóa giao thông trên đường, mà còn thôi thúc các chuyên gia đi tìm nguyên nhân.

TS Barry Markell, nhà trị liệu tâm lý ở Mỹ, người đã điều trị cho nhiều thủ phạm và nạn nhân của thói côn đồ trên đường, nói với truyền thông: "Mọi người có biết những nghiên cứu về tình trạng quá tải trên những con chuột không? Lũ chuột thường ổn cho đến khi có quá nhiều chuột trong không gian kín. Sau đó chúng quay sang tấn công lẫn nhau. Có quá nhiều người trên đường. Sự quá tải tạo nên những cái đầu nóng".

Chuyên gia: Đường quá chật tạo nên những tài xế côn đồ, nhìn người như 'cái xe vô tri vô giác' - Ảnh 1.

Sự bức bối về không gian được xem là một trong những nguyên nhân sâu xa tạo nên tài xế hung hăng - Ảnh: CHÂU TUẤN

Nói như vậy thì những người xếp hàng cũng có thể bị căng thẳng và khó chịu. Nhưng những người xếp hàng đều nhìn nhau như một con người. Còn những kẻ lái xe điên cuồng không coi những người vô tình phạm vào lợi ích của họ là "con người".

"Họ nhìn những người xung quanh như những vật thể", TS Markell chỉ ra.

TS Ava Cadell, nhà tâm lý học ở San Francisco (Mỹ), đồng ý. "Những khối kim loại là nơi trú ẩn an toàn. Những kẻ hung hăng trên đường không nghĩ đến hậu quả, thậm chí không nghĩ những người khác là con người, có mẹ già con nhỏ".

Những người này thường "ích kỷ, ham quyền lực, nhỏ nhen, thù dai", không bao giờ nhìn thấy lỗi ở bản thân. Điều này có thể thấy rõ ở vụ việc trước Bệnh viện Từ Dũ, người đàn ông bị đánh chỉ vì nhắc nhở tài xế đánh xe "nhích lên" cho người khác đi.

Hay một vụ việc khác ở Malaysia, một tài xế xe SUV đã cố tình đè vạch xương cá hòng chen lên, nhưng chiếc xe có camera đang đi đúng không nhường. Cuối cùng, tài xế xe SUV đã đánh lái chặn lại xe có camera, xuống xe và tìm cách tấn công. "Anh ta là người có lỗi khi vượt qua vạch trắng nhưng lại tức giận khi không được nhường đường", một tài khoản bình luận.

Có cách nào để hạn chế những cơn nóng giận?

TS Cadell cho rằng việc kiểm soát cơn giận nên được dạy ở cấp độ trường học: "Kiểm soát cơn giận vừa mang tính giáo dục vừa mang tính trị liệu và sẽ có ít sự hung hăng trên đường và bạo lực gia đình hơn nhiều".

Trong khi đó, TS Markell khuyến nghị chính phủ xây dựng nhiều đường hơn, thay đổi đèn một cách phù hợp, lắp camera video vào ô tô để ghi lại mọi diễn biến va chạm.

Theo điều 11 nghị định 100/2019/NĐ-CP, sẽ phạt tiền từ 6-8 triệu đồng đối với cá nhân thực hiện một trong các hành vi vi phạm như: xâm phạm sức khỏe, tài sản của người bị nạn hoặc người gây tai nạn; lợi dụng việc xảy ra tai nạn giao thông để hành hung, đe dọa, xúi giục, gây sức ép, làm mất trật tự, cản trở việc xử lý tai nạn giao thông,...

Với các vụ việc liên quan đến hành hung người khác trên đường, căn cứ vào mức độ vụ việc, các đối tượng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "cố ý gây thương tích" hoặc "gây rối trật tự công cộng".

Theo điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, mức phạt thấp nhất với tội "cố ý gây thương tích" là 6 tháng tù và cao nhất là chung thân. Theo quy định tại điều 318 Bộ luật Hình sự 2015, tội "gây rối trật tự công cộng" có mức phạt tiền từ 5-50 triệu đồng, phạt tù đến 7 năm.

Chuyên gia: Đường quá chật tạo nên những tài xế côn đồ, nhìn người như 'cái xe vô tri vô giác' - Ảnh 2.Liên tiếp xảy ra ẩu đả, đánh người, lo ngại những 'mồi lửa' trên đường

Trong mấy ngày qua, liên tiếp nhiều vụ ẩu đả, đánh người trên đường diễn ra tại nhiều nơi khiến dư luận bức xúc.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp