Đại dịch COVID-19 đã làm đảo lộn cuộc sống trên khắp thế giới - Ảnh: REUTERS
Trong một báo cáo độc lập công bố ngày 30-4 (giờ Mỹ), một nhóm chuyên gia gồm ông Mike Osterholm - cố vấn cho nhiều đời tổng thống Mỹ, hiện là giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm và chính sách ĐH Minnesota (CIDRAP), giáo sư Marc Lipsitch - nhà dịch tễ của ĐH Harvard, bác sĩ Kristine Moore - cựu quan chức CDC Mỹ, và nhà sử học John Barry - chuyên gia về dịch bệnh, công bố 3 kịch bản tương lai cho đại dịch COVID-19 như sau:
Kịch bản 1: Đợt sóng lây nhiễm hiện tại (tức mùa xuân ở bắc bán cầu) sẽ tiếp nối bằng nhiều đợt sóng nhỏ hơn suốt mùa hè tới. Nó sẽ duy trì như thế trong 1-2 năm, dần dần biến mất vào một thời điểm nào đó trong năm 2021.
Kịch bản 2: Đợt sóng lây nhiễm hiện tại sẽ tiếp nối bằng một đợt khác lớn hơn vào mùa thu hoặc mùa đông, rồi thêm một hoặc nhiều đợt nhỏ hơn trong năm 2021.
"Kịch bản này đòi hỏi phải áp dụng lại các biện pháp cách ly trong mùa thu để ngăn hệ thống y tế bị quá tải. Nó khá giống với những gì diễn ra trong đại dịch cúm 1918-1919", báo cáo mô tả.
Kịch bản 3: Sự lây nhiễm sẽ giảm dần nhưng với tốc độ rất chậm. "Kịch bản này không đòi hỏi áp dụng lại các biện pháp cách ly, mặc dù số ca nhiễm và tử vong vẫn tiếp tục tăng".
Nhóm chuyên gia khuyến cáo các chính phủ nên chuẩn bị cho kịch bản 2, tức tình huống xấu nhất.
"Vắcxin có thể giúp khống chế dịch, nhưng nó sẽ không có ít nhất cho đến năm 2021. Chúng ta vẫn chưa biết những khó khăn nào sẽ xuất hiện trong quá trình nghiên cứu vốn có thể làm tiêu tốn nhiều thời gian hơn dự định", báo cáo đánh giá.
Phi đội "Những thiên thần xanh" và "Chim sấm" của quân đội Mỹ bay ngang tượng Nữ thần Tự do ở New York khi trình diễn để tri ân các nhân viên y tế giữa dịch COVID-19 ngày 28-4 - Ảnh: Reuters
"Dịch bệnh này sẽ không dừng lại cho đến khi nó lây nhiễm cho 60-70% dân số. Ý tưởng cho rằng mọi thứ sẽ kết thúc sớm đi ngược lại với lý thuyết vi trùng học", ông Osterholm - trưởng nhóm nghiên cứu, nhận định trên Đài CNN.
Dự báo của nhóm khác với các mô hình tính toán của các nhóm như Viện Đo lường và đánh giá sức khỏe (IHME, ĐH Washington) hay Trường Imperial College London (Anh), vốn dự báo hàng triệu người chết ở Mỹ.
CIDRAP dựa trên các báo cáo y khoa về COVID-19, thống kê thực tế, và dữ liệu lịch sử về các đại dịch trong quá khứ... để đưa ra 3 kịch bản nói trên.
"Vì giai đoạn ủ bệnh dài, khả năng lây nhiễm không triệu chứng, chỉ số R0 cao, COVID-19 phát tán dễ dàng hơn cúm mùa. R0 càng cao, càng nhiều người bị nhiễm và miễn dịch trước khi dịch bệnh có thể kết thúc.
Dựa trên các đại dịch cúm gần nhất, trận dịch lần này nhiều khả năng kéo dài 18-24 tháng", GS Marc Lipsitch bổ sung thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận