Các chuyên gia trong tọa đàm kiến nghị đẩy mạnh chiến lược vắc xin để tạo miễn dịch cộng đồng - Ảnh: VGP
Tọa đàm "Những chiến lược mới trong chống dịch và phát triển kinh tế" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 26-5 trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, tác động đến phát triển kinh tế và thực hiện mục tiêu kép.
Nêu ra những thách thức, ông Nguyễn Sỹ Dũng - nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - cho rằng Chính phủ nhiệm kỳ mới đã thừa kế thành tựu chống COVID-19, nhưng thực tế hiện nay có không ít khó khăn, đặc biệt trong việc tạo ra miễn dịch cộng đồng.
Ông Dũng đề nghị cần có chương trình tiêm chủng đạt hiệu quả, càng nhanh càng tốt, "70% dân số được tiêm chủng thì mới đạt được miễn dịch cộng đồng", nếu không có thể ảnh hưởng đến việc thu hút làn sóng FDI vốn đang có xu hướng chuyển dịch sang Việt Nam, gây đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất.
Đồng tình, ông Lưu Bình Nhưỡng - phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội - cũng nêu vấn đề cần đảm bảo nhịp điệu tăng trưởng, vì nếu đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất kinh doanh thì các chỉ tiêu kinh tế không thể đạt được khi dịch đang tấn công trực diện vào các khu công nghiệp.
"Từ các cuộc làm việc của Thủ tướng, chúng tôi thấy rằng lo lắng lớn nhất là không giữ được mức tăng trưởng, đình trệ hệ thống sản xuất ở các khu công nghiệp. Do đó phải cách ly, phong tỏa thế nào để đảm bảo đời sống diễn ra ở mức độ phù hợp mà không bị xáo trộn" - ông Nhưỡng nhấn mạnh.
Theo đó, ông Nhưỡng khuyến nghị cần coi công nhân là đối tượng ưu tiên được tiêm phòng COVID-19, kiến nghị Thủ tướng ưu tiên vấn đề này để bảo vệ lực lượng lao động sản xuất.
Ông Vũ Tiến Lộc - chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho rằng tác động của dịch COVID-19 khiến quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế khó khăn hơn, việc duy trì phát triển kinh tế xã hội, lo sinh kế cho người dân là vấn đề quan trọng, đòi hỏi sự vào cuộc, đồng tâm của cả hệ thống chính trị với biện pháp linh hoạt, đồng bộ.
"Doanh nghiệp cũng cần có biện pháp chống chịu tốt hơn, chủ động tích cực và tăng cường khả năng thích ứng, sống chung với dịch trong giai đoạn tới. Chủ động tấn công đảm bảo hài hòa với phòng vệ là chiến lược cần thiết không thể có sự lựa chọn thích hợp hơn" - ông Lộc nêu quan điểm.
Ông Lê Thanh Vân - đại biểu Quốc hội khóa XIV - cho rằng phải đánh giá khả năng kiểm soát dịch bệnh, tình hình dịch, thay đổi chiến thuật, không thể "bao vây, cô lập và tìm diệt", nên cần chủ động và hài hòa với tấn công, tức chuyển từ bao vây, truy vết sang chiến lược miễn dịch cộng đồng.
Do đó, ông Vân đề nghị nên thay đổi biện pháp cách ly, có thể cách ly tại chỗ nhiều hơn bên cạnh việc tiêm vắc xin, duy trì liên tục 5K và nâng cao tính kỷ luật, kỷ cương trong phòng chống dịch, kết hợp y học dân tộc và y học hiện đại.
Chính phủ tỏ rõ tính chất kỹ trị
Đánh giá những hoạt động của Chính phủ, ông Nguyễn Sỹ Dũng cho rằng "Chính phủ càng ngày tỏ rõ là chính phủ kỹ trị", thể hiện rõ hơn sự hành động, nói ít làm nhiều.
"Việc đẩy mạnh cải cách thể chế là nền tảng cũng được Chính phủ chú trọng, với mô hình thể chế coi trọng vai trò dẫn dắt Nhà nước trong việc thúc đẩy phát triển. Chính phủ cũng tập trung phân cấp phân quyền, rõ trách nhiệm gắn với khuyến khích khen thưởng ngay là rất kịp thời, tạo động lực tốt. Đó là những nét mới của Chính phủ" - ông Dũng đánh giá.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận