19/02/2020 19:25 GMT+7

Chuyên gia chỉ trích việc cách ly tàu Diamond Princess, Chính phủ Nhật nói gì?

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Giáo sư Kentaro Iwata, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Nhật Bản, tuyên bố đã phải tự cách ly 14 ngày sau khi đi khảo sát con tàu, bởi ông quá kinh hoàng trước các biện pháp chống dịch trên du thuyền này.

Chuyên gia chỉ trích việc cách ly tàu Diamond Princess, Chính phủ Nhật nói gì? - Ảnh 1.

Nhân viên y tế và lái xe Nhật trong đồ bảo hộ kín mít lái xe đưa hành khách trên tàu Diamond Princess rời khỏi cảng Yokohama sáng 19-2 - Ảnh: AFP

Những chỉ trích của ông Iwata đối với cách xử lý của Chính phủ Nhật được xem là hiếm thấy ở nước này, Hãng thông tấn AFP nhận định.

Trong các video bằng cả tiếng Anh và tiếng Nhật đăng lên mạng cuối ngày 18-2, ông Iwata đã chỉ ra những lỗ hổng trong việc cách ly du thuyền Diamond Princess của chính quyền.

Ông cho rằng điều này đã khiến số người nhiễm COVID-19 trên tàu tăng vùn vụt, cao hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới. Ít nhất hai quan chức Nhật cũng nhiễm bệnh sau khi lên tàu.

Số ca nhiễm COVID-19 trên Diamond Princess đã lên tới 621 người. Trong số 79 trường hợp mới được xác nhận ngày 19-2, có 68 người không biểu hiện triệu chứng nhiễm bệnh.

Iwata nói ông vừa lên tàu ngày 18-2 và sau khi chứng kiến tất cả biện pháp kiểm dịch trên đó, ông đã tự cách ly 14 ngày vì sợ lây nhiễm cho gia đình.

"Tôi đã ở châu Phi đối phó với dịch Ebola. Tôi đã ở các quốc gia khác đối phó với dịch tả. Tôi đã ở Trung Quốc vào năm 2003 để đối phó với SARS ... Tôi chưa bao giờ sợ bị lây nhiễm", giáo sư Iwata tâm sự.

"Nhưng khi ở bên trong du thuyền Diamond Princess, tôi đã rất sợ bởi vì không có cách nào để biết khu vực nào là có virus - ông Iwata lập luận - Con tàu hoàn toàn không thích hợp làm nơi kiểm soát lây nhiễm và cách ly".

Theo giáo sư Iwata, Chính phủ Nhật đã mắc phải một thiếu sót không nên có là không phân vùng khu vực có nguy cơ lây nhiễm và khu vực an toàn theo thang màu đỏ - nguy hiểm và xanh lá - an toàn.

Hành khách được yêu cầu phải ở trong phòng của mình, những người ở phòng có bancông đôi khi có thể được nhìn thấy nói chuyện với hàng xóm mà không đeo khẩu trang. Các thủy thủ đoàn cũng không được cách ly và tiếp tục chia sẻ không gian làm việc, khu nhà ở và phòng tắm. Họ chỉ đơn giản là đeo khẩu trang và găng tay khi tiếp xúc với hành khách.

Chuyên gia chỉ trích việc cách ly tàu Diamond Princess, Chính phủ Nhật nói gì? - Ảnh 2.

Một du khách trên tàu Diamond Princess bị truyền thông bủa vây khi được rời khỏi tàu sáng 19-2 cùng khoảng 500 người khác - Ảnh: AFP

Mỹ đã hồi hương khoảng 300 công dân đi trên tàu Diamond Princess. Nhiều quốc gia khác cũng đang chuẩn bị làm điều tương tự. Tất cả đều phải trải qua thêm 14 ngày cách ly nữa khi về nước. 

Các quan chức y tế Mỹ sau đó kết luận rằng "mặc cho các nỗ lực cách ly và kiểm dịch đã được tiến hành, vẫn có nguy cơ rất cao những người vừa trở về bị nhiễm COVID-19". AFP bình luận điều đó cho thấy các nước không thực sự tin tưởng vào các biện pháp cách ly và kiểm soát dịch bệnh của phía Nhật Bản.

"Không quốc gia nào hoàn hảo"

Các quan chức y tế Nhật Bản đã bác bỏ những chỉ trích của giáo sư Iwata. Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nhấn mạnh kể từ ngày 5-2 nhà chức trách đã thực hiện "các biện pháp thận trọng để ngăn chặn sự lây lan của virus, bao gồm yêu cầu đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên và sử dụng nước rửa tay diệt khuẩn".

Bộ trưởng Y tế Nhật Bản Katsunobu Kato cũng bảo vệ các nỗ lực của chính phủ. Ông tuyên bố những thành viên của đội giám sát và chống dịch bên trong tàu là chuyên gia, chứ không phải nhân viên y tế bình thường. 

Tiến sĩ Michael Ryan, giám đốc các chương trình khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thừa nhận ông cũng bị bất ngờ trước tốc độ lây nhiễm trên Diamond Princess. Song, theo ông Ryan, sẽ có một thời điểm nào đó người ta nhìn nhận lại quyết định của Chính phủ Nhật Bản theo hướng bảo vệ sức khỏe toàn cộng đồng.

Chuyên gia chỉ trích việc cách ly tàu Diamond Princess, Chính phủ Nhật nói gì? - Ảnh 3.

Hai du khách ở hai phòng kế nhau trên du thuyền không đeo khẩu trang khi ra ngoài sáng 19-2 - Ảnh: AFP

AFP dẫn kết quả một cuộc khảo sát cho thấy có 52% người Nhật được hỏi không tán thành với tán thành việc cách ly con tàu. Nhưng tại Yokohama, nơi con tàu neo đậu kể từ ngày 5-2, số người ủng hộ chính phủ nhiều hơn rõ rệt.

Ông Shigeru Omi, cựu giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO, nhìn nhận trong khi nhiều quốc gia khác chỉ đơn giản là quay lưng với các du thuyền, Nhật Bản đã hồi đáp Diamond Princess.

"Không có quốc gia, tổ chức nào là hoàn hảo, và Nhật Bản cũng không ngoại lệ", ông Omi chốt vấn đề.

Nhớ ơn Nhật, Trung Quốc nói sẵn sàng giúp chống dịch COVID-19 Nhớ ơn Nhật, Trung Quốc nói sẵn sàng giúp chống dịch COVID-19

TTO - Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 17-2 tuyên bố sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm chống dịch COVID-19 và cung cấp các hỗ trợ cần thiết khi tình hình dịch bệnh ở Nhật Bản diễn biến phức tạp.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp