01/09/2021 11:39 GMT+7

Chuyên gia: Các nước sẽ không chịu kiểu 'xét giấy' của Trung Quốc

BÌNH AN
BÌNH AN

TTO - Giới chuyên gia đánh giá các nước, đặc biệt là Mỹ, sẽ không làm theo quy định "báo cáo khi vào lãnh hải" mà Trung Quốc tự đưa ra, giống như những gì từng xảy ra khi Bắc Kinh đơn phương tuyên bố ADIZ ở Biển Hoa Đông hồi năm 2013.

Chuyên gia: Các nước sẽ không chịu kiểu xét giấy của Trung Quốc - Ảnh 1.

Tàu hải cảnh Trung Quốc - Ảnh: SCMP/GETTY IMAGES

Hôm nay 1-9, Luật an toàn giao thông hàng hải mà Trung Quốc tự ban hành bắt đầu có hiệu lực. Luật này yêu cầu tàu nước ngoài đi vào cái gọi là "lãnh hải" của Trung Quốc phải báo cáo thông tin về tàu, hàng hóa... cho Trung Quốc.

Giáo sư quan hệ quốc tế Thời Ân Hoằng (Shi Yin Hong) tại Đại học Nhân dân ở Trung Quốc thừa nhận việc thực thi luật mới mà Trung Quốc tự ban hành sẽ đầy khó khăn.

"Bất kỳ quốc gia nào có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, cũng như các quốc gia phương Tây như Mỹ và Anh - vốn bác bỏ hầu hết yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc - đều sẽ không chấp nhận quy định mới trên" - ông Thời đánh giá.

Theo báo South China Morning Post (SCMP), giới quan sát ngoại giao và pháp lý Trung Quốc cũng nhận định sẽ khó thực thi quy định mới mà Trung Quốc tự đưa ra.

Ngày 1-9, báo SCMP dẫn lời tiến sĩ Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, nhận định các nước khác, đặc biệt là Mỹ, sẽ không tuân theo quy định của phía Trung Quốc.

Hồi năm 2013, khi Trung Quốc đơn phương tuyên bố thành lập ADIZ (Vùng nhận dạng phòng không) ở Biển Hoa Đông, họ đã vấp phải phản ứng mạnh từ các nước như Nhật Bản và Mỹ.

"Tôi không chắc luật mới này có thể đem thi hành như thế nào. Nó làm tôi nhớ lại những gì đã xảy ra sau vụ Trung Quốc tuyên bố ADIZ" - ông Collin Koh nói.

Ông cho rằng một số bên có thể cố gắng tuân thủ, nhưng các nước lớn như Mỹ khó có thể tuân thủ. "Họ sẽ xem đây là một ví dụ khác cho thấy nỗ lực dần dần của Trung Quốc liên quan quyền tài phán trên biển. Các cường quốc khác ngoài khu vực có thể cũng không đồng ý với luật này" - ông Collin Koh đánh giá.

Nhà nghiên cứu này cho rằng Trung Quốc đưa ra luật mới trên để củng cố lập trường của họ liên quan "vùng lãnh hải của họ", và điều này sẽ làm gia tăng nguy cơ gây ra xung đột với các quốc gia khác cũng có tuyên bố chủ quyền.

Trung Quốc yêu cầu ra sao?

Trung Quốc nói rằng quy định báo cáo khi vào "vùng lãnh hải" áp dụng với các thiết bị lặn/thiết bị ngầm (tiềm thủy khí), tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân, tàu chở vật liệu phóng xạ, tàu chở dầu/hóa chất/khí hóa lỏng/các chất độc hại khác, cùng những tàu được xem là mối đe dọa đối với sự an toàn giao thông hàng hải.

Nếu tàu nước ngoài không báo cáo theo như yêu cầu, cơ quan hàng hải Trung Quốc sẽ áp dụng luật và quy định liên quan. Tuy nhiên, luật mới không nêu cụ thể về hình thức phạt.

Kang Lin, phó giám đốc Viện nghiên cứu Biển Đông (một viện nghiên cứu tại Trung Quốc), cho biết quy định mới trên sẽ áp dụng với "lãnh hải rộng 12 hải lý của Trung Quốc và cả vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông". Hiện chưa rõ hành động cụ thể của Trung Quốc.

Trung Quốc kiểm soát đi lại ở Biển Đông Trung Quốc kiểm soát đi lại ở Biển Đông

TTO - Trong Luật an toàn giao thông hàng hải sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-9, Trung Quốc đặt ra một loạt yêu cầu kiểm soát các tàu bè nước ngoài đi vào "vùng lãnh hải" của nước này.

BÌNH AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp