23/11/2022 13:41 GMT+7

Chuyên gia: 'Cá chết ở hồ Tây là báo động, tại sao cứ để xảy ra rồi chính quyền mới vào cuộc?’

PHẠM TUẤN
PHẠM TUẤN

TTO - Chuyên gia đặt câu hỏi tại sao hằng năm cứ "đến hẹn" cá lại chết trôi dạt kín ven hồ Tây, phải chăng có sự "quan liêu" trong quản lý?

Chuyên gia: Cá chết ở hồ Tây là báo động, tại sao cứ để xảy ra rồi chính quyền mới vào cuộc?’ - Ảnh 1.

Công nhân vớt cá chết tại hồ Tây sáng 23-11 - Ảnh: PHẠM TUẤN

Tình trạng cá chết tại hồ Tây (quận Tây Hồ, Hà Nội) đã diễn ra hơn một tháng qua, tuy nhiên đến nay tình hình vẫn chưa được cải thiện, dù UBND TP Hà Nội đã "chỉ đạo nóng".

Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online sáng 23-11 tại hồ Tây, dù công nhân vệ sinh môi trường vẫn đang tích cực vớt, thu dọn, vẫn có rất nhiều cá chết trôi dạt vào bờ, bốc mùi hôi thối. Ngoài ra, theo quan sát, mặt nước hồ trên còn bị bao phủ bởi một lớp váng màu xanh rêu đặc quánh.

Giải quyết chưa triệt để, thời gian kéo dài khiến dư luận đặt câu hỏi về năng lực xử lý của các đơn vị liên quan trong vấn đề môi trường.

Chuyên gia: Cá chết ở hồ Tây là báo động, tại sao cứ để xảy ra rồi chính quyền mới vào cuộc?’ - Ảnh 2.

Tình trạng cá chết diễn ra gần 2 tháng qua nhưng chưa được giải quyết triệt để - Ảnh: PHẠM TUẤN

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online trong sáng cùng ngày, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh - phó chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam - cho biết vấn đề cá chết ở hồ Tây đã lặp đi lặp lại trong nhiều năm qua, dù TP đã cố gắng trong vấn đề bảo vệ môi trường trong lòng hồ và xung quanh hồ nhưng chưa thực sự chặt chẽ.

"Cá chết ở hồ Tây một phần là do ô nhiễm nguồn nước, theo tôi hiện nay việc quản lý kiểm soát các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh về du lịch, ăn uống, dân sinh... xung quanh hai bên bờ của hồ Tây chưa được đầy đủ, cặn kẽ. Chính vì thế hằng năm lại xảy ra hiện tượng cá chết, vì vậy việc bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học tại hồ Tây cần được quan tâm hơn", GS.TS Đặng Huy Huỳnh nói.

GS.TS Đặng Huy Huỳnh đánh giá hồ Tây là một địa điểm rất quan trọng của TP Hà Nội, vì vậy việc để cá chết nổi lên hai bên bờ, giữa mặt hồ là "đáng báo động". Ông cho rằng Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP, UBND quận Tây Hồ... cần rà soát chặt chẽ các cơ sở ăn uống, dịch vụ xung quanh hồ Tây, đảm bảo các yếu tố liên quan tới môi trường.

Chuyên gia: Cá chết ở hồ Tây là báo động, tại sao cứ để xảy ra rồi chính quyền mới vào cuộc?’ - Ảnh 3.

Cá chết nổi lềnh bềnh, bốc mùi tanh, hôi thối rất khó chịu - Ảnh: PHẠM TUẤN

Ngoài ra, ông Huỳnh cho biết việc giảm nồng độ oxy trong nước ở hồ Tây, thức ăn trong hồ suy giảm, các loại tảo độc... cũng là nguyên nhân ảnh hưởng tới sức khỏe của các loại cá tôm.

"Ý thức của cộng đồng cũng rất quan trọng, nguồn nước ở hồ Tây là một tài nguyên rất quý giá ở Hà Nội, việc gìn giữ tài nguyên này không chỉ là trách nhiệm của chính quyền sở tại mà còn là trách nhiệm của người dân, đặc biệt những cơ sở kinh doanh xung quanh hồ.

Nếu gìn giữ được hồ Tây xanh, sạch, đẹp chính là nơi để kinh doanh, phát triển các dịch vụ được bền vững, tốt đẹp hơn. Du khách tới mà thấy cá chết, bốc mùi tanh thối thì chẳng ai muốn quay lại. Hồ Tây cũng là nơi rất nhiều người tới tập thể dục vào mỗi sáng, chiều, vì vậy cá chết cũng là nguyên nhân gián tiếp ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng", ông Huỳnh bày tỏ.

Trước câu hỏi việc cá chết tại hồ Tây hằng năm cứ "đến hẹn lại lên", đặc biệt trong năm nay, hiện tượng này đã kéo dài hơn một tháng qua và vẫn tái diễn... phải chăng do sự buông lỏng quản lý, giám sát và xử lý của các đơn vị liên quan? Vị phó chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho rằng có việc "quan liêu" trong quản lý.

"Theo tôi thấy chưa có sự sát sao, thực tế trong quản lý, chính vì thế cứ để xảy ra tôm chết, cá chết, nước ô nhiễm này kia rồi chính quyền mới nhảy vào. Đáng lẽ ra phải đề phòng trước, đi kiểm tra thường xuyên và cũng phải dựa vào cộng đồng xung quanh hồ, để họ thấy cá chết, nước ô nhiễm thì phản ảnh tới chính quyền ngay.

Giữa thủ đô mà để việc cá chết năm nào cũng lặp đi lặp lại là không nên xảy ra, rất đáng tiếc" - ông nói thêm.

Chuyên gia: Cá chết ở hồ Tây là báo động, tại sao cứ để xảy ra rồi chính quyền mới vào cuộc?’ - Ảnh 4.

Tình trạng cá chết ở hồ Tây đang ở mức báo động - Ảnh: PHẠM TUẤN

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Đình Khuyến - chủ tịch UBND quận Tây Hồ - cho biết đến sáng 23-11, "ở hồ Tây cá vẫn chết nhưng ít hơn". Vị này cho biết hiện quận đang tập trung chỉ đạo vớt và phun khử khuẩn để xử lý môi trường ở khu vực vớt cá chết.

Cũng theo ông Khuyến, việc cá chết không thể "kết thúc trong ngày một ngày hai", quận sẽ tập trung trong những ngày tới để vớt tảo, đồng thời chờ hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP để đánh bắt bớt cá rô phi trong lòng hồ.

"Thực hiện các giải pháp trên chúng tôi nghĩ tình hình sẽ ổn hơn, hiện các chỉ số đánh giá về nguồn nước đã ổn, hiện nay do thời tiết thay đổi, tảo che lấp tầng oxy và do mật độ cá rô phi nhiều nên ảnh hưởng tới các loại cá khác. Lãnh đạo TP cũng đang rất quyết liệt chỉ đạo, chúng tôi cũng tập trung xử lý", ông Khuyến nói.

Trước đó, Sở Xây dựng Hà Nội có báo cáo gửi UBND TP Hà Nội về tình trạng cá chết xảy ra thời gian gần đây tại hồ Tây. Đáng chú ý, quan trắc nước hồ Tây cho thấy nhiều chỉ số về chất lượng nguồn nước vượt quy chuẩn cho phép.

Hà Nội Hà Nội 'khẩn trương' chỉ đạo, cá vẫn chết nổi ở hồ Tây, bốc mùi hôi thối

TTO - Tại hồ Tây đoạn chạy qua tuyến đường Trích Sài, Nguyễn Đình Thi, Lạc Long Quân (Tây Hồ)... rất nhiều cá chết dạt vào ven bờ. Ngoài cá, rất nhiều rác thải nhựa, rác sinh hoạt cũng được sóng hồ đánh trôi dạt vào ven bờ.

PHẠM TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp