Vụ mạo danh Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) dụ người hiếm muộn điều trị gây bất bình chưa nguôi thì cơ quan chức năng xác định thêm vụ giả danh bác sĩ ở Hà Nội lừa trên 7.000 người bệnh tiểu đường chiếm đoạt gần 50 tỉ đồng.
Vấn đề trên cho thấy các đối tượng lừa đảo ngày càng trắng trợn. Vậy đâu là giải pháp ngăn chặn, bảo vệ người bệnh yếu thế?
Tuổi Trẻ xin chia sẻ ý kiến từ các cơ quan chuyên môn về hướng xử lý, cũng như chuyện từ chính những nạn nhân để cùng nhau cảnh giác hơn.
Bác sĩ Nguyễn Duy Phương (giám đốc Trung tâm hiếm muộn và y học giới tính, Bệnh viện Đa khoa Hà Nội):
Tôi bị giả danh, rất bức xúc
Tôi chính là người bị trang Facebook "Điều trị hiếm muộn - Bệnh viện Chợ Rẫy" giả danh. Ngay khi biết được thông tin, bệnh viện đã nhanh chóng có cảnh báo đến người bệnh trên website, fanpage của bệnh viện.
Tôi rất bức xúc, bởi hậu quả từ việc giả danh này gây ra cho các bệnh nhân hiếm muộn là rất lớn khi họ đã rất vất vả để chạy chữa, nhưng một số cá nhân/tổ chức vẫn không buông tha.
Đây là điều rất đau xót. Việc các trang Facebook lấy cắp hình ảnh, tư liệu của bác sĩ, người bệnh cũng gây ảnh hưởng rất nhiều đến uy tín của các nhân viên y tế, cũng như các bệnh viện.
Đây là hành vi trục lợi trên nỗi đau, sự yếu thế của người bệnh. Tôi rất mong các cơ quan có thẩm quyền điều tra, làm sáng tỏ vụ việc, cũng là giúp cho người dân không còn cảm thấy hoang mang, lo lắng mỗi khi đi khám bệnh.
Đại tá Nguyễn Văn Tuấn (chủ nhiệm chính trị, Bệnh viện Quân y 175, Bộ Quốc phòng):
Người bệnh gặp nguy hiểm, bệnh viện mất uy tín
Những năm gần đây tình trạng mạo danh Bệnh viện Quân y 175 để lôi kéo người bệnh tương đối phổ biến. Nhiều nạn nhân quay trở lại bệnh viện bức xúc, khi được giải thích mới tá hỏa phát hiện mình bị lừa.
Việc mạo danh, giả mạo, lấy tên tuổi các bác sĩ và thương hiệu bệnh viện để trục lợi có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí nguy hiểm đến cả tính mạng người bệnh, chưa kể ảnh hưởng rất nhiều đến uy tín, thương hiệu bệnh viện.
Để ngăn chặn tình trạng này, bệnh viện nhiều lần liên hệ trực tiếp với những đối tượng mạo danh, yêu cầu tháo gỡ nội dung, thế nhưng chỉ được thời gian ngắn gỡ bỏ, những đối tượng này tiếp tục đăng lại.
Bệnh viện còn cử người đóng giả đến tận "ổ" của những người này bắt quả tang, lúc đó họ mới chịu xin lỗi, tháo gỡ nội dung.
Tuy vậy đây chỉ là những giải pháp trước mắt, chưa giải quyết được triệt để vấn đề. Về lâu dài bệnh viện sẽ phối hợp với các lực lượng đấu tranh không gian mạng để xử lý khi bị mạo danh, pháp luật cũng cần phải xử lý thật nghiêm hành vi này bởi liên quan trực tiếp đến sức khỏe người bệnh.
Trung tướng Nguyễn Xuân Yêm (viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, Đại học Quốc gia Hà Nội):
Cần đồng bộ nhiều giải pháp
Nguyên nhân chủ yếu của nạn lừa gạt này xuất phát từ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân tăng cao, đặc biệt việc dùng thực phẩm chức năng, thẩm mỹ ngày càng nhiều.
Những đối tượng lừa đảo lợi dụng tâm lý người dân, người bệnh tìm đến các bệnh viện lớn, các bác sĩ giỏi, các cơ sở thẩm mỹ viện uy tín, các loại thuốc và thực phẩm chức năng tốt để mời gọi, chào hàng, câu nhử.
Bên cạnh đó, có tình trạng người bệnh không tin tưởng, không muốn khám chữa bệnh ở tuyến dưới, tuyến cơ sở.
Các đối tượng còn đánh vào tâm lý muốn khám nhanh, khám bác sĩ chuyên khoa hoặc đánh vào tâm lý bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, đòi hỏi điều trị lâu dài để dụ dỗ mua các sản phẩm "cam kết khỏi trong vòng một tháng".
Để phòng chống tình trạng này cần tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp. Trước hết người dân, người bệnh không nhẹ dạ, cả tin và cần liên hệ với bệnh viện để kiểm chứng thông tin về bệnh viện, bác sĩ và về thuốc, thực phẩm chức năng. Khi nghi ngờ cần báo cho cơ quan công an gần nhất.
Hiện nay, công an phường, xã đều có thể kiểm tra xác minh các tin báo này. Các cơ quan công an, y tế cần phối hợp phát hiện, xử lý các vụ việc lừa đảo. Các vụ nghiêm trọng cần điều tra, xử lý điểm để răn đe. Các nhà mạng quảng cáo sai, vi phạm cần xử lý nghiêm minh.
TS Đoàn Văn Báu (chuyên gia tâm lý tội phạm):
Thanh tra thường xuyên, nâng cao chất lượng bệnh viện
Hiện nay người dân sử dụng mạng xã hội, Internet khá phổ biến, bất kỳ một loại hình dịch vụ nào bao gồm cả khám, chữa bệnh họ đều tìm trên mạng. Nắm bắt được nhu cầu này, các trang mạng giả mạo sẽ bỏ tiền chạy quảng cáo, sử dụng các nền tảng xã hội được đa số người dân sử dụng như TikTok, YouTube...
Hơn nữa, để dễ đánh lừa lòng tin của người dân, các đối tượng còn thuê cả diễn viên đóng giả người bệnh từng mua thuốc hoặc thăm khám bệnh để đánh giá cao chất lượng, phổ biến nhất là dịch vụ thẩm mỹ viện, trung tâm khám chữa bệnh, cơ sở phục hồi chức năng... khiến người dân không phân biệt được thật giả, dễ sa bẫy dẫn đến "tiền mất, tật mang".
Do tình trạng giả mạo trên không gian mạng khá phổ biến nên việc xử lý gây nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng, đóng website này thì lại mọc thêm website khác. Việc xử lý các đối tượng này phải có sự phối hợp của các ban thanh tra liên ngành.
Quan trọng nhất là lực lượng thanh tra y tế tại chính địa phương đó phải nắm bắt được địa bàn mình có cơ sở nào đang hoạt động để kiểm tra thường xuyên.
Về lâu dài các cơ sở khám chữa bệnh phải nâng cao chất lượng dịch vụ để không ùn tắc, quá tải, tránh người dân tìm đến dịch vụ bên ngoài.
Phía bệnh nhân, muốn khám chữa bệnh phải đến bệnh viện lớn có chuyên khoa, nếu tìm đến phòng khám tư phải tìm hiểu thật kỹ về phòng khám này, bằng cấp, chứng chỉ người thăm khám.
Ông Tăng Chí Thượng (giám đốc Sở Y tế TP.HCM):
Chung tay đấu tranh nạn mạo danh lừa người bệnh
Phải nói rằng hành vi mạo danh bệnh viện, giả danh các bác sĩ không còn là cá biệt. Thời gian qua, các đối tượng xấu đã tạo trang mạng có giao diện gần giống trang của các bệnh viện, lấy tên gọi các bệnh viện chuyên khoa, đa khoa đầu ngành để thực hiện hành vi lừa đảo người bệnh có nhu cầu.
Ngay khi xảy ra các hiện tượng này, và đặc biệt sau khi báo Tuổi Trẻ phản ánh một số vụ mạo danh, chúng tôi đề nghị tất cả bệnh viện công lập và tư nhân trên địa bàn chủ động kiểm tra, rà soát để kịp thời phát hiện các trang mạng giả mạo, quảng cáo trái phép, từ đó chủ động báo cáo về Thanh tra Sở Y tế để phối hợp với các cơ quan chức năng thanh tra, điều tra làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Chúng tôi cũng khuyến cáo người dân khi tiếp cận các thông tin quảng cáo trên mạng xã hội, không nên vội vàng tin ngay mà cần có sự kiểm chứng thông tin cẩn thận thông qua nhiều kênh khác nhau, đặc biệt là cổng tra cứu thông tin của Sở Y tế.
Tôi cho rằng cả xã hội lên án các hành vi quảng cáo giả mạo trong lĩnh vực y tế, cần được các cơ quan chức năng quyết liệt xử lý nghiêm theo quy định pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi người bệnh, đảm bảo quyền được khám chữa bệnh an toàn, hiệu quả, không bị lừa đảo, trục lợi.
Anh L.T.P. (30 tuổi, quê Phú Thọ):
Mất tiền, bệnh nặng hơn
Tôi mắc bệnh đái tháo đường type 2 từ năm 25 tuổi, đã dùng thuốc kết hợp điều chỉnh chế độ ăn uống nhưng tình trạng bệnh không cải thiện.
Tình cờ "lướt" trên mạng xã hội, tôi thấy có quảng cáo về thuốc trị tiểu đường của bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) với nhiều người được phỏng vấn nói điều trị khỏi.
Khi gọi theo số quảng cáo, những người này nói rất đúng về triệu chứng, những vấn đề tôi gặp phải và còn nói thuốc do bệnh viện điều chế, cam kết nếu không khỏi sẽ hoàn lại tiền nên tôi càng tin tưởng.
Tôi đã mua ba hộp thuốc với giá 4 triệu đồng về uống trong ba tháng. Nhưng uống hết liệu trình tôi không thấy cải thiện, một thời gian sau còn thấy người mệt mỏi hơn, xuất hiện một vài vết loét trên người.
Tôi tá hỏa đến bệnh viện kiểm tra, bác sĩ nói bệnh tiến triển nặng hơn, có biểu hiện suy thận. Gọi lại số điện thoại đã bán thuốc họ cúp máy, lúc này tôi mới biết mình đã bị lừa.
Ông T.M.H. (51 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM, nạn nhân bị lừa bởi kịch bản con chấn thương sọ não):
Tỉnh táo và cảnh giác
Vợ tôi nhận được cuộc gọi từ số máy lạ, một người đàn ông xưng là "giáo viên bộ môn" của trường nơi con trai đang theo học. Người này báo con trai bị ngã cầu thang dẫn đến chấn thương sọ não, nhà trường đã đưa đến Bệnh viện Chợ Rẫy.
Họ yêu cầu chúng tôi phải nhanh chóng đến bệnh viện, và lúc này lợi dụng tâm lý hoảng loạn các đối tượng đã sử dụng chiêu trò đánh vào tâm lý bằng cách liên tục nhắn tin, gọi điện hối thúc chuyển tiền.
Trong lúc hoang mang lo lắng cho sức khỏe của con, chúng tôi đã chuyển tiền vào tài khoản của nhóm lừa đảo hai lần với số tiền 70 triệu đồng. Không chỉ riêng trường hợp của tôi, khi hỏi bệnh viện mới biết rất nhiều phụ huynh cũng bị lừa gạt như thế.
Luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM):
Bệnh viện có thể khởi kiện dân sự
Một số cơ sở sử dụng tên thương mại như các bệnh viện có danh tiếng là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Các tên riêng của bệnh viện, tổ chức, cá nhân dùng trong kinh doanh được Luật Sở hữu trí tuệ quy định thuộc nhóm tên thương mại được bảo hộ trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.
Theo quy định tại khoản 2, điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), mọi hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại trùng hoặc tương tự với tên thương mại của người khác đã sử dụng trước cho cùng một loại sản phẩm, dịch vụ hoặc cho các sản phẩm, dịch vụ tương tự gây nhầm lẫn được coi là xâm phạm quyền đối với tên thương mại.
Khi phát hiện có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với tên thương mại của mình, các bệnh viện có thể áp dụng các biện pháp tự bảo vệ được quy định, trong đó có khởi kiện dân sự.
Tòa án có thể áp dụng các biện pháp dân sự theo Luật Sở hữu trí tuệ như buộc chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai, buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự, bồi thường thiệt hại, yêu cầu doanh nghiệp có tên xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp phải đổi tên doanh nghiệp cho phù hợp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận