Hai nhà lập pháp Jeremy Tam và Alvin Yeung đến từ Đảng Công dân Hong Kong đứng quan sát khi người biểu tình chiếm giữ các con đường của Hong Kong sáng 12-6 - Ảnh: REUTERS
Ngày 12-6, Hội đồng lập pháp Hong Kong đã hoãn lại cuộc tranh luận thứ hai về dự luật dẫn độ trong bối cảnh biển người biểu tình chiếm giữ các con đường lớn và tụ tập đông đúc quanh tòa nhà Hội đồng lập pháp Hong Kong.
Nếu được thông qua, dự luật sửa đổi có tên "Người phạm tội bỏ trốn và Hỗ trợ pháp lý lẫn nhau về vấn đề hình sự" sẽ cho phép Hong Kong dẫn độ các nghi phạm tới những nơi mà hiện Hong Kong không có thỏa thuận dẫn độ, trong đó có Trung Quốc đại lục.
Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) đã khẳng định dự luật trên cần thiết để bịt kín các lỗ hổng pháp lý. Bà nhấn mạnh dự luật sẽ được thông qua sớm với phần bỏ phiếu cuối cùng dự kiến sẽ diễn ra vào thứ năm tuần sau (20-6).
Tuy nhiên, giới chỉ trích lo ngại dự luật này sẽ cho phép Trung Quốc đại lục làm suy yếu quyền tự trị của Hong Kong và mở đường để Bắc Kinh nhắm tới các đối tượng bất đồng quan điểm chính trị.
Dự luật qua 3 vòng thảo luận
Theo điều 62 của Luật Cơ Bản (được xem là ‘hiến pháp’ của Hồng Kông), một dự luật, vốn được đề nghị bởi chính quyền hành pháp, được xem xét thông qua sau khi trải qua ba vòng thảo luận ở Hội đồng Lập pháp.
Hiện tại, dự luật này, theo như kế hoạch, được đưa ra thảo luận vòng thứ 2 ở Hội đồng lập pháp vào ngày 12-6 (nhưng bị hoãn lại do sức ép của người biểu tình) và được thông qua sau vòng thảo luận thứ 3 trước cuối năm nay theo như quy định.
Theo báo USA Today, sau đây là những gì sẽ diễn ra với Hong Kong nếu dự luật gây nhiều tranh cãi trên được thông qua vào cuối tháng 6 theo như dự kiến của chính quyền Hong Kong.
Đe dọa quan hệ Mỹ - Hong Kong
Trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang căng thẳng vì nhiều vấn đề, nổi bật là chiến tranh thương mại, mối quan hệ giữa Mỹ và đặc khu hành chính Hong Kong đáng được xem xét nếu dự luật dẫn độ trên được thông qua.
Mối quan hệ hiện tại giữa Mỹ và Hong Kong được đánh giá tích cực. Theo Đạo luật chính sách Mỹ - Hong Kong 1992, Mỹ công nhận chế độ bán tự trị của Hong Kong và ủng hộ nền dân chủ của nơi đây.
Luật dẫn độ gây tranh cãi ở Hong Kong - Nguồn: SCMP
Tuy nhiên, dự luật dẫn độ mới đề xuất sẽ khiến Hong Kong chịu ảnh hưởng lớn của Trung Quốc đại lục trong bối cảnh Mỹ đang lo ngại về hệ thống tư pháp của Trung Quốc.
"Ngoài việc can thiệp sâu vào công việc nội bộ Hong Kong, dự luật đã được đề xuất có thể tạo ra nhiều nguy cơ nghiêm trọng cho an ninh quốc gia và các lợi ích kinh tế của Mỹ ở Hong Kong" - Ủy ban xem xét an ninh và kinh tế Mỹ - Trung bày tỏ lo ngại trong một tài liệu công bố mới đây.
Theo Michael C. Davis - một chuyên gia tại Trung tâm Wilson (Mỹ) chuyên về các vấn đề châu Á, Mỹ có thể sẽ lo ngại các tài sản công nghệ cao có nguy cơ "tìm đường" sang Trung Quốc đại lục. Tuy nhiên, ông hi vọng Mỹ sẽ không thay đổi thái độ lâu nay với Hong Kong.
"Chính phủ Mỹ quan tâm về những người dân nước này và số lượng lớn doanh nghiệp ở Hong Kong. Mỹ hiện có quyền lợi riêng ở Hong Kong" - ông Davis giải thích.
Ít hấp dẫn trong mắt du khách và doanh nghiệp nước ngoài
Các nhóm kinh doanh và quyền con người thời gian qua đã lên tiếng quan ngại về các tác động tiêu cực đối với cộng đồng thương mại của dự luật dẫn độ mới được đề xuất ở Hong Kong.
Trong một lá thư, Phòng thương mại Mỹ ở Hong Kong cũng cảnh báo đề xuất sửa đổi sẽ "làm giảm sự hấp dẫn của Hong Kong với các công ty quốc tế vốn xem Hong Kong là căn cứ cho các hoạt động trong khu vực".
Về vấn đề này, ông Davis cũng nói rằng với dự luật trên, những doanh nhân hoạt động ở Hong Kong sẽ bị đe dọa nghiêm trọng khi đối mặt với các cáo buộc.
Đồng thời, theo ông Davis, những du khách quốc tế "nói xấu về chính phủ Trung Quốc" cũng có khả năng bị dẫn độ tới Trung Quốc đại lục một khi đặt chân tới Hong Kong - nơi được xem là trung tâm tài chính quốc tế.
Cờ Trung Quốc vẫn tung bay trong khi cờ Anh được hạ xuống trong sự kiện Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc vào ngày 1-7-1997 - Ảnh: AP
Ảnh hưởng của Trung Quốc đại lục ở Hong Kong
Sau nhiều năm nằm dưới chế độ thuộc địa của Anh, Hong Kong chính thức được trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997. Trung Quốc đồng ý cai quản Hong Kong theo nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ". Đặc khu này được phép duy trì các cơ quan chính trị và tư pháp riêng biệt trong 50 năm sau đó.
Tuy nhiên, Trung Quốc thời gian qua nỗ lực can thiệp và xây dựng ảnh hưởng ở thành phố này. Theo ông Davis - người đã sống ở Hong Kong trong 30 năm, nếu được thông qua, dự luật dẫn độ sẽ gây đe dọa không chỉ về chính trị, mà còn cả bản sắc của Hong Kong vốn rất khác biệt với Trung Quốc đại lục.
Trong khi đó, Samuel So, một người tham gia biểu tình phản đối dự luật dẫn độ, chia sẻ: "Chúng tôi thật sự muốn một màu sắc riêng trong bản sắc của mình. Chúng tôi muốn được gọi là người Hong Kong".
Nhận định về dự luật trên, Winnie King - một chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Bristol (Anh) - chia sẻ với ABC News: "Dự luật dẫn độ sẽ làm suy yếu tính hợp pháp của hệ thống pháp lý Hong Kong. Dự luật cho thấy ảnh hưởng của Trung Quốc không còn thâm nhập 'dần dần' (vào Hong Kong) về bản chất nữa".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận