Y tá sơ cứu cho bệnh nhi bị té tại một trạm y tế trên địa bàn quận Phú Nhuận, TP.HCM - bước sàng lọc bệnh nhân bệnh nhẹ hiệu quả, không cần chuyển lên tuyến trên - Ảnh: TỰ TRUNG
Vì sao ngưng và việc này ảnh hưởng gì đến người dân có nhu cầu khám chữa bệnh tại các trạm này?
Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến từ cán bộ y tế và cơ quan BHXH TP.HCM về vấn đề này
Ông Lê Quốc Thanh (phụ trách phòng kế hoạch nghiệp vụ Trung tâm Y tế quận Bình Thạnh, TP.HCM):
Không có bác sĩ đủ điều kiện để đứng tên
Ông Lê Quốc Thanh
Hiện Trung tâm Y tế (TTYT) quận Bình Thạnh có 20 trạm y tế tại 20 phường với hai nhiệm vụ chính là khám chữa bệnh ban đầu và công tác dự phòng. Đây là thuận lợi và cũng là hạn chế khi nhiều trạm y tế thiếu bác sĩ đứng tên giấy phép hoạt động.
Theo quy định của Sở Y tế, người đứng tên trên giấy phép hoạt động phải là bác sĩ có chứng chỉ hành nghề và đã có thời gian khám chữa bệnh 54 tháng.
Trong khi đó, hiện nhân sự các trạm y tế chủ yếu là y sĩ, bác sĩ dự phòng (theo quy định của Bộ Y tế thì họ lại không được cấp chứng chỉ hành nghề).
Đáng lo nhất là việc thu hút bác sĩ đủ điều kiện nêu trên về trạm y tế hiện nay rất khó, lý do chủ yếu là lương thấp. Thực tế và những quy định này là rào cản đối với các trạm y tế phường.
Chúng tôi đã cố gắng tìm bác sĩ đủ điều kiện để "lấp khoảng trống" này cho một số trạm y tế. Trong 20 trạm y tế phường thì 12 trạm y tế có mã tra cứu khám chữa bệnh BHYT, nhưng chỉ 7 trạm y tế đáp đủ các điều kiện.
Việc BHXH ngừng hợp đồng khám chữa bệnh BHYT tại một số trạm y tế không ảnh hưởng đến các hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu, sơ cấp cứu, cấp thuốc một số bệnh thông thường... nhưng lại ảnh hưởng rất nhiều nguồn thu của TTYT quận và không thể tiếp tục chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân có BHYT, đặc biệt là trạm y tế có lượng bệnh nhân khám chữa bệnh BHYT đông.
Với những khó khăn trên, tôi kiến nghị Sở Y tế xem xét cho bác sĩ dự phòng được đi học và cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định, đồng thời bỏ qua điều kiện bác sĩ đứng tên giấy phép hoạt động phải có 54 tháng kinh nghiệm khám chữa bệnh.
Ông Phạm Xuân Hải (phó giám đốc TTYT quận 9 cũ):
Thiếu nguồn thuốc chữa bệnh
Ông Phạm Xuân Hải
Quận 9 trước đây có 13 trạm y tế. Tất cả đều không gặp khó khăn trong việc người đứng tên trên giấy phép hoạt động, tuy nhiên có 2 trạm y tế tại phường Hiệp Phú và Long Phước thì BHXH TP đã ngừng hợp đồng khám chữa bệnh BHYT ban đầu cho người dân từ 1-4.
Nguyên nhân chính là do số lượt bệnh nhân khám chữa bệnh BHYT tại 2 trạm y tế trên rất ít, chỉ có vài chục lượt trong năm cũng như không đáp ứng nhu cầu thuốc cho bệnh nhân.
Còn có thêm lý do về địa lý như trạm y tế phường Hiệp Phú nằm gần Bệnh viện quận và Bệnh viện Quân dân y miền Đông nên người dân đến thẳng bệnh viện. Còn trạm y tế phường Long Phước nằm xa vị trí trung tâm và những năm gần đây hoạt động không còn hiệu quả.
Việc tạm ngưng BHXH ở trạm y tế 2 phường này không phải do người bệnh quay lưng, mà do chính sách, cơ chế tại TTYT chưa đáp ứng nhu cầu.
Điển hình một bệnh nhân mắc bệnh huyết áp cao kèm đái tháo đường khám bệnh BHYT tại bệnh viện tuyến cuối được cấp 5 loại thuốc, nhưng khi đến tuyến cơ sở thì thường không đáp ứng được.
Các trạm y tế ngưng khám chữa bệnh BHYT vẫn thực hiện công tác dự phòng và các danh mục kỹ thuật theo quy định như tiêm vắcxin, lấy máu và tiêm thuốc qua tĩnh mạch, băng bó vết thương, cố định tạm thời người bệnh gãy xương...
Ông Phan Văn Mến (giám đốc BHXH TP.HCM):
Không ảnh hưởng người bệnh
Ông Phan Văn Mến
Hằng năm vào tháng 11, BHXH đã cử các giám định viên y tế rà soát việc khám chữa bệnh BHYT tại các trạm y tế phường, xã trên địa bàn TP.HCM.
Trong quá trình rà soát, đơn vị nhận thấy có 34 trạm y tế xã, phường không đủ điều kiện để thực hiện việc khám chữa bệnh BHYT ban đầu.
Mỗi nơi mỗi khó khăn riêng. Có nơi không đủ nguồn nhân lực (bác sĩ), có nơi không phát sinh chi phí khám chữa bệnh BHYT trong nhiều năm qua và có một số đơn vị đã chủ động không đăng ký BHYT với BHXH dù đủ điều kiện.
Việc chúng tôi ngưng hợp đồng khám chữa bệnh với 34 trạm y tế phường, xã này không ảnh hưởng đến lợi ích người bệnh vì việc khám chữa bệnh BHYT đã thông tuyến.
Những người đã đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu tại các trạm y tế phường, xã ở TP.HCM có thể đến khám bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh khác nhưng vẫn được hưởng đúng quyền lợi theo quy định.
Chúng tôi đề nghị Sở Y tế TP.HCM quan tâm, đầu tư, nâng cấp trang thiết bị và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại các trạm y tế phường, xã để đáp ứng nhu cầu người dân.
Khi các trạm y tế đủ điều kiện theo quy định, lượng bệnh nhân đông thì BHXH TP sẽ tiếp tục ký hợp đồng và tiếp nhận đăng ký khám chữa bệnh ban đầu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận