13/03/2016 15:26 GMT+7

Chuyện gì khiến chất lượng không khí Hà Nội ngày càng tệ?

QUỲNH TRUNG ghi
QUỲNH TRUNG ghi

TT - Sau gần tám năm sinh sống và làm việc ở thủ đô Hà Nội, tôi nhận ra chất lượng không khí ở đây ngày càng tệ khiến tôi vô cùng lo ngại cho sức khỏe của gia đình, đặc biệt là hai đứa con nhỏ của mình.

Bụi từ công trình xây dựng và khí thải của xe cộ trên đường phố là hai trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí (ảnh chụp tại nút giao thông Hoàng Cầu - Ô Chợ Dừa, Hà Nội) - Ảnh: Nguyễn Khánh
Bụi từ công trình xây dựng và khí thải của xe cộ trên đường phố là hai trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí (ảnh chụp tại nút giao thông Hoàng Cầu - Ô Chợ Dừa, Hà Nội) - Ảnh: Nguyễn Khánh

Tuy nhiên, công bằng mà nói, dù chất lượng không khí ở Hà Nội tệ nhưng chưa ô nhiễm bằng Bắc Kinh. Một người bạn của tôi mới xuống sân bay Bắc Kinh ngay lập tức bị ho bởi tình trạng khói bụi và sương mù nghiêm trọng ở đó.

Còn gia đình tôi sống ở Hà Nội cho đến nay nhưng sức khỏe chúng tôi vẫn chưa bị tác động rõ rệt. Tuy nhiên, mỗi khi ra đường chúng tôi phải đeo khẩu trang để chống bụi và tôi nghĩ chúng ta không thể ngồi nhìn để đến một ngày nào đó không khí Hà Nội cũng ô nhiễm như Bắc Kinh...

Ở London, chúng tôi áp dụng “phí tắc đường” ở khu vực trung tâm nhằm hạn chế xe cộ. Các phương tiện cá nhân đi vào trung tâm thành phố từ 7g - 18g phải trả phí 11,5 bảng Anh (khoảng 16,27 USD). Khu vực áp dụng phí này ngày càng mở rộng

Khói, bụi và khí thải từ xe

Theo tôi, có ba nguyên nhân chính khiến chất lượng không khí ở Hà Nội ngày càng tệ.

Một là, nhiều người dân vô tư đốt rơm rạ ở các đồng lúa tại huyện Hoài Đức và các khu vực cạnh sân bay Nội Bài khiến các đường đê, đường làng, thậm chí cả quốc lộ mù mịt khói rơm rạ.

Tôi nghĩ có nhiều cách xử lý rơm rạ thay vì đốt, chẳng hạn như sử dụng rơm rạ để làm thức ăn chăn nuôi trâu bò hoặc làm phân bón. Trong những năm 1950, thành phố London đối mặt với nạn không khí ô nhiễm kinh khủng.

Hàng nghìn người chết do khói và sương mù gây ô nhiễm không khí. Sau đó chính phủ đã ra lệnh cấm đốt than đá vì ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và thay vào đó khuyến khích sử dụng khí gas thiên nhiên.

Một nguyên nhân khác nữa gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội chính là bụi từ nhiều công trình đang xây dựng dang dở tại nhiều khu vực ở thủ đô. Đặc biệt là ở Linh Đàm, bụi được nhìn thấy khắp nơi. Nếu bạn mở cửa ra và đóng lại thì sau đó phải lau sàn nhà ngay lập tức để dọn bụi bặm.

Những công trình xây dựng ở châu Âu và Mỹ phải tuân theo các quy định nghiêm khắc về việc ngăn bụi ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Các chủ công trình sẽ bị chế tài nghiêm khắc nếu họ vi phạm các quy định này.

Nguyên nhân thứ ba khiến Hà Nội, TP.HCM nói riêng và các đô thị lớn ở Việt Nam nói chung bị ô nhiễm không khí là do khí thải từ xe cộ trên đường phố. Trong nhiều năm trở lại đây, số lượng xe cá nhân tại Hà Nội và TP.HCM gia tăng nhanh chóng khiến mức độ ô nhiễm không khí tại hai thành phố lớn này ngày càng tăng.

Ông Jake Brunner - Ảnh: Q.TR.
Ông Jake Brunner - Ảnh: Q.TR.

Phải tìm cách hạn chế xe cá nhân

Trong những năm gần đây, chính quyền thành phố Hà Nội đã xây dựng nhiều cầu vượt và đường hầm. Đây là việc làm đáng ghi nhận trong việc chống tắc đường, nhưng dù thành phố có xây bao nhiêu cầu vượt đi nữa thì cũng không đủ khi lượng xe cá nhân ngày càng tăng.

Theo tôi, tình hình tắc đường sẽ nghiêm trọng hơn trong năm tới và khi đó ô nhiễm không khí do khí thải từ xe cộ sẽ kinh khủng hơn nữa.

Tôi nghĩ chính quyền thủ đô phải áp dụng các biện pháp hạn chế sử dụng xe cá nhân và dồn nguồn lực xây dựng, cải thiện các phương tiện giao thông công cộng. Tôi thấy dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông có thể là một trong những giải pháp cho vấn đề này.

Ở London, ông thị trưởng thành phố đã chủ trương xây làn đường riêng cho xe đạp để khuyến khích người dân sử dụng xe đạp. Ngoài ra, thành phố có các hình thức giao thông công cộng tiện lợi và thân thiện với môi trường như xe buýt, metro. Xe buýt ở London rất tiện lợi, trong khi tại Hà Nội thì không...

Tôi nghĩ Việt Nam có thể áp dụng mô hình của London cho các thành phố lớn để cải thiện hệ thống giao thông và chất lượng không khí, tuy nhiên điều này cần đòi hỏi quyết tâm của chính quyền.

JAKE BRUNNER
(người Anh, điều phối viên chương trình của văn phòng Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) ở Hà Nội)

Người Việt “khoan dung” với tiếng ồn!

Người nước ngoài chúng tôi cảm thấy khó hiểu tại sao người Việt có lòng “khoan dung” rất lớn đối với tiếng ồn, chẳng hạn như ra đường thì tiếng còi xe inh ỏi, ở các khu vực gần trường học thì nhiều loa phát ra âm thanh lớn được lắp đặt vô tội vạ.

Tại châu Âu và Mỹ, để trẻ em tiếp xúc với âm thanh cường độ lớn là bất hợp pháp vì gây ảnh hưởng đến thính giác của trẻ.

Tại Anh, hành vi bóp còi quá khích hoặc bóp còi ở khu vực dân cư là vi phạm luật pháp và sẽ bị phạt nặng. Ở Hà Nội, những chiếc xe tải trên đường thường dùng còi rất lớn. Tôi nghĩ chính quyền nên có những chế tài mạnh mẽ đối với những người gây tiếng ồn.

QUỲNH TRUNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp