Thị trường chứng khoán liên tục chao đảo trong những phiên gần đây, hàng loạt cổ phiếu đầu cơ bị nhà đầu tư bán bằng mọi giá nhưng vẫn kẹt hàng - Ảnh: BÔNG MAI
Ngay khi mở đầu phiên giao dịch 18-1, thị trường chứng khoán chìm trong sắc đỏ với hàng trăm mã giảm giá.
Trong khi mới hôm qua tài khoản của không ít nhà đầu tư đã bị rơi vào mức âm khi thị trường lao dốc, riêng VN-Index đã bị giảm hơn 43 điểm - mức giảm sâu nhất trong vòng 5 tháng trở lại đây - đồng thời riêng sàn HoSE cũng bị "bốc hơi" gần 165.000 tỉ đồng vốn hóa.
Hiện nay trên thị trường đang lan truyền các thống kê và lập luận rằng hiện tượng liên đới margin call (gọi bổ sung ký quỹ) đang xảy ra khiến thị trường lao dốc, nghĩa là khi không bán được những hàng đang bị "nhốt" do mất thanh khoản như mã FLC (Tập đoàn FLC), ROS (Xây dựng FLC Faros)... thì sẽ bán liên đới các mã trong danh mục.
Tuy nhiên, ông Huỳnh Minh Tuấn - nhà sáng lập Công ty tư vấn quản lý tài sản FIDT - cho rằng nhận định trên chưa hẳn đúng.
Cụ thể, cần phải hiểu rõ cấu trúc vận hành của loại hình sản phẩm margin (ký quỹ - vay nợ). Với một mã chứng khoán thì RMC (bộ phận quản lý nguồn - cung ứng margin và kiểm soát rủi ro) của công ty chứng khoán sẽ đưa ra 3 tiêu chí để kiểm soát: tỉ lệ cho vay, giá chặn (max price), room cho vay mã đó.
Chẳng hạn tại một công ty chứng khoán top đầu về dư nợ margin, mã ROS được cho vay theo 3 tiêu chí như sau: tỉ lệ cho vay là 20%, giá chặn là 3.000 đồng, room (giới hạn cho vay) là 5,5 tỉ đồng.
Như vậy trong bất cứ hoàn cảnh nào thì công ty chứng khoán này cũng chỉ cho vay ROS tối đa là 1.500 đồng/cổ phiếu và tối đa cho vay 5,5 tỉ ở cổ phiếu này.
Điều đó có nghĩa công ty chứng khoán chỉ mất vốn khi ROS giảm về dưới 1.500 đồng. Trong khi chốt phiên hôm qua mã ROS nằm giá sàn 10.500 đồng, đến phiên hôm nay giá sàn là 9.770 đồng.
Tương tự đối với mã FLC, các công ty chứng khoán nội quá hiểu nên tuyệt đối không cho vay.
"Có thể khẳng định sự liên đới khi không bán được nhóm FLC và dẫn tới bán lan sang nhóm cổ phiếu còn lại trong danh mục là không có đối với các nguồn cho vay chính thống từ nhóm công ty chứng khoán này", ông Tuấn cho hay.
Tổng quan lại thị trường sau phiên hôm qua về thanh khoản vẫn là điểm sáng nhưng về tâm lý số đông đã rạn nứt khá rõ khi các câu chuyện về đầu cơ kiếm tiền nhanh hay "đu trend" phím hàng đã trở thành bài học đắt giá cho F0.
Cũng có thể nói là một phiên tốt nghiệp chính thức cho F0 với thiệt hại nặng nề và lan luôn sang nhóm Fn.
Vậy câu hỏi là diễn biến bán bằng mọi giá đã và đang diễn ra đến từ đâu?
"Đó chính là từ các "kho hàng", với tiêu chí là mạo hiểm hơn đi kèm lãi cao hơn. Đây được xem như nguồn vốn phục vụ thị trường ngách là các nhu cầu đầu cơ" - ông Tuấn chia sẻ.
Một vài thông tin cho thấy FLC có thể được cho vay tới 8.000-10.000 đồng/cổ phiếu và ROS là từ 5.000-6.000/cổ phiếu. Vì vậy động cơ bán giải chấp ở "kho hàng" là hiện hữu vì các khách hàng thường có tâm lý bỏ mặc khi bị gọi bổ sung ký quỹ.
Thị trường còn bị ảnh hưởng bởi việc Tân Hoàng Minh bỏ cọc đất Thủ Thiêm đi kèm cảnh báo của thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc sẽ siết dòng tín dụng vào nhóm bất động sản và chứng khoán là đòn đánh mạnh vào nhóm này và tạo ra tâm lý domino rõ rệt.
Sau khi phân tích tình huống và bóc tách biến động thì cũng không có gì bất ngờ khi sự sợ hãi hội tụ ở hầu hết các nhóm trụ của thị trường và phiên VN-Index giảm hơn 43 điểm cũng không có gì đột biến ở các nhóm giao dịch.
Các nhóm mua bán lũy kế không có gì đột biến mà tập trung vào từng cổ phiếu. Cá nhân trong nước bán ròng tương đối ở nhóm ngân hàng trụ khi phát sinh tâm lý bảo toàn thành quả và bảo toàn danh mục.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận