16/12/2016 15:11 GMT+7

Chuyện gì cũng lên 'phây': vô tư khai chuyện riêng tư?

TRẦN MINH
TRẦN MINH

TTO - Tôi sợ Facebook cũng đang giết dần mòn mối quan hệ thân ái của chúng ta. Chúng ta quen tay like và "thả tim" thay vì hẹn ra ngoài gặp mặt, trò chuyện. Rốt cục mạng xã hội kéo ta lại gần hay đẩy ta ra xa hơn?

Tranh: TTC

Bạn trẻ đang khai báo vô điều kiện với Facebook?

Ngày xưa, để trở thành một thầy bói giàu có, bạn cần một đội ngũ "chim lợn" cả trăm, có khi ngàn người để thu thập thông tin về khách hàng. Khi một người muốn coi bói, bạn lập tức huy động "500 anh em" đi theo người đó, tìm hiểu gia cảnh, hành tung để tiện đường múa mép.

Người coi bói vốn có năng khiếu về tâm lý học, tìm hiểu thêm về nhân tướng học, nay có thêm thông tin của "500 anh em" đưa về, chỉ dăm câu là chiếm trọn niềm tin của khách hàng. Một vài câu kinh điển:

1. Anh/chị đang có chuyện rối trí (Bạn nghĩ trong bụng: Không rối trí đi xem bói làm gì!).

2. Anh/chị có vong theo, là bà con trong nhà (Bạn nghĩ trong bụng: Thời xưa y tế khó khăn, nhà nào chả mất một hai vài đứa).

Khách hàng chưa phục thì tung vài tuyệt chiêu: "Nhà anh phải cao lắm, nhưng ở trong hẻm, cũng giống như anh rất giỏi, nhưng chưa được nhiều người để ý".

Xong hàng!

Khi đã tin, thầy bói nói gì anh cũng nghe. Bảo anh mua cục đá vừa nhặt ngoài đường về để trong nhà với giá một trăm triệu anh cũng phải mua. Thành bại của một thầy bói phụ thuộc vào một yếu tố duy nhất: data. Kho dữ liệu càng nhiều, càng dễ chiếm niềm tin khách hàng, càng mau hốt bạc.

Bây giờ, bạn không cần trả lương cho "500 anh em" nữa. Bạn có một kho data khác: Facebook!

Chúng ta đang khai báo vô điều kiện với Facebook mọi thứ. Những thứ ấy, khi cảnh sát hỏi, ta có thể hùng dũng nói: "Chờ luật sư của tôi đã". Nhưng với Facebook, ta dễ dàng khai sạch.

Tên, ngày sinh, tôn giáo, thói quen mua sắm, nơi ở, quá khứ học ở đâu, làm gì, món ăn khoái khẩu... Tôi thấy người ta hay làm mấy cái tổng kết cuối năm để biết mình biên bao nhiêu tút, đến bao nhiêu nơi.

Trước những cái tổng kết hoặc mấy cái game nhỏ, Facebook luôn yêu cầu được truy nhập vào privacy (thông tin riêng tư), và ta đều hào phóng nhấn nút "OK" (Đồng ý) cả. Những đoạn chat, những tấm ảnh để chế độ "Only me" (chỉ mình bạn xem) không còn là riêng tư nữa vào thời điểm đó.

Những gì ta làm trên mạng đều lưu lại dấu vết. Và không cần là Sherlock Holmes, người khác cũng có thể đoán được một người thông qua hành vi trên mạng của họ. Ta mua bằng thẻ nào, tìm gì trên Google, like những trang nào, bạn bè ta là ai.

Tất cả những dữ liệu ấy đều được lưu lại trong một bộ nhớ khổng lồ để... bán lại cho người nào cần. Ta đã khai tất cả với Facebook qua những tấm hình, dòng trạng thái và những cú check in (điểm từng đến).

Bạn không like, không comment, không share được không? Không. Vì chỉ cần bạn lướt qua Newsfeed và dừng lại ở đâu đủ 3 giây trở lên, cái điện thoại thông minh cũng sẽ báo lại cho những gã khổng lồ giấu mặt biết là bạn có quan tâm đến thông tin ấy.

Bạn có ngạc nhiên không khi gõ chữ "xay sinh tố dâu" vào ô Google thì vừa sang Facebook đã thấy quảng cáo máy xay sinh tố ở góc phải? Bạn chỉ cần like một tấm ảnh có in hình cuốn sách Chuyện nông trại thì kéo xuống dưới đã thấy chính cuốn sách ấy trên một chợ bán hàng điện tử, đang giảm 20%?

Mọi điều ta làm trên mạng xã hội đều để lại vệt. Và ta cố giữ sự riêng tư nhất có thể, để rồi sự riêng tư ấy đều thuộc về gã khổng lồ mang tên mạng xã hội.

Tranh: TTC

Mạng xã hội kéo ta lại gần hay đẩy ta ra xa hơn?

Trong phần mới nhất phim về chàng điệp viên Jason Bourne có ẩn dụ về việc một ông trùm mạng xã hội là người của CIA, chính xác là mượn tiền của CIA để khởi nghiệp. Sự thật là những thứ bạn ngỡ là riêng tư không còn riêng tư nữa.

Ở nước ngoài, người cảnh báo đừng đăng hình con lên Facebook vì nó chỉ tổ dẫn dụ bọn bắt cóc. Ở Tây Ban Nha, cầu thủ Daniel Parejo ra ngoài chơi với gia đình, đăng một tấm ảnh, quay về tá hỏa khi thấy nhà cửa bị khoắng sạch. Bởi vì tấm ảnh mà anh cẩn thận "check in" vô tình chính là lời "mật báo" cho bọn trộm biết anh không có nhà.

Đã có chuyên gia chứng minh: không cần vào profile một người mà chỉ cần phân tích 68 like trên Facebook là xác định được màu da (tỷ lẹ chính xác 95%), xu hướng tình dục thẳng hay đồng tính (88%) và xu hướng chính trị (85%). Với 100 likes, có thể biết IQ, tôn giáo và có nghiện một thứ gì đó hay không. Với 1.000 likes có thể biết cha mẹ đối tượng có ly dị trước tuổi trưởng thành hay không. Bạn like càng nhiều, vệt càng nhiều, bạn càng dễ bị bắt bài.

Facebook khiến ta phải đọc, và những comment vội vã lập tức bị phân tích dưới một lăng kính khác. Nút like khiến ta ảo tưởng, nút block cho ta "cảm giác quyền lực" và "unfriend" là cách thể hiện thái độ tuyệt vời! 

Bạn trẻ gần đây say sưa bàn về Đàm Vĩnh Hưng, Ngọc Trinh, Hoàng Kiều tưởng chừng như không gì quan trọng hơn thế. Trong khi xã hội ngoài kia vẫn đầy những mảnh đời, bầu trời đang ô nhiễm, Sài Gòn ngày kẹt xe hơn và con người có vẻ ngày càng xa nhau.

Đã có nhiều nhận định cho rằng Facebook đang giết chết báo chí, từ báo tin cho đến báo điện tử. Nhưng tôi sợ Facebook cũng đang giết dần mòn mối quan hệ thân ái của chúng ta. Chúng ta like và "thả tim" thay vì ra ngoài gặp mặt.

Chúng ta không có nhu cầu giao tiếp nữa khi đã tương tác hàng giờ trên Facebook. Rốt cục mạng xã hội kéo ta lại gần hay đẩy ta ra xa hơn? Và chữ "Share" liệu có còn là chia sẻ, cảm thông như ý nghĩa ban đầu của nó.

Facebook là FACE & BOOK. Nhưng nó khiến ta ít đọc sách (BOOK) hơn và cũng khiến ta lười nhìn mặt (FACE) nhau hơn. Có phải vậy không?

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Bạn tán thành hay không đồng tình? Mời bạn cho biết ý kiến của mình trong phần Bình luận bên dưới.

TRẦN MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp