Chuyện đua đòi, bạo lực... vào đề thi học kỳ

HOÀNG HƯƠNG
HOÀNG HƯƠNG

TTO - "Đề thi gần gũi với chúng em, em rất thích", "Em đã viết một mạch bài làm, vì câu hỏi rất thú vị"... học sinh hào hứng.

Chuyện đua đòi, bạo lực... vào đề thi học kỳ - Ảnh 1.

Đề thi dạng mở được học sinh yêu thích - Ảnh minh họa: NHƯ HÙNG

Ngày 11-12, học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 ở quận 3 (TP.HCM) trải qua đợt kiểm tra học kỳ 1 môn giáo dục công dân (GDCD) với sự thích thú, vì các đề thi có khá nhiều câu hỏi "mở", mang hơi thở cuộc sống.

"Ngày nay, nhiều học sinh rất thích đòi ba mẹ mua điện thoại di động, máy nghe nhạc, máy game... loại đắt tiền. Các bạn còn thích mặc quần áo giống ca sĩ, diễn viên... Em có đồng tình với việc làm của các bạn đó không? Vì sao?". 

Đó là một trong những câu hỏi thuộc đề kiểm tra môn GDCD dành cho học sinh lớp 6 ở quận 3.

Từ chuyện đua đòi, bạo lực học đường

N.P., học sinh lớp 6 Trường THCS Phan Sào Nam, cho biết: "Em thích nhất câu hỏi trên, vì nó rất gần gũi với chúng em. Em đã viết một mạch bài làm, vì câu hỏi rất thú vị".

Tương tự, đề thi GDCD dành cho học sinh lớp 7 cũng có câu hỏi khá hay: "Trong lúc xếp hàng di chuyển lên lớp, một bạn giẫm trúng chân làm em đau. Em sẽ xử lý như thế nào trong những trường hợp sau: a/ Bạn giẫm trúng chân quay sang xin lỗi em; b/ Do không biết nên bạn không xin lỗi em".

Một thành viên ra đề kiểm tra ở Phòng GD-ĐT quận 3 cho biết: "Câu hỏi này bắt nguồn từ thực tế xã hội đầy rẫy những hành động bạo lực. Ở ngoài đường, chỉ cần va chạm nhau chút xíu trong khi kẹt xe, nhiều người đã tiếc một lời xin lỗi và lao vào ẩu đả nhau. 

Ở trong trường, đôi khi chỉ vì va chạm nhỏ nhưng có em không chịu xin lỗi, hoặc do không biết nên thản nhiên quay đi, khiến bên còn lại ấm ức rồi nuôi ý định trả thù, khiến xảy ra nạn bạo lực học đường. 

Đề thi muốn đặt ra tình huống thường gặp nhất, với mục đích giáo dục học sinh từ những điều rất nhỏ để hình thành thói quen cư xử đúng đắn cho học sinh".

Đề thi GDCD dành cho học sinh lớp 7 năm nay còn trích dẫn một bài báo trên Tuổi Trẻ Online "Sinh viên chạy Grab trả lại 320 triệu đồng cho khách để quên", với những yêu cầu: "Nếu em là vị khách nhận lại số tiền 320 triệu đồng từ anh Cảng, tâm trạng em lúc đó như thế nào? Nếu em là vị khách bị mất số tiền trên, tâm trạng em sẽ như thế nào? Em hãy nêu suy nghĩ của mình về việc làm của anh Vũ Huy Cảng".

Chị Hồng Hà, phụ huynh học sinh lớp 7 Trường THCS Lê Quý Đôn, quận 3, nhận định: "Sau khi làm bài GDCD xong, con tôi về nhà kể với mẹ là con thích nhất câu hỏi đó. Đề thi bắt thí sinh phải đặt mình vào vị trí của người bị mất tiền, mới thấy hành động của anh Cảng cao quý và đáng trân trọng biết nhường nào. 

Cháu nói rằng rất thích những câu hỏi đặt ra tình huống thực tế, vì dễ làm mà lại khỏi phải học bài lý thuyết. Cháu còn ước tất cả câu hỏi trong đề thi đều ra theo dạng như vậy".

Học sinh làm bài đầy cảm xúc

Với học sinh lớp 9, năm nay Phòng GD-ĐT quận 3 còn cho các em thử sức với một vấn đề xã hội phức tạp, khi đưa ra câu hỏi "Có những người tham nhũng, hối lộ... để lấy tiền báo hiếu cha mẹ, theo em việc làm trên có hợp lý không?". 

Đề thi này không chỉ khiến học sinh thích thú mà còn được đông đảo phụ huynh và bạn đọc đánh giá là "rất hay", mang tính giáo dục cao.

Còn nhớ mùa kiểm tra cuối học kỳ 1 năm học trước (2016-2017), nhiều học sinh ở quận 3 cũng tỏ ra thích thú với những câu hỏi trong đề thi GDCD về thực phẩm bẩn, về tình trạng hôi của... Thế nên, không có gì ngạc nhiên khi nhiều giáo viên nhận xét: các em đã viết rất cảm xúc.

Như học sinh Trần Ánh Chi, lớp 9/4 Trường THCS Bạch Đằng, đã viết về nạn hôi của: "Cùng sống trên đất mẹ Việt Nam, cùng một cội nguồn Tổ quốc, là anh em của nhau, thì xin đừng nhìn những đồng bào của mình gặp hoạn nạn một cách vô cảm. Hãy duy trì truyền thống mà chúng ta luôn tự hào mỗi khi nhắc đến nó: lòng nhân ái".

Bà Dương Hữu Nghĩa - phó trưởng Phòng GD-ĐT quận 3, TP.HCM - cho biết: "Chủ trương của Phòng GD-ĐT khi ra đề kiểm tra cho toàn quận là tăng cường những câu hỏi mang tính vận dụng, yêu cầu học sinh phải liên hệ với cuộc sống và trả lời theo sự am hiểu, suy nghĩ của mình. 

Ngay từ đầu năm học, Phòng GD-ĐT đã định hướng chuyên môn: giáo viên cần đổi mới phương pháp giảng dạy, đưa vấn đề thời sự, những tình huống thường gặp trong đời sống... vào bài dạy".

HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp