Người dân tập trung xem chương trình chiếu sáng nghệ thuật trước UBND TP.HCM tối 31-12 - Ảnh: Q.ĐỊNH
Lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn năm 2017 được đánh dấu bằng nhiều sự ồn ào không đáng có về việc cấm một số ca khúc sáng tác trước năm 1975. Các cuộc thi sắc đẹp bùng nổ với nhiều ồn ào về các tiêu cực. Lĩnh vực ca nhạc chứng kiến một sự nở rộ đáng mừng của những sô diễn do các công ty tư nhân tổ chức, đặc biệt tại Hà Nội
Chuyên gia truyền thông văn hóa Nguyễn Đình Thành
Chuyên gia truyền thông văn hóa Nguyễn Đình Thành:
Cần thay đổi tư duy
Nhìn vào 5 trụ cột cơ bản của một nền công nghiệp văn hóa gồm: nghệ thuật biểu diễn, nghệ thuật thị giác, xuất bản, bảo tàng, điện ảnh, năm qua chúng ta đã có bước tiến mới đáng mừng nhưng cũng có những khu vực giậm chân tại chỗ. Để văn hóa năm 2018 khởi sắc, theo tôi, cần thay đổi tư duy về văn hóa.
Cần thay đổi triệt để tư duy văn hóa từ phục vụ nhiệm vụ chính trị thuần túy sang phục vụ khách hàng. Các đơn vị làm nghệ thuật, xuất bản, bảo tàng cần đầu tư nghiên cứu thị trường, thị hiếu của công chúng, từ đó đề ra cách tiếp cận hợp lý và chủ động.
Hiện nhiều khán giả vẫn giữ thói quen mua vé vào giờ chót. Nhưng ngay cả khi nhiều người muốn mua vé cả năm cũng không phải dễ dàng.
Vé điện tử (kiểm soát bằng QR code, hay email, ecode) cũng chưa phổ biến. Có quá ít các show diễn thường trực, không chỉ ở các nhà hát mà còn ở các bảo tàng, khách sạn, đường phố... để khách du lịch trong và ngoài nước chọn lựa.
Trong nhiều sô diễn, người nghệ sĩ vừa sáng tạo, vừa biểu diễn, vừa phải lo cả công việc xin giấy phép, truyền thông, bán vé...
Nghệ sĩ thị giác phải tự tổ chức triển lãm, thông qua kiểm duyệt, bán tác phẩm. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển sáng tạo của cả nền văn học nghệ thuật.
Các doanh nghiệp sẽ không mặn với việc tài trợ hoặc bảo trợ cho văn nghệ nếu thiếu vắng những quy định pháp luật và lợi ích cụ thể mang lại cho họ.
Không phải tự nhiên các bảo tàng nổi tiếng trên thế giới có nhiều tác phẩm tốt đến vậy, không phải tự nhiên mà các nhà hát nhạc vũ kịch ở các nước phát triển có nhiều ngôi sao đến thế! Một phần lớn là nhờ vào các chính sách cổ vũ tài trợ, bảo trợ nghệ thuật của nhà nước.
Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn:
Tôn trọng quyền tự do biểu đạt của nghệ sĩ
Nhiều sự kiện trong năm qua cho thấy sự tự do sáng tạo của nghệ sĩ không được tôn trọng đúng mức: phố nghệ thuật Phùng Hưng bị làm khó, tác phẩm Đơn hàng được hội đồng nghệ thuật xét chọn giải nhất tại Festival mỹ thuật trẻ nhưng vẫn trượt xuống giải nhì...
Đừng nên áp đặt ý chí của nhà quản lý lên các nghệ sĩ bởi điều đó đi ngược sự phát triển của xã hội cũng như nghệ thuật.
Nếu vẫn còn tư duy làm khó các nghệ sĩ thì đến khi nào Việt Nam mới xây dựng được ngành công nghiệp văn hóa như các nước tiên tiến?
Vì vậy, năm 2018 tôi mong muốn người nghệ sĩ và quyền tự do sáng tác, tự do biểu đạt cần phải được tôn trọng. Chỉ khi nào người nghệ sĩ là trung tâm sáng tạo của nghệ thuật được tôn trọng, Việt Nam mới có thể nghĩ đến phát triển nền công nghiệp văn hóa.
Dịch giả Mai Sơn:
Không chỉ chạy theo các sách bán chạy
Giới làm sách đang dẫn dắt cuộc vận động đọc sách của xã hội ta bằng tất cả sự thông minh tinh nhạy và thủ pháp của mình.
Đó là một sự thật, nhưng không chắc là sự thật đáng mừng vì không phải hễ thỏa mãn bằng mọi giá nhu cầu đọc của người đọc, nhất là người đọc nhỏ và trẻ, là tốt.
Do đó, tôi có vài hình dung dự phóng cho bức tranh sách vở năm 2018 như sau: để tránh cho các em nhỏ và người trẻ căn bệnh vô cảm, tâm hồn đóng băng, ngành xuất bản cần có nhiều sách văn học hay.
Ngoài ra, cũng cần có nhiều sách triết nhẹ nhàng dễ hiểu, dễ tự học. Nếu chúng ta đọc sách, đừng tìm đến sách giải trí nữa. Internet, mạng xã hội đã cung cấp phương tiện giải trí quá nhiều rồi. Đọc sách là cách đào thoát khỏi thế giới ảo.
Một loại sách quan trọng khác là sách dịch những tác phẩm xuất sắc của thế giới. Trong khi nhiều người viết tiếng Việt hằng ngày đang làm hư hoại và nghèo nàn tiếng Việt, những dịch phẩm tốt sẽ góp phần làm giàu có tiếng Việt.
Đồng thời cũng cần những sách giáo khoa về xã hội - nhân văn cho mục đích tự giáo dục, và gia thục (home-schooling).
Ngoài ra, nếu các nhà xuất bản chạy theo những tác phẩm được giải thưởng, được xếp hạng cao trên các trang sách bán chạy của thế giới, tất yếu họ sẽ để lại sau lưng vô số tác phẩm giá trị vốn dựa trên những thước đo khác.
Đạo diễn, biên kịch Việt Linh:
Cần những bộ phim khán giả được sống cùng nhân vật
Tôi cho rằng kỹ thuật, thiết bị, thậm chí là tài chính trong việc làm phim không phải là vấn đề quá lớn với điện ảnh Việt.
Nhưng tôi nghĩ kịch bản những bộ phim Việt cần được cải thiện, cách đưa cảm xúc đến với khán giả phải khác đi. Có kịch bản hay, đạo diễn mới có thể làm phim hay, diễn viên mới diễn hay.
Một vấn đề khác tôi quan tâm hơn là việc mang sân khấu lên màn ảnh rộng và làm những bộ phim điện ảnh không khác gì một bộ phim truyền hình một tập.
Khi đưa các ngôi sao của sân khấu lên phim, tư duy về khung hình của nhiều đạo diễn bị yếu (hay ẩu), hoặc quá cẩu thả, hoặc quá sắp xếp khung hình.
Những đạo diễn giỏi sẽ biết cách điều tiết cảm xúc, và kềm diễn viên một cách chừng mực, bởi ở phương Tây diễn viên sân khấu hay điện ảnh đều có thể đóng tốt các vai trò mà không có sự phân biệt nào.
Mong rằng các đạo diễn, nhà làm phim Việt cho ra đời các bộ phim mà khán giả có thể sống cùng nhân vật, khiến người ta quên cảm giác đang... xem phim.
MINH TRANG ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận