06/01/2025 16:09 GMT+7

Chuyện đổi tên thành 'phố vải Soái Kình Lâm', phố là sao, chợ là thế nào?

Chuyện đổi tên chợ vải Soái Kình Lâm thành 'phố vải Soái Kình Lâm' tạo ra tranh luận từ nhiều bạn đọc. Vậy phố là sao, còn chợ là thế nào?

Có nên đổi 'chợ vải' thành 'phố vải'? - Ảnh 1.

Bảng hiệu phố vải Soái Kình Lâm trên đường Đỗ Ngọc Thạnh, quận 5 - Ảnh: PHƯƠNG NHI

Những bảng hiệu có cụm từ "phố vải Soái Kình Lâm" được treo lên các tuyến đường Trần Hưng Đạo, Đỗ Ngọc Thạnh, Dương Tử Giang (quận 5, TP.HCM) đã gây thắc mắc cho nhiều người.

Cách dùng từ "phố vải Soái Kình Lâm" đã hợp lý chưa, vì sao không gọi là "chợ vải" như xưa nay vẫn gọi?

Dịch giả, nhà nghiên cứu Vương Trung Hiếu gửi đến Tuổi Trẻ Online ý kiến chia sẻ xung quanh vấn đề này.

Thế nào là "chợ", thế nào là "phố"?

Trước hết, cần tìm hiểu thế nào là "chợ", thế nào là "phố" để xem sự thay đổi kể trên có hợp lý không.

Chợphố là hai từ xuất hiện ít nhất từ thế kỷ 19, đã từng được ghi nhận trong Đại Nam Quấc âm tự vị (1895) do Huình-Tịnh Paulus Của biên soạn: chợ (chỗ nhóm mà buôn bán); phố (nhà buôn bán thường cất dọc chợ; nhà bán hàng xén).

Trong hệ thống chữ Nôm, chợ (助, 𢄂) có nghĩa là nơi tụ tập đông người để mua bán: "Chợ xa quà rẻ, mấy ngày cũng đi" (Lý hạng ca dao); "Lao xao chợ cá làng ngư phủ" (Quốc âm thi tập).

Còn phố (庯,鋪) có nghĩa là đường lớn, hai bên có nhà, cửa hiệu và hàng quán: "Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa" (Nam phong giải trào); "Ra phố khăn ngang quàng lấy mặt" (Vị thành giai cú tập biên).

Như vậy ngay từ đầu, chợphố đã có điểm chung, đó là nơi "có buôn bán". Các từ điển tiếng Việt ngày nay vẫn định nghĩa chợphố tương tự.

Có quan điểm cho rằng từ phố trong "phố vải Soái Kình Lâm" không chỉ con đường mà là ô phố, gồm nhiều con đường trong một khu vực, kinh doanh cùng một mặt hàng. Phố này được dùng giống như phố đi bộ Nguyễn Huệ ở TP.HCM.

Quan điểm trên thoạt nhìn có lý, tuy nhiên nếu cho rằng "phố" ở đây là "ô phố", tức "khu phố" chăng?

Nếu vậy thì "ô phố" chỉ là những dãy phố trong khu vực nào đó, có thể bao gồm những nhà ở và những hộ kinh doanh, không thể định nghĩa là nơi "kinh doanh cùng một mặt hàng".

Nếu kinh doanh cùng một mặt hàng hay chuyên những mặt hàng nào đó thì thuật ngữ "phố" này chẳng khác gì Phố Hàng Lược, Phố Hàng Đồng, Phố Hàng Chai… như ở Hà Nội.

Nên là "chợ vải Soái Kinh Lâm" hay "phố vải Soái Kình Lâm"?

Sự thay đổi "chợ vải Soái Kinh Lâm" thành "phố vải Soái Kình Lâm" những ngày qua đã gây ra tranh luận trên mạng xã hội. Trong đó, phần lớn đều ủng hộ cách gọi lâu nay là "chợ vải Soái Kình Lâm".

Nếu những từ như hẻm (miền Nam); kiệt (miền Trung), ngõ hoặc ngách (miền Bắc) bị dùng lẫn lộn và tràn lan thì sẽ ra sao?"

Quan điểm cá nhân, tôi cho rằng nên giữ nguyên là "chợ vải Soái Kình Lâm, còn nếu không thì cũng gọi là "chợ Soái Kình Lâm", với các lý do:

Thứ nhất, người dân nơi đây không sử dụng từ phố để chỉ nơi buôn bán, mà dùng từ này giống như định nghĩa trong Từ điển tiếng Việt (1988) do Hoàng Phê chủ biên: phố là "đường ở thành phố, thị trấn, dọc hai bên có nhà cửa" (tr. 813).

Đó chính là phố trong nhạc Trịnh Công Sơn ("Chiều nay em ra phố về"); hoặc phố là "nhà" trong tập truyện Những kẻ gieo gió của Vũ Bằng ("căn phố lầu, căn phố này", tr.14) hay phố là "dãy nhà nhiều căn dính liền để cho mướn" (Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức, quyển hạ, tr. 1167).

Thứ hai, cụm từ "chợ vải Soái Kình Lâm" hay "chợ Soái Kình Lâm" đã rất quen thuộc, đã đi vào tâm thức của người dân quận 5 nói riêng và TP.HCM nói chung.

Cụm từ này xuất hiện nhiều lần trong sách báo khoảng vài chục năm qua, chẳng hạn như: "chợ vải Soái Kình Lâm" (Các tác phẩm đoạt giải báo chí toàn quốc: Năm 1998, Hội Nhà báo Việt Nam, 1999, tr. 247); "chợ Soái Kình Lâm chuyên kinh doanh vải" (Thành phố Hồ Chí Minh tự giới thiệu: Trên đường hội nhập AFTA, Thông tin, 1998, tr. 152).

Thứ ba, về mức độ quy mô, chợ vải Soái Kình Lâm là chợ loại 1 vì có khoảng 500 điểm buôn bán trở lên (trong giai đoạn năm 1989 - 1995 có đến gần 1.000 sạp).

Chợ này nằm trong khu thương xá Đồng Khánh, "được xây dựng kiên cố, có đầy đủ các dịch vụ như trông giữ xe, bốc xếp hàng hóa, kho bảo quản hàng hóa, dịch vụ kiểm tra chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm và các dịch vụ khác".

Thứ tư, về từ Hán Việt, ta thấy phố (舖) là từ đa nghĩa, nghĩa gốc dùng để chỉ "phần đế của vòng gõ cửa", còn được gọi là "phố thủ". Ở đây, xét nghĩa tương quan thì phố là "cửa hàng buôn bán", chẳng hạn như thư phố (hiệu sách); mính phố (tiệm bán trà); nhục phố (hàng thịt)… Tuy nhiên, có những chữ phố nghĩa hoàn toàn khác.

Ví dụ: Phố (圃) là "khu vườn". Thái phố (vườn trồng rau); hoa phố (vườn trồng hoa); lão phố (ông già làm vườn). Phố (浦) là "bến sông, cửa sông" như Nguyễn Du từng viết trong bài Thu chí: "Hồi thủ Lam giang phố" (Ngoảnh đầu về bến sông Lam)…

Trong khi đó, chợ chỉ có nghĩa đen duy nhất là "nơi buôn bán, trao đổi hàng hóa".

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Trương Minh Kiều - chủ tịch UBND quận 5 - cho biết trên địa bàn quận đã có các tuyến phố chuyên doanh như phố Đông y, phố lồng đèn...

Tương tự các phố chuyên doanh hiện hữu, từ "phố" trong "phố vải Soái Kình Lâm" không có nghĩa là một con đường mà là ô phố, bao gồm nhiều con đường trong một khu vực. Các tuyến đường gần nhau và kinh doanh cùng một mặt hàng.

Bà Kiều nhấn mạnh không thể gọi "phố vải Soái Kình Lâm" là chợ, vì chợ phải có ban quản lý, bán trong nhà lồng. Còn phố vải chỉ là các tuyến đường tập trung buôn bán, có người bán trong nhà, có hộ kinh doanh, có doanh nghiệp... nên dùng từ "phố".

Còn theo PGS.TS Huỳnh Quốc Thắng (giảng viên cao cấp khoa văn hóa học Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM), từ "phố" và "chợ" tuy có ý nghĩa khác nhau nhưng cũng gần giống nhau.

"Chợ là chỉ nơi buôn bán. Còn phố không chỉ là nơi để buôn bán mà còn là nơi để tham quan", ông Thắng nói.

Cũng theo ông Thắng, nhiều khu vực vẫn sử dụng từ "phố" với ý nghĩa giống một khu đô hội, không chỉ biểu thị việc buôn bán mà còn thể hiện sự đô thị hóa cao.

Có nên đổi 'chợ vải' thành 'phố vải'? - Ảnh 2.Ai xứng đáng với danh xưng quái kiệt?

Xung quanh câu chuyện loạn danh xưng ở những người nổi tiếng, dịch giả - nhà nghiên cứu Vương Trung Hiếu đã có bài viết đưa ra góc nhìn của mình.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp