Cách làm này giúp tiết kiệm thời gian và chi phí, nâng cao tiện ích cho những người sử dụng, nâng cao hiệu quả quản lý, góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao hình ảnh hiện đại của sân bay.
Vấn đề đặt ra là tại sao với nhiều lợi ích rõ ràng là to lớn nhưng việc triển khai thu phí tự động ở sân bay và trước đây là trên các tuyến đường lại tỏ ra khó khăn, chậm trễ như vậy?
Về mặt kỹ thuật, triển khai thu phí tự động là hoàn toàn không khó. Vậy cái khó nằm ở đâu? Phải chăng chúng ta cần quan tâm đến vấn đề thể chế?
Rất nhiều thủ tục hành chính, các hoạt động kinh tế - xã hội thời gian qua đã số hóa mạnh mẽ, góp phần tạo ra bước tiến lớn trong quá trình chuyển đổi số đang diễn ra trên đất nước chúng ta, mang lại những lợi ích vô cùng to lớn.
Thế nhưng vẫn còn rất nhiều thủ tục bị vướng, chậm trễ, chưa đáp ứng nhu cầu của người dân như mới đây nhiều người ta thán về việc mua bảo hiểm y tế ở địa phương của mình nhưng lỡ đi nơi khác bị bệnh thì không được thanh toán đầy đủ hay việc phải sang nơi khác để đóng phạt nguội…
Chuyển đổi số là quá trình thay đổi toàn diện của các cá nhân, tổ chức về cách làm việc và cách sống dựa trên nền tảng công nghệ số. Nó đòi hỏi không chỉ sự đổi mới, sáng tạo và ứng dụng các công nghệ tiên tiến mà còn sự kiến tạo và hoàn thiện các thể chế liên quan.
Thể chế là hệ thống các quy tắc, chuẩn mực, luật lệ được sử dụng để điều chỉnh và định hướng sự phát triển của một tổ chức hay một nhà nước. Thể chế có thể chia làm hai loại: thể chế chính thức và thể chế phi chính thức.
Thể chế chính thức là hệ thống quy phạm pháp luật mang tính pháp trị. Thể chế phi chính thức là công luận góp phần hình thành đạo đức, lối sống, phẩm giá con người. Thể chế phi chính thức thuộc phạm trù đức trị.
Để chuyển đổi số thành công cần phải cải cách và nâng cao năng lực của các thể chế, đặc biệt là các thể chế chính thức. Các thể chế chính thức phải tạo ra môi trường thuận lợi, khuyến khích và bảo vệ các hoạt động chuyển đổi số của các cá nhân, tổ chức.
Chúng cũng phải đáp ứng được nhu cầu, mong muốn và quyền lợi của người dân trong thời đại số. Các thể chế này cần phải minh bạch, công bằng, hiệu quả và linh hoạt để thích ứng với những thay đổi nhanh chóng và bất định của thế giới số.
Một trong những rào cản lớn nhất cho việc chuyển đổi số ở Việt Nam là hệ thống pháp luật vẫn chưa được cập nhật hoặc thiếu tính linh hoạt để đáp ứng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số.
Điều này tạo ra một môi trường pháp lý không chắc chắn, khiến các doanh nghiệp, đặc biệt là các start-up công nghệ, gặp khó khăn trong việc triển khai và mở rộng các sáng kiến số.
Việt Nam đã ban hành Luật An toàn thông tin mạng và đang trong quá trình hoàn thiện Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, nhưng việc thiếu rõ ràng và đồng bộ trong quy định cụ thể làm cho doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuân thủ và triển khai các giải pháp số đảm bảo an toàn thông tin cho người dùng.
Bên cạnh đó là thiếu sự liên thông giữa các cơ quan, ban ngành, địa phương để tạo ra sự thông suốt với kho dữ liệu quốc gia, dẫn đến tình trạng mỗi nơi mỗi khác.
Các thể chế phi chính thức cũng có vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi số. Các thể chế này phản ánh những giá trị, thái độ, niềm tin và hành vi của người dân đối với chuyển đổi số.
Các thể chế phi chính thức có thể ủng hộ, động viên hoặc phản đối chuyển đổi số tùy theo mức độ nhận thức, sự tham gia và hưởng lợi của người dân.
Một trong những thách thức lớn nhất là sự thiếu tin tưởng vào công nghệ và quy trình chuyển đổi số. Ví dụ tỉ lệ sử dụng chính phủ điện tử ở một số nơi rất thấp, mặc dù Chính phủ đã nỗ lực triển khai nhiều dịch vụ trực tuyến để tạo thuận lợi cho người dân.
Một thách thức khác là sự kháng cự đối với thay đổi. Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vẫn thích bám lấy cách làm truyền thống mà từ chối áp dụng công nghệ số.
Để vượt qua những thách thức này cần có sự phối hợp giữa Chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng để tạo ra một môi trường thuận lợi cho chuyển đổi số.
Cuối cùng, chuyển đổi số không chỉ là một vấn đề kỹ thuật mà còn là một vấn đề thể chế. Cần có sự phối hợp đồng bộ và cân bằng giữa các yếu tố kỹ thuật và thể chế, giữa các thể chế chính thức và thể chế phi chính thức, giữa các lợi ích cá nhân và lợi ích chung.
Chỉ khi đó chuyển đổi số mới có thể mang lại những kết quả tích cực, bền vững và toàn diện cho xã hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận