Khách du lịch sử dụng hệ thống vé điện tử vừa được khai trương tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội - Ảnh: T.ĐIỂU
Ông Nguyễn Trọng Đường - phó vụ trưởng phụ trách Vụ Quản lý doanh nghiệp - Bộ Thông tin và truyền thông - chia sẻ tại diễn đàn Luồng xanh cho du lịch Việt Nam cất cánh, chuyên đề Chuyển đổi số: Động lực phát triển bền vững do báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp của VCCI tổ chức ngày 18-5 tại Hà Nội.
Tại diễn đàn, các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp cùng bàn luận các vấn đề về chuyển đổi số mà các doanh nghiệp du lịch đang gặp phải hiện nay, cũng như giới thiệu những nền tảng công nghệ mới hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp.
Đáng chú ý, câu chuyện về hiện trạng chuyển đổi số của các doanh nghiệp du lịch được nhiều đại biểu chia sẻ tâm huyết.
Chuyển đổi số nhưng không kết nối
Ông Nguyễn Quyết Tâm - Ủy ban phát triển Chính phủ số thuộc Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam Vinasa, nhà sáng lập TravelMaster và iTourism - nêu nhiều khó khăn trong chuyển đổi số hiện nay từ chuyện chia sẻ dữ liệu đến chuyện thiếu liên kết giữa các đơn vị, địa phương.
Ông Quyết Tâm kể câu chuyện rất "phản" chuyển đổi số ở Quảng Ninh và Hải Phòng. Đó là khách du lịch hiện nay nếu đang tham quan trên vịnh Hạ Long, muốn được sang tham quan vịnh thuộc Hải Phòng ngay bên cạnh, chỉ cách 100m nhưng không thể xin giấy phép trực tuyến mà phải lên bờ xin giấy phép, sau đó lại xuống tàu đi tiếp.
"Tại sao các anh không kết nối với nhau để người ta ngồi trên tàu vẫn có thể xin giấy phép để được đi luôn. Các đơn vị du lịch, các cơ quan của Tổng cục Du lịch, các sở du lịch phải tăng cường kết nối với nhau. Bộ Thông tin và truyền thông đã kết nối liên thông văn bản và kết nối liên thông dữ liệu rồi.
Chúng tôi triển khai chuyển đổi số mấy năm thì thấy cái khó nhất chính là con người, do người làm thôi, không phải do công nghệ. Nếu muốn làm thì người ta sẽ tìm cách, nhưng nếu không muốn làm thì người ta sẽ tìm lý do", ông Quyết Tâm nói.
Nhận thức không tới thì cách làm sẽ không tới
Được coi là "sứ giả chuyển đổi số" của Bộ Thông tin và truyền thông, ông Nguyễn Trọng Đường còn nêu ra nhiều khó khăn khác ở chính phía các cơ sở, các doanh nghiệp khi thực hiện chuyển đổi số.
Để chuyển đổi số thành công, theo ông Đường, phải có nhận thức về tầm quan trọng của việc này ở người lãnh đạo tổ chức.
"Chuyển đổi số trước tiên là việc của người đứng đầu chứ không phải việc của ông kỹ thuật máy tính nào đâu. Có ai dạy chúng ta dùng Facebook đâu nhưng ai cũng biết dùng cả. Nên đừng lo lắng về nhân sự mà hãy lo lắng về nhận thức. Nhận thức không tới thì cách làm không tới", ông Đường nói.
Ngoài chuyện nhận thức, ông Đường cho rằng việc thứ hai cần làm để chuyển đổi số thành công là các doanh nghiệp phải đánh giá được mình thực sự đã chuyển đổi số chưa. Vì như ông nhận thấy, "công ty nào chẳng dùng phần mềm kế toán mà cứ tưởng thế đã là mình đã chuyển đổi số rồi".
Để giúp doanh nghiệp đánh giá mức độ chuyển đổi số của đơn vị mình, Bộ Thông tin và truyền thông đã phát triển bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp, cung cấp công cụ để các doanh nghiệp đánh giá, xem mình yếu cái gì để khắc phục.
Một việc cần chú ý khi doanh nghiệp chuyển đổi số nữa là phải chọn sử dụng nền tảng gì. Ông Quyết khuyên doanh nghiệp không nên tự xây dựng đội ngũ nhân lực viết phần mềm cho mình, trừ một số tập đoàn rất lớn, mà chọn sử dụng nền tảng số phù hợp.
Ông cho biết Bộ Thông tin và truyền thông đã chọn 30 nền tảng số xuất sắc khuyến nghị các doanh nghiệp lựa chọn sử dụng.
Tại diễn đàn, phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết thời gian tới tổng cục sẽ tiếp tục hoàn thiện các đề án, chương trình chuyển đổi số trong ngành du lịch trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; rà soát, chỉnh sửa, bổ sung Luật du lịch, các kế hoạch, chiến lược phát triển du lịch phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ về chuyển đổi số.
Tổng cục Du lịch cũng đề xuất điều chỉnh phù hợp các quy định pháp luật liên quan đến thương mại điện tử, các mô hình kinh doanh trực tuyến, các hoạt động giao dịch trên môi trường số trong lĩnh vực du lịch…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận