Workshop với chủ đề "Chuyển đổi số trong doanh nghiệp: Nâng cao hiệu quả quản trị, phát triển kinh doanh và kết nối thương mại điện tử xuyên biên giới" do Hội Doanh Nhân Trẻ TP.HCM (YBA) phối hợp với các đơn vị tổ chức tại TPHCM. Sự kiện nhằm tìm kiếm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp Việt trong chuyển đổi số và mở rộng thị trường toàn cầu.
Tránh "đứt gãy" khi chuyển đổi số
Nhân sự là yếu tố cốt lõi trong quá trình chuyển đổi số song đào tạo nhân sự cũng là thách thức lớn khiến nhiều doanh nghiệp phải đau đầu.
Tại sự kiện, một số doanh nghiệp chia sẻ dù rất muốn áp dụng công nghệ mới, nhưng cũng không khỏi lo ngại về nguy cơ "đứt gãy" nhân sự nội bộ.
Bởi những thay đổi trong quy trình và công nghệ có thể gây ra phản ứng tiêu cực từ nhân viên, đặc biệt những người đã quen với cách làm việc truyền thống, không muốn thay đổi.
Đáp lời, ông Trần Kim Thành, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn KIDO, cho rằng quá trình chuyển đổi số, đào tạo nhân sự không thể đạt được nhanh chóng trong một sớm một chiều. Theo ông Thành, doanh nghiệp cần thực hiện sự thay đổi một cách linh hoạt và từ từ.
Đặc biệt, trong giai đoạn chuyển đổi, cần nhấn mạnh thông điệp: "Công nghệ không phải là công cụ để giám sát hay gây khó khăn mà là để hỗ trợ và nâng cao hiệu suất công việc".
"Khi nhân viên nhận thấy rõ lợi ích của công nghệ trong công việc hàng ngày, họ sẽ dần chấp nhận quy trình mới một cách nghiêm túc. Thậm chí, công cụ hỗ trợ tốt về lâu dài còn có thể trở thành lý do để giữ chân nhân viên" ông Thành nói thêm.
Tương tự, ông Lê Vũ Minh, Giám đốc Tư vấn Chiến lược và Đổi mới Tập đoàn FPT, cho hay mâu thuẫn là điều khó tránh khỏi trong quá trình chuyển đổi số. Vì vậy, việc xây dựng một kế hoạch chuyển đổi cụ thể và rõ ràng, cùng với truyền thông đầy đủ về mục tiêu và lý do vô cùng quan trọng.
Ông Minh cũng lưu ý rằng quá trình chuyển đổi số cần được thực hiện từng bước. Điều này đòi hỏi sự kiên nhẫn từ ban lãnh đạo và đội ngũ quản lý, cũng như việc lắng nghe phản hồi từ nhân sự.
"Phản hồi của nhân viên, dù tích cực hay tiêu cực, đều cần được xem xét kỹ lưỡng để có thể điều chỉnh quy trình cho phù hợp" ông Minh khuyến nghị.
Vượt qua rào cản chi phí
Ngoài vấn đề nhân sự, chi phí cho chuyển đổi số cũng là mối quan tâm hàng đầu, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs).
Bàn về vấn đề này, ông Minh chia sẻ rằng thị trường hiện nay cung cấp nhiều giải pháp "vừa vặn" cho từng loại hình doanh nghiệp.
Ông gợi ý rằng SMEs có thể tìm kiếm các dịch vụ trên nền tảng đám mây hoặc dịch vụ theo yêu cầu SaaS (Software as a Service), giúp triển khai nhanh chóng mà không cần đầu tư lớn vào hạ tầng công nghệ, đồng thời cải thiện hiệu quả hoạt động.
Ông Minh cũng khuyến nghị các chủ doanh nghiệp tham khảo các ví dụ thành công từ doanh nghiệp khác để học hỏi và lựa chọn phương pháp phù hợp.
Ông nhấn mạnh rằng việc tìm hiểu kỹ các giải pháp chuyển đổi số trước khi áp dụng là điều quan trọng.
Trong khi đó, chủ tịch KIDO Trần Kim Thành cho rằng để chuyển đổi số thành công, phần mềm cần phải dựa trên quy trình đã được chuẩn hóa. Nếu quy trình chưa tối ưu, việc áp dụng công nghệ có thể thất bại.
Ông Thành đưa ra ví dụ về một công ty đã tiêu tốn hàng chục tỷ đồng trong ba năm mà không triển khai được hệ thống ERP (phần mềm quản lý doanh nghiệp) hiệu quả, trong khi đội ngũ của KIDO chỉ mất một tháng để đưa hệ thống ERP vào hoạt động trơn tru.
Ông nhấn mạnh rằng cần phải hiểu rõ quy trình của công ty trước khi số hóa.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Chủ tịch Saigon Books, cũng khẳng định rằng:
"Chuyển đổi số không phải là yếu tố cốt lõi; quy trình vận hành hiệu quả mới là điều quan trọng nhất. Chỉ khi quy trình được tối ưu thì công nghệ mới có thể áp dụng thành công để giúp doanh nghiệp hoạt động tốt hơn."
Kinh nghiệm từ KIDO
Tường An, thương hiệu dầu ăn của Tập đoàn KIDO, đã có bước chuyển mạnh mẽ sang kênh thương mại điện tử (E2E) thành công. Ông Trần Quốc Bảo, Giám đốc Điều hành kênh E2E, cho biết để đáp ứng khách hàng trực tuyến, thương hiệu đã thực hiện nhiều cải tiến như bao bì, nhãn dán và phát triển các combo sản phẩm như dầu ăn, gạo và đường,…
"Để xây dựng thương hiệu trên nền tảng E2E, Tường An triển khai chiến lược livestream liên tục trong ba tháng, hợp tác cùng các nhà sáng tạo nội dung, "chiến thần" bán hàng. Chiến lược này đã mang lại kết quả ấn tượng, với doanh thu tháng 4-2024 đạt 1 tỷ đồng, tăng gấp đôi, gấp ba trong thời gian ngắn và đạt 420.000 sản phẩm tiêu thụ trong một tháng", ông Bảo cho hay.
Trong khi đó, ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc Tập đoàn KIDO, nhấn mạnh tầm quan trọng của công cụ phân tích, theo dõi hành vi tiêu dùng vào doanh thu từ thương mại điện tử. Theo ông Nguyên, doanh thu có thể tăng đáng kể nếu doanh nghiệp phát triển được công cụ này.
Ông Nguyên cũng khẳng định việc tiếp cận kênh E2E là cần thiết cho mọi doanh nghiệp, dù lớn hay nhỏ. "Kênh E2E không chỉ giúp KIDO mở rộng khả năng tiếp cận khách hàng mà còn tạo cơ hội phát triển mạnh mẽ cho thương hiệu trong tương lai", tổng giám đốc Tập đoàn KIDO cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận