Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên và các kiều bào tham quan gian hàng triển lãm sản xuất trong nước tại hội nghị - Ảnh: TỰ TRUNG
Theo các chuyên gia, VN được xem là quốc gia có lợi khi đang có rất nhiều điều kiện để thực hiện chuyển đổi số quốc gia. Riêng TP.HCM, địa phương đi đầu về chuyển đổi số với tinh thần phát triển nhanh và bền vững, sẽ có cơ hội để tăng năng suất lao động, tiếp cận nền kinh tế sáng tạo.
Cơ hội thúc đẩy chuyển đổi số
Là địa phương đầu tiên thực hiện chuyển đổi số, ông Nguyễn Thành Phong, chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết việc thúc đẩy chuyển đổi số tại TP.HCM, bao gồm xây dựng chính quyền điện tử (hướng đến chính quyền số), đề án xây dựng đô thị thông minh (hướng đến xã hội số) sẽ được thực hiện song song, đưa TP trở thành "trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á".
Theo Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương, để thực hiện "mục tiêu kép" - vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế, chuyển đổi số và phát triển kinh tế số phải được xem là ưu tiên quốc gia. Trong đó, tập trung vào xây dựng chính sách thử nghiệm (Sandbox), cho phép thử nghiệm các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh doanh, công nghệ mới tại VN như thanh toán điện tử, đô thị thông minh.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Minh Khôi, chủ nhiệm Ủy ban nhà nước về người VN ở nước ngoài, cũng khẳng định trong bối cảnh đại dịch COVID-19, chuyển đổi số là bước phát triển quan trọng. "Đây có thể nói là đòn bẩy quan trọng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, là cơ hội vô giá để phát triển đất nước", ông Khôi nói.
Theo TS Nguyễn Đức Khương, kiều bào Pháp, VN đang có cơ hội vàng để chuyển đổi số nhờ lợi thế vĩ mô ổn định, an toàn và năng động. Tuy nhiên, để tiến xa hơn, VN cần phải xây dựng hình ảnh để thu hút đầu tư, các nền tảng và trụ cột quan trọng từ kết nối cạnh tranh. "Thực tế cho thấy trong thời gian dịch bệnh, chuyển đổi số ở một số ngành nghề có bước phát triển tốt như giáo dục trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa", ông Khương nói.
Phải chuyển đổi nhận thức, tư duy
Tại hội nghị, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết VN xác định tầm nhìn đến năm 2030 sẽ trở thành quốc gia số, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới. Và đến năm 2045, VN trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á...
Với tầm nhìn này, VN coi chuyển đổi số là một giải pháp quan trọng để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Tuy nhiên, chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức, tư duy. Trong đó, thể chế cần phải đi trước một bước khi có thể, trở thành động lực của chuyển đổi số cùng với đó là sự chuyển đổi chất lượng con người.
Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Thiện Nhân, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, cũng cho rằng VN cần tận dụng thời cơ để đẩy nhanh số hóa toàn bộ nền tảng, tăng cường nội lực, nhất là trong bối cảnh thế giới đang bận rộn chống chọi với dịch bệnh. "TP.HCM cần khẩn trương số hóa toàn bộ tài nguyên về tài nguyên, xã hội... trên hai nguyên tắc: giải pháp số hóa chi phí thấp và hỗ trợ tài chính rủi ro thấp để thúc đẩy phát triển, bền vững. Quá trình này thực hiện theo từng bước nhưng phải nhanh", ông Nhân nhấn mạnh.
Ts Nguyễn Hữu Lệ (kiều bào Úc): Mở rộng chuyển đổi số ở nhiều địa phương
VN cần tăng ngân sách để đẩy nhanh quá trình xây dựng chính phủ điện tử, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, kết nối các cơ quan, các bộ ngành, triển khai 5G, khuyến khích họp trực tuyến... để Chính phủ tiên phong trong ứng dụng công nghệ thay vì đi sau, nhằm thúc đẩy thị trường công nghệ VN.
Thay vì chỉ tập trung vào Hà Nội và TP.HCM, nên xây dựng các trung tâm phát triển khoa học - công nghệ, công viên phần mềm tại các vùng (miền Trung, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, miền núi phía Bắc) để thúc đẩy ứng dụng công nghệ giải quyết các bài toán tại địa phương.
TS Nguyễn Trí Hiếu (kiều bào Mỹ, chuyên gia tài chính ngân hàng):
Thành lập tổ hợp tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số
Dù nhu cầu vay vốn rất lớn nhưng đang gặp khó khăn do dịch bệnh nên nhiều doanh nghiệp không có khả năng vay tiền của ngân hàng. Trong khi đó, theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại không được cho vay dưới chuẩn. Do đó Chính phủ cần đưa ra một kế hoạch chỉ đạo ngân hàng thành lập một tổ hợp tín dụng (loan syndication).
Trong đó tất cả các ngân hàng đều phải tham dự vào tổ hợp này, với tỉ lệ tham gia tương đương 3-3,5%/tổng dư nợ của mỗi ngân hàng. Tổng dư nợ của nền kinh tế hiện nay là 8,7 triệu tỉ đồng. Nếu tham gia với tỉ lệ 3-3,5%, hệ thống ngân hàng sẽ có một tổ hợp tín dụng khoảng 300.000 tỉ đồng, tương tự gói 300.000 tỉ đồng các ngân hàng đã triển khai trước đó.
Nguồn vốn của tổ hợp này sẽ được dùng để cho vay các doanh nghiệp đang khó khăn vì dịch bệnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận