Giấy nhập viện của chị V.T.H. mà anh Thạch chở ngày 13-12-2017 và bị phạm luật chạy quá tốc độ - Ảnh: MY LĂNG
Tính mạng con người tính bằng phút giây. Cứ chở được khách đến bệnh viện là hoàn thành trách nhiệm của mình, chứ cuốc xe đó không phải để kiếm thêm thu nhập. Đã cứu người thì phải chấp nhận rắc rối, thiệt thòi nếu xảy ra.
Anh Nguyễn Cẩm Thạch
Những cuốc xe khẩn lúc nửa đêm
Anh Nguyễn Cẩm Thạch bảo 60% cuốc xe vào khung giờ sau 12h đêm là khẩn cấp, thường ở những khu vùng ven thành phố. Ba năm nay, anh đã chạy gần 10.000 cuốc xe và hay gặp những ca chở đi cấp cứu.
Anh Thạch, 36 tuổi, ông bố của cô con gái nhỏ gần 5 tuổi, đang sinh sống ở quận 12 (TP.HCM), chia sẻ chỉ riêng chở sản phụ đi cấp cứu đã có bảy chuyến. Trong đó có một chuyến sản phụ bị vỡ ối, rất nguy cấp.
Tình huống xảy ra vào đêm 13-12-2017. 0h45 khuya, anh Thạch đang đợi cuốc xe mới thì nhận được cuốc xe ở một con hẻm khu vực ngã ba đường Nguyễn Duy Trinh - Đỗ Xuân Hợp (quận 2).
"Kinh nghiệm của mình và cũng thành phản xạ luôn là khi nhận những cuốc vào giờ khuya như vậy, chắc chắn cấp cứu rồi. Mình phải mở chìa khóa di chuyển cái đã, trong lúc chạy mới gọi cho khách. Người ta rất cần, phải đi thật nhanh", anh Thạch kể. Thế nên anh em tài xế trong đội Anh em nhà Grab hay gọi anh Nguyễn Cẩm Thạch là "bác tài SOS".
Lên xe, thấy khách quằn quại kêu la đau đớn, anh Thạch động viên bảo ráng chịu đau, anh sẽ chạy nhanh nhất có thể. Người tài xế vội nhằm hướng về hầm Thủ Thiêm để tới Bệnh viện Từ Dũ. Lúc đỡ khách lên băng ca, anh tài xế "rụng tim" khi nghe khách thều thào nói với người em là... vỡ ối rồi!
5 tháng sau
Khi lên mạng tìm thông tin để đăng ký đăng kiểm, thấy xe mình bị từ chối đăng kiểm, anh Thạch mới biết xe mình vi phạm Luật giao thông đường bộ. Lỗi là chạy quá tốc độ trong hầm. Thời gian chính là cuốc xe... chở sản phụ bị vỡ ối năm tháng trước! "Các anh cảnh sát giao thông nhìn trong camera thấy xe mình có bật đèn ưu tiên từ đầu hầm đến cuối hầm nên tư vấn mình tìm lại người khách hồi đó để bổ sung các giấy tờ trong hồ sơ xin xóa lỗi", anh Thạch cho hay.
Thời gian đã lâu, để tìm được số điện thoại khách hàng không dễ. Nhờ sự hỗ trợ của công ty, cuối cùng anh Thạch cũng có được số điện thoại của khách hàng. Người khách trong chuyến đi đặc biệt đó là chị V.T.H., sinh năm 1983, ở chung cư Bình Trưng (phường Bình Trưng Đông, quận 2). Khi đó, chị đang mang thai 38 tuần và đã sinh một bé trai nặng 2,8kg. Biết chuyện, chị H. vui vẻ viết giấy cam kết và hỗ trợ cho bác tài Cẩm Thạch những giấy tờ cần thiết để bổ sung hồ sơ xin xóa lỗi.
Ngoài chở bà bầu, "bác tài SOS" này còn chở nhiều bệnh nhi đi cấp cứu. "Cấp cứu các bé thì bất kể ngày đêm. Có bé thì té cầu thang, bị sốt... Có lúc kẹt đường quá, mình cũng được các anh cảnh sát giao thông hỗ trợ, chỉ đường, dẹp đường cho ưu tiên qua trước", anh Thạch vui vẻ cho hay.
Chuyến xe chở cấp cứu bệnh nhi mà anh Thạch nhớ nhất là tình huống cách đây hơn một năm, lúc 2h sáng ở liên khu 5 - 6 phường Bình Hưng Hòa B (quận Bình Tân). Cha mẹ đứa trẻ nhờ người em trai đặt giùm Grab. Lúc đó đường đang sửa, đất đá đổ cả đống lớn chặn lại không thể đi như đường bình thường. Khu vực lại không có số nhà. "Ban ngày còn hỏi được, 1-2h sáng biết hỏi ai. Mình vừa coi điện thoại vừa tìm đường. Có lúc mất phương hướng không biết đang đi ra quốc lộ hay ngược lại!", anh Thạch kể.
Cứ lòng vòng chạy tới chạy lui cả chục phút không tìm được, anh Thạch tính bỏ cuốc xe nhưng nghĩ tới đứa nhỏ đang sốt có thể co giật, không đành lòng, kiên nhẫn tìm tiếp. Đến lúc kiếm được vị trí thì vướng đống đất đá lớn chặn lại, ôtô không thể chạy được, phải vòng qua hẻm khác!
Thấy đứa trẻ chưa tròn 2 tuổi bị sốt cao và co giật, người cha quá lo lắng vừa ôm con vừa quạu quọ um sùm, người mẹ thì khóc không nói được gì, anh tài xế cũng không khỏi chạnh lòng. "Mình ráng giữ bình tĩnh, mở đèn ưu tiên chạy thật nhanh đến Bệnh viện Nhi Đồng 1.
Những cuốc xe như vậy mình không bao giờ suy nghĩ tiền bạc thiệt hơn. Chỉ cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện kịp thời là vui rồi. Có lần chở tới nơi, người bố quýnh quáng quá, ôm con chạy luôn vô khu cấp cứu, quên không trả tiền", anh Thạch kể.
Tài xế Nguyễn Cẩm Thạch trong giờ làm việc - Ảnh: MY LĂNG
Vượt qua nỗi sợ... máu
Gần đây nhất, hơn 1h sáng, anh Thạch nhận được cuốc chở khách từ đường Nguyễn Tất Thành (quận 4) đến Bệnh viện Chợ Rẫy. Khách là người đàn ông khoảng 60 tuổi, bị cao huyết áp, đang khó thở, cần chở gấp tới bệnh viện.
"Mình tới thì thấy chú ấy lên huyết áp cao quá, người cứ đơ ra. Chú nặng hơn 80kg, hai mẹ con đỡ không nổi. Mình chạy vô đỡ, chú ấy cứ ôm cổ mình cứng ngắc, mình không nói được luôn. Đưa ra xe rồi mà loay hoay mất hai phút mình mới đưa khách lên xe được vì nặng lắm. Chú cứ ú ớ, mất kiểm soát. Vợ chú bảo mình ráng chạy thật nhanh. Người con ngồi trước rất sợ, cứ siết cái dây an toàn mà run", anh Thạch kể.
Khá bất ngờ khi anh Thạch bảo mình là người rất sợ máu, sợ đến nỗi bủn rủn. Thế nhưng anh không đành lòng từ chối những người bị tai nạn giao thông máu me đầm đìa. Trong xe của anh luôn có chai nước và cồn để lau, vệ sinh phần ghế, nệm bị dính máu. Để vượt qua nỗi sợ, anh không dám nhìn khách, bẻ kính hậu lên, tập trung lái xe.
Có lần anh thấy người bị nạn ở cầu Rạch Chiếc, anh chở đến bệnh viện gần nhất cách đó 3-4km để sơ cứu. "Những trường hợp đấy thường mình không lấy tiền. Đi xa đi gần, lời hay lỗ, hoặc là xe dơ cũng không quan tâm. Dù chở những trường hợp tai nạn như vậy, mình phải vệ sinh xe và phải cố gắng vượt qua nỗi sợ máu", anh Thạch tâm sự.
Nhìn lại quãng thời gian ba năm với gần 10.000 cuốc xe, anh Thạch bảo những cuốc xe cấp cứu rất căng thẳng vì khách cần đi gấp, tài xế phải chạy thật nhanh mà vẫn phải đảm bảo an toàn...
"Chạy cấp cứu như vậy rủi ro rất cao vì mình không phải xe chuyên dụng, chẳng ai nhường mình, không được miễn trừ nếu có va chạm. Rồi áp lực từ chính khách hàng vì đã cấp cứu là họ đau đớn lắm rồi, không kiềm chế được cảm xúc. Mình phải biết cách làm cho khách hàng giảm kích động", anh Thạch cho hay.
Thế nên khi chở bà bầu, anh hay mở bài Nhật ký của mẹ cho họ nghe đỡ căng thẳng. Với người bị tai nạn giao thông thì khách khó - dễ, đúng - sai gì anh cũng không để tâm, phải đưa họ đến được bệnh viện gần nhất.
Kỳ cuối: Khi tài xế học võ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận