18/11/2019 15:30 GMT+7

Chuyện đời sau tay lái - Kỳ 1: Chở nặng, chửi oan... chưa phải là 'ác mộng' lớn nhất

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Đằng sau các cuốc xe Grab là bao cuộc đời cần mẫn mưu sinh với những chuyện đẹp bình dị và thấm đẫm tình người...

Chuyện đời sau tay lái - Kỳ 1: Chở nặng, chửi oan... chưa phải là ác mộng lớn nhất - Ảnh 1.

Đằng sau các cuốc xe Grab là bao cuộc đời cần mẫn mưu sinh - Ảnh: MY LĂNG

11h10. Vừa trả khách ở đường Lê Văn Sỹ (quận 3, TP.HCM), tài xế Phạm Nguyễn Viết Khánh (27 tuổi, quê Bình Thuận) nhận được cuốc đặt một phần cơm chay, giao tại số 21 Nguyễn Trung Ngạn (quận 1).

Võ sư, cử nhân chạy Grab

Anh xem địa chỉ quán cơm khách đặt, vừa chạy vừa nhìn theo hướng dẫn đường đi hiển thị trên ứng dụng, thẳng hướng tới đường Võ Thị Sáu (quận 3). Đó là một quán cơm chay khá nổi tiếng, nằm trong hẻm. Có khá nhiều tài xế cũng đang chờ ở đó nên Khánh phải chờ.

Bất chợt, cơn mưa ập đến. Nhiều tài xế vội vàng quàng áo mưa lao xe đi giao cơm. Khánh đứng nép mình dưới hiên nhà, mặc cho mưa tạt bay vào người. Mưa nặng hạt dần, trắng xóa. Khánh cứ lấy điện thoại ra nhìn đồng hồ liên tục. Cơn mưa dường như làm cho thời gian thêm dài ra...

Khi nghe gọi tên, Khánh mừng quýnh, đội mưa chạy qua nhận phần cơm rồi tất tả lấy áo mưa định mặc thì... trời ngớt dần. Sau cơn mưa, mặt đường nhiều chỗ sũng nước. Mưa vừa tạnh, trời đã đổ nắng chang chang. Nhiều loại xe lúc này ùa ra đường. Giao cơm cho khách xong, anh thở phào không bị trễ giờ.

Khánh làm công việc này từ khi đang là sinh viên năm thứ ba cho đến nay. "Sau khi tốt nghiệp, mình cũng làm văn phòng, nhưng thời gian gò bó quá nên nghỉ, chạy xe lại. Ba mẹ lúc đầu phản đối lắm, nói mày học tốn tiền giờ đi chạy cái này. Cũng cảm thấy chạnh lòng, nhưng mình nghĩ làm gì cũng được, chỉ cần kiếm tiền được và chân chính", Khánh chia sẻ.

"Bây giờ lượng tài xế đông, số lượng cuốc chạy phải chia đều ra, cạnh tranh nhiều hơn. Mình biết tiếng Anh nên có khách nước ngoài cũng tự tin giao tiếp với họ. Mình chạy một lúc ba dịch vụ: chở khách, giao hàng và giao thức ăn. Ráng cày cuốc lo cho vợ con", Khánh, ông bố của một cô con gái 6 tháng tuổi, tâm sự.

Anh bảo vất vả nhất là giao hàng nặng rồi chở người nặng, nhất là người nước ngoài. Có lần, Khánh chở khách là người nước ngoài, giáo viên một trường Anh ngữ ở quận Phú Nhuận.

"Chị ấy to béo gấp ba lần mình, lịch trình đi từ Hồ Biểu Chánh (quận Phú Nhuận) về Phan Xích Long, giá là 12.000 đồng. Mình chở xong cuốc đó mà xe như bị lún hai phuộc sau. Đi khó lắm, toàn phải đi số 1, số 2!", Khánh bật cười nhớ lại.

Chuyện đời sau tay lái - Kỳ 1: Chở nặng, chửi oan... chưa phải là ác mộng lớn nhất - Ảnh 2.

Hình ảnh quen thuộc của tài xế công nghệ với điện thoại thông minh cài app chỉ đường - Ảnh: MY LĂNG

"Ngày trước, tôi là tài xế chạy dịch vụ chuyên chở hành khách - anh Nguyễn Quốc Khương (45 tuổi) cho hay - Ngày nào cũng hơn 7h sáng ra xe, suốt ngày ở ngoài đường, nắng nóng, bụi bặm, tối về đến nhà là mệt lả luôn. Ngán nhất là chở khách say xỉn, ngồi sau cứ nắm vai mình lắc qua lắc lại rất khó chạy. Nhiều khi ói lên người mình luôn".

Sau một thời gian, anh Khương chuyển qua chạy GrabFood, chuyên dịch vụ giao đồ ăn uống.

Từng là huấn luyện viên taekwondo huyền đai tam đẳng, từ giữa năm 2017 anh Khương chuyển qua làm tài xế công nghệ. Anh Khương cho biết mỗi ngày chạy từ 30-40km, trung bình khoảng 27-28 cuốc giao hàng.

"Kỷ lục của tôi đến giờ là chạy được 35 cuốc một ngày - anh Khương cho hay - Với nghề tài xế xe công nghệ, vất vả nhất là chuyện kẹt xe và nắng nóng, bụi bặm. Có những ngày nắng kinh khủng, trưa vẫn chạy ngoài đường, gặp khách khó tính nhưng mình phải biết kiềm chế, giữ bình tĩnh. Khách là thượng đế mà".

Không chỉ cánh đàn ông, nhiều cô gái cũng chọn nghề này mưu sinh. Ngọc Mai, một bà mẹ trẻ 29 tuổi, nhà ở quận 8, từng là bảo mẫu 2 năm và quyết định bỏ nghề, xách xe chạy GrabBike từ tháng 8-2018.

"Mình làm nghề này vì chủ động được thời gian đưa đón con. Mai chạy đến trưa nắng là về, ở nhà giữ con đến 17h mới đi làm tiếp, miệt mài chạy đến 23h. Khi con được 22 tháng tuổi, Mai mới tìm được trường học hè cho thằng nhỏ", cô tâm sự.

Vì là phụ nữ nên Mai thích các cuốc xe chở học sinh, chở khách nữ hoặc nam làm nhân viên văn phòng. Khá bất ngờ khi cô nàng khẳng định: "Mình không thấy nắng nôi vất vả. Cứ chạy được là kiếm được tiền nuôi con, trang trải chi phí sinh hoạt. Chỉ có mưa mình mới nghỉ vì mắc mưa là bệnh nặng. Mình sợ trời mưa lắm, những lúc đó lượng khách ít hơn, sợ không đủ tiền lo cho con...".

Chuyện đời sau tay lái - Kỳ 1: Chở nặng, chửi oan... chưa phải là ác mộng lớn nhất - Ảnh 3.

Không nề hà nắng mưa vất vả, nữ tài xế Ngọc Mai chăm chỉ chở khách để kiếm tiền nuôi con nhỏ - Ảnh: MY LĂNG

Nỗi ám ảnh trong mỗi cuốc xe

"Làm cái nghề này phải kiên nhẫn và chiều khách dữ lắm. Có lần khách đặt đơn hàng chỉ hơn 100.000 đồng, ở quận 9. Khi đến, mình gọi thì máy không liên lạc được. Mình vẫn kiên trì đợi gần một tiếng đồng hồ mà trời thì nắng hầm hập.

Một hồi lâu sau, khách đi ra, hỏi phải anh giao trà sữa không? Mình vừa gật đầu là khách xối xả chửi mình ngay: Sao nãy giờ không gọi làm tui chờ gần chết! Mình bảo gọi nhưng máy khóa, khách kiểm tra điện thoại rồi cười cười bảo điện thoại em bị hư nên tự động tắt nguồn!", anh Huỳnh Minh Long (30 tuổi, huyện Hóc Môn) kể.

Rồi lần khách ở hẻm 250 Nguyễn Oanh (quận Gò Vấp) đặt cơm nhưng trên app lại hiển thị địa chỉ ở hẻm khác gần đó. "Mình gọi khách ra nhận hàng, khách bảo đặt ở bên này sao lại chạy qua đó? Mình nói em chạy theo định vị, bản đồ chỉ đâu em chạy đó. Khách bảo chạy xe gì ngu dữ vậy.

Mình ráng dằn xuống, kiềm chế không càu nhàu, chạy tới, thấy khách và chồng đang đứng chờ trước cửa. Vừa thấy mình, khách chửi một tràng: Mày đui hả, mày không thấy địa chỉ tao đặt hả? Chạy gì ngu vậy?... Người chồng đứng cạnh thấy ngại quá, bảo xin lỗi em, em thông cảm, vợ anh hồi nào tính vậy đó...", anh Long nhớ lại.

Nhưng chờ đợi hàng nửa tiếng dưới trời nắng, bị chửi oan... chưa phải là đỉnh điểm của nỗi ám ảnh, mà "ác mộng" lớn nhất chính là... cướp.

"Ban ngày thì sợ bị tai nạn, giật đồ. Ban đêm thì cướp. Cách đây vài ngày, mình chở khách vừa từ đường Tô Hiến Thành ra Cách Mạng Tháng Tám, đi một đoạn thì khách bị giật giỏ, mất hết giấy tờ và tiền", Viết Khánh cho hay.

Cũng không lâu trước đó, đầu tháng 8-2019, lúc 2h sáng, đang dừng xe ở đường Nguyễn Trãi (quận 1) thì Khánh nhận được cuốc xe ở đường Lê Anh Xuân (quận 1) chở về quận 12 với giá 83.000 đồng.

"Trên đường đi, mình hỏi có biết đường vô nhà hay không, khách không nói gì. Khi đặt, địa chỉ chỉ ghi số nhà và tổ, không có tên đường. Mình tìm mòn mắt. Chở xong cuốc đó mình phóng về luôn", Viết Khánh kể...

Hiểu được những lo lắng của tài xế, các ứng dụng như Grab đã có những tính năng an toàn hỗ trợ “Chia sẻ vị trí của tôi” để chia sẻ vị trí với người thân, phím SOS để gọi cảnh sát trong trường hợp nguy hiểm ngay trên ứng dụng...

Ngoài ra, các lớp võ tự vệ cũng được mở thường xuyên và nhiều đội nhóm được thành lập, đặc biệt là đội cứu hộ GrabCar 247 hay đội cơ động GrabBike để hỗ trợ tài xế trên mọi nẻo đường. Để đảm bảo an toàn, các tài xế cũng được khuyến cáo không bắt cuốc ngoài ứng dụng nhằm hạn chế tối đa tình trạng bị cướp và thậm chí rủi ro tính mạng tài xế.

'Thằng hâm' chạy Grab miễn phí khắp Sài Gòn

TTO - “Thằng hâm” là cái tên mà bạn bè, đồng nghiệp gọi tài xế Grab Trần Văn Quí ( 32 tuổi) từ khi anh treo cái biển chạy xe ôm miễn phí giúp người nghèo trên xe.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp