14/12/2021 09:05 GMT+7

Chuyện đời ở những chung cư xưa cũ - Kỳ 4: Chốn xưa trăm tuổi ở khu Chợ Lớn

LÊ VÂN
LÊ VÂN

TTO - Ở những chung cư trăm tuổi của người Hoa khu Chợ Lớn hôm nay, thời gian chừng như dừng lại từ đầu thế kỷ trước.

Chuyện đời ở những chung cư xưa cũ - Kỳ 4: Chốn xưa trăm tuổi ở khu Chợ Lớn - Ảnh 1.

Căn hộ đông vui của bà Quế Hương với những giấy tờ đất còn lưu giữ từ năm 1901 - Ảnh: LÊ VÂN

Nhiều cụ ông cụ bà như cây đại thụ 100 tuổi vẫn sống vui vầy cùng con cháu, và những căn hộ nhỏ bé, bạc màu thời gian vẫn sẻ chia nơi chốn đi về cho 5, 7 gia đình.

Ông bà vui cùng con cháu

Dạo quanh những chung cư xưa cũ ở khu người Hoa - Chợ Lớn vẫn sầm uất bởi người dân nơi đây đã bán buôn mưu sinh qua nhiều thế hệ gia đình. 

Bà Khổng Tô Muối, 76 tuổi, hiện sống cùng 6 con cháu với 3 thế hệ cùng ở chung cư 440 Trần Hưng Đạo đã 111 năm - ngang tuổi đời chung cư. 

Diện tích căn hộ bà Muối chưa tới 30m2 nhưng chia làm 4 phòng riêng (có 2 phòng trên gác lửng). Thời còn trẻ, bà bán thuốc bắc ở chợ Phùng Hưng và nghỉ tuổi già được 10 năm nay.

Theo ông Trần Bình Phong, cán bộ địa chính phường 11, quận 5, chung cư Trần Hưng Đạo được xây từ những năm 1910, do Hội Đình Minh Hương Gia Thanh xây theo kiểu nhà phố cho thuê. 

Người thuê chủ yếu là bà con Hoa kiều khu Chợ Lớn đến làm ăn buôn bán. Trước đây cả dãy lầu có khi chỉ 1 nhà vệ sinh chung. Sau năm 1975, nhà được Nhà nước cho thuê lại thì các hộ dân tự cơi nới làm nơi vệ sinh riêng trong nhà. Và nhà vệ sinh chung ngày nào giờ bỏ hoang ngay góc cầu thang của lầu 1.

Chung cư 440 Trần Hưng Đạo đã có quyết định di dời từ năm 2017. Theo ông Phong, hiện chung cư có 21 căn, trong đó có 2 căn thuộc sở hữu Nhà nước, với khoảng 119 nhân khẩu. 

Một khó khăn của việc di dời và giải tỏa khu chung cư này là diện tích các căn hộ quá nhỏ từ 25 - 40m2, nên các nhà đầu tư khó xây tái định cư tại chỗ.

Ở lòng chợ Phùng Hưng phường 14, quận 5 có tới 3 chung cư tuổi đời trên 60 năm là chung cư Phùng Hưng, Lão Tử và Nguyễn Trãi. Bà tổ trưởng Lý Thị Mai là vợ một lương dược Chợ Lớn, người từng có chứng nhận độc quyền thuốc thập toàn đại bổ. 

Bà sống ở chung cư Lão Tử từ những năm 1960. Bà Mai kể: "Hồi 2017 người ta có kêu di dời dân chung cư này lên tòa nhà Thuận Kiều plaza ở để tái định cư. Nhưng bà con phản đối quá. Mà chung cư này còn tốt lắm, qua bao đời người Hoa ở với con cháu nên họ không chịu đi".

Kế bên chung cư Lão Tử là chung cư Phùng Hưng - Nguyễn Trãi. Anh Phan Kim Hiền, 49 tuổi, là con trai bà Phan Hà Lan năm nay đã 80 tuổi và là cư dân sống ở chung cư này từ ngày mới xây dựng. Bà Hà Lan vẫn giữ mẩu báo bố cáo đám cưới vợ chồng bà từ năm 1963 như kỷ vật cho con cháu.

Ký ức của bà lúc nhớ lúc quên, nhưng khi cầm tờ bố cáo, bà Hà Lan vẫn đọc ra nội dung tờ giấy kết hôn đã 58 năm của vợ chồng. Anh Hiền sinh ra ở chung cư này, làm nghề bếp. Gia đình anh có 9 người gồm anh và gia đình anh Hai, cùng sống chung chăm mẹ.

Anh Hiền nhớ lại: "Độ 20 năm về trước, chung cư này người Hoa không à. Đời sống thì gắn với chợ Phùng Hưng hay còn gọi chợ Giàu của người Hoa. Má tôi bán cà phê vợt, hủ tiếu dưới chợ, bà tôi rồi mấy đứa con, cháu phụ xách nước. 

Nhà tôi bán đồ ăn uống ở chợ từ thời ông bà ngoại bên Quảng Đông qua đây rồi ở lại. Hồi đó khu này vui lắm, hành lang này rộng nên cứ tối là ông bà già thì bắc ghế trước nhà ngồi trò chuyện, uống trà, ăn bánh. 

Trẻ con thì chơi dưới sân hay trên sân thượng. Vui nhất là mấy ngày Tết, lễ hội người Hoa, các gia đình góp đồ ăn ăn chung rồi cùng đi lễ chùa. Ở riết rồi quen, chẳng muốn đi đâu nữa".

Chuyện đời ở những chung cư xưa cũ - Kỳ 4: Chốn xưa trăm tuổi ở khu Chợ Lớn - Ảnh 2.

Cư dân Hào Sỹ Phường chuyện trò từ xa trên chung cư 111 tuổi - Ảnh: LÊ VÂN

Nhiều gia đình quây quần chung một căn hộ nhỏ

Khu nhà ở Hào Sỹ Phường thuộc chung cư 206/1 ở số 34 Trần Hưng Đạo, phường 11, quận 5. Theo những người dân sống lâu năm thì chung cư do tập đoàn Hui Bon Hoa xây dựng năm 1910 - 1920. Hào Sỹ Phường có 67 căn với 86 hộ và 245 nhân khẩu, có 1 tầng trệt và 1 tầng lầu là những căn riêng biệt.

Nơi đây thường được các đoàn làm phim và giới trẻ yêu thích, chọn làm điểm "check-in" hay quay các bộ phim hoài cổ lẫn hiện đại. 

Ban đầu, người dân ở Hào Sỹ Phường cũng rất vui vẻ đón tiếp nhưng sau họ than phiền vì nhiều đoàn làm phim đến rồi đi, để lại chung cư hoang tàn trong... rác và thậm chí ảnh hưởng đến kết cấu khu chung cư đã hơn trăm tuổi. 

Vì vậy mà đến Hào Sỹ Phường bây giờ, đập vào mắt đầu tiên chính là những tấm giấy ép chữ... "cấm quay phim, chụp hình".

Trái với vẻ hơi cáu kỉnh lúc đầu, bà Lạc Quế Hương, ở nhà số 206/5, lấy cho tôi xem những mẩu giấy quý bà lưu giữ của gia đình từ những năm... 1901. 

Đó là tờ giấy nhận nhà lúc ông nội bà mới đến Sài Gòn làm ăn và những tờ giấy đóng thuế nhà đất ở khu Hào Sỹ Phường từ thời Pháp cho tới nay. Bà Quế Hương, cụ già 70 tuổi dễ mến sau khi tiếp chuyện, vui vẻ bảo: "Thì quay chụp giữ nhà cho ngộ là ngộ cho quay thôi à".

Căn hộ 206/5 của bà Quế Hương có tới 3 gia đình khác nhau cùng chung sống. Trong đó có 2 hộ chung chủ quyền căn nhà này. Bà là hộ chính được thừa kế từ ông nội Lạc Phát, người thuê nhà của tập đoàn Hui Bon Hoa từ năm... 1901 ở khu Chợ Lớn, đến năm 1910 thì dọn về Hào Sỹ Phường. 

Ông Lạc Phát sau rủ thêm bạn chợ là cha mẹ 2 bà Tạ Tương, Hồ Hà về ở. Đến nay, căn hộ này có 4 người già trên 70 tuổi và 5 đứa cháu cùng mấy người thuê trọ mà mấy gia đình họ Lạc, họ Tạ - Hồ cho thuê. 

Căn hộ chừng 80m2 được chia thành 4 phòng ngủ phía trong để cho 9 người già trẻ lớn bé cùng ở chung. Trước 1975, bà Quế Hương nói căn hộ này có khi lên tới 30 người cùng sống chung, đông vui chứ không hề phiền hà gì.

Căn số 17 ở trên lầu 1 của Hào Sỹ Phường cũng là gia đình sống ở chung cư này từ thời mới xây. Nhà này lúc đông có tới 20 người sống chung. 

Hiện căn hộ vẫn còn 10 người, và có 2 hộ khác nhau cùng sống chung. Hộ đầu tiên là của chị Trần Mui, 58 tuổi. Nhà chị có 9 anh em, chị là út. 

Hiện chị còn sống cùng anh Hai đã 65 tuổi và các con của người anh này. Hai anh em chị Mui cùng chăm sóc người cha là ông Trần Huy đã 93 tuổi.

Ông Phong, cán bộ địa chính phường 11, lý giải: "Theo tài liệu xưa, những căn hộ này trước đều của tập đoàn nhà đất lớn nhất khu Chợ Lớn bấy giờ. Khi ông Hui Bon Hoa cho thuê thì thường có một người sẽ đứng ra đóng khoản tiền "tĩnh" - tức tiền cọc bây giờ. 

Bà con người Hoa hồi đó thường mời bạn bè về ở chung để chia tiền cọc. Như hộ số 17 này thì vốn của bà La Nhuận thuê, sau đó bả chia lại với ông Trần Huy ở cùng con cháu từ đó đến giờ".

Chị Trần Mui cười hiền lành khi nghe tôi thắc mắc nhà có tới 2 gia đình dòng họ khác nhau thì có khó ở không? 

Chị nói: "Người Hoa xưa nay nhường nhịn nhau nên không bao giờ có chuyện cự cãi đến không nhìn mặt nhau nữa". Và ở 1 căn hộ khác tại tầng trệt có tới... 7 gia đình khác nhau cùng một nhà suốt 111 năm nay, và hiện căn này vẫn còn 6 hộ khác nhau đang ở...

Những chung cư xưa cũ của người Hoa thường có nhiều ông bà cụ thọ trên 100 tuổi. Có người đã 113 tuổi vẫn sống vui vầy cùng con cháu. Họ còn giữ được cả những tấm hình trắng đen, những tờ giấy bạc màu thời gian như kể mãi chuyện trăm năm...

*********

Bỏ qua những xô bồ ở khu chung cư của dân lao động nghèo, chùa "ba cô" hay chùa "ba chị em" là cách gọi gần gũi của bà con ở chung cư.

>> Kỳ tới: Kỳ lạ những ngôi chùa trầm mặc ở chung cư

Chuyện đời ở những chung cư xưa cũ - Kỳ 3: Nửa thế kỷ ở Chuyện đời ở những chung cư xưa cũ - Kỳ 3: Nửa thế kỷ ở 'chung cư kim cương'

TTO - Đó là tòa nhà xưa mà nhiều bạn trẻ chẳng ngại lội bộ gần 10 tầng lầu để "check in" hay tìm một góc "chill" hoài cổ giữa phố đi bộ sầm uất Nguyễn Huệ, quận 1.

LÊ VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp