Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) phát biểu tại buổi thảo luận chiều nay 25-6 - Ảnh: Việt Dũng |
Tuy nhiên, cũng tại điều luật này lại quy định “trường hợp cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền yêu cầu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi hộ tịch và các quyền nhân thân khác”.
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng quy định như vậy là rất mâu thuẫn, không hợp lý.
“Về nguyên tắc, nếu Nhà nước đã không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính thì đương nhiên các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ không cho phép thay đổi hộ tịch và các quyền nhân thân khác. Do đó, quy định như trên là thừa và không khả thi” - đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) bình luận.
Theo ông Vinh, có bốn vấn đề cần được làm rõ:
Một, dưới góc độ quyền con người, nếu không thừa nhận chuyển đổi giới tính thì chúng ta có vi phạm không?
Hai, thực tiễn xã hội hiện nay đã tồn tại người chuyển đổi giới tính, nếu Nhà nước không thừa nhận tức là họ phải tiếp tục phải sống ở ngoài vùng "phủ sóng" về pháp luật, vậy họ sẽ tham gia và hòa nhập hoạt động của xã hội như thế nào, các chính sách về y tế và an sinh xã hội có tác động đến họ hay không?
Ba, việc thực thi pháp luật tố tụng hình sự đối với những người chuyển đổi giới tính sẽ được thực hiện thế nào như trong tạm giam, tạm giữ, thi hành án phạt tù?
Bốn, tác động đến kinh tế - xã hội, truyền thống, văn hóa, đạo đức như thế nào nếu công nhận cho phép chuyển đổi giới tính?
Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cho rằng: “Quy định như vậy là không phù hợp, bởi vì xác định lại giới tính và chuyển đổi giới tính là hai khái niệm khác nhau”.
Ông Hùng nói: “Xác định lại giới tính được thực hiện trong các trường hợp một người do bị khuyết tật bẩm sinh, hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ giới tính. Còn chuyển đổi giới tính là trường hợp giới tính đã được xác định rõ, không có khuyết tật bẩm sinh nhưng lại có mong muốn, nhu cầu được chuyển đổi giới tính. Do vậy, cần quy định việc xác định lại giới tính và chuyển đổi giới tính thành hai điều luật khác nhau”.
Vẫn theo đại biểu Hùng, nếu quy định “Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính, trường hợp cá nhân đã chuyển đổi giới tính thì có quyền yêu cầu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi hộ tịch và các quyền nhân thân khác” thì sẽ khuyến khích tình trạng tạo ra sự đã rồi và buộc pháp luật phải thừa nhận.
Trong khi đó, đại biểu Bùi Ngọc Chương (Cà Mau) lại cho rằng quy định như dự thảo luật là hợp lý trong điều kiện của nước ta, đồng thời tạo điều kiện cho những người đã chuyển đổi giới tính hòa nhập xã hội và đảm bảo quyền công dân của họ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận