Công nhân Điện lực Trường Sa vận hành hệ thống điện năng lượng mặt trời
Trường Sa 45 năm trước
45 năm trước, là một trong những người ở lại chốt giữ, bảo vệ đảo Song Tử Tây sau khi giải phóng hòn đảo này, trung tá Đào Mạnh Hồng (Lữ đoàn 126 đặc công) kể: "Thời đó, tối xuống là cả đảo Trường Sa tối om. Cả đảo chỉ có một nguồn điện là cái máy nổ duy nhất chạy bằng diesel.
Tối tới giờ đi ngủ là phải tắt điện hết toàn đảo. Tất cả bộ đội đều ăn đồ khô: lương khô, gạo sấy. Không có tủ lạnh để cấp đông thực phẩm dự trữ như sau này nên khâu tổ chức hậu cần, ăn uống rất vất vả.
Đã thế, giữa đảo xa hoang vắng, bộ đội không có gì vui chơi giải trí cho khuây khỏa. Ngoài cái đài mình mang ra nghe thời sự thì chẳng còn cái gì để cập nhật thông tin trong đất liền. Buồn lắm".
Còn ông Phan Xuân Ạp - 67 tuổi, cán bộ tham mưu của Tiểu đoàn đặc công nước 471 (Quân khu 5), một trong những người ở lại giữ đảo Nam Yết sau giải phóng - nhớ lại: "Tối xuống bộ đội chỉ có mỗi ánh sáng từ đèn pin thôi. Là đèn pin mình mang đi phục vụ chiến đấu đấy, lấy đó để đảm bảo ánh sáng sinh hoạt cho bộ đội. Hết pin thì chịu. Đèn dầu cũng không có mà thắp. Sau này mình mới đưa ra một ít máy nổ".
Đó là ký ức của những người đầu tiên ở lại giữ đảo sau tháng 4-1975. Thậm chí tới năm 1988, tức 13 năm sau khi quần đảo Trường Sa được giải phóng, nguồn điện phục vụ cho sinh hoạt bộ đội cũng không khá hơn.
Trung tá Hoàng Văn Thạo (Lữ đoàn 146 - Bộ tư lệnh Vùng 4 hải quân), một trong những người từng sống trên pông-tông chốt giữ đảo chìm Đá Lớn từ tháng 6-1988, nhớ lại: "Ngày đó chỉ có điện thoại quân sự bằng ga-mô-nô phát ra điện. Bộ đội phải quay cả hai tay mới có điện làm việc. Còn điện từ máy nổ chạy bằng xăng chỉ có bộ phận rađa mới được đặc cách sử dụng cho công việc".
Trung tá Phạm Hùng Vĩ, một trong những người từng sống trên pôngtông chốt giữ đảo Đá Đông, kể: "Năm 1989, chúng tôi được cấp một máy cassette Philip. Mỗi lần muốn nghe, mọi người phải thay nhau quay gamô- nô mới có điện nghe tiếp. Thứ kết nối duy nhất với đất liền là đài vét 206 của Liên Xô buộc vào ăngten cột trên "sân thượng" pông-tông. Pin hết lại trút ra, đổ nước muối vào, phơi nắng đến tối mới nghe tiếp".
Và Trường Sa ngày nay
Quần đảo Trường Sa hôm nay không còn là những hòn đảo hoang vắng, chìm trong bóng tối buồn tẻ, lặng lẽ như 45 năm trước. Ngày nay, đêm xuống các đảo ở Trường Sa như những thành phố nổi sáng rực rỡ, lung linh đèn điện, có âm thanh rộn ràng của tivi.
Cuối tuần bộ đội còn được giải trí bằng dàn karaoke hiện đại chẳng khác gì trong đất liền. Người dân trên đảo có điện xay sinh tố, làm kem, nấu cơm bằng nồi cơm điện ngon lành. Tối, trẻ con trên đảo xa cũng có điện sáng trưng học bài chứ không phải dùng đèn dầu tù mù.
Tất cả những thứ rất đời thường ấy ở Trường Sa là do nguồn điện được lấy từ hệ thống điện năng lượng mặt trời do Tổng công ty Điện miền Nam quản lý.
Thượng tá Bùi Thanh Tùng, chính trị viên đảo Song Tử Tây, cho biết: "Thời của chúng tôi may mắn đỡ vất vả hơn thế hệ trước rất nhiều, nhất là về nguồn điện. Nguồn điện đã giải quyết được các nhu cầu sinh hoạt của quân và dân trên đảo.
Ngoài việc đảm bảo thắp sáng ban đêm thì thuận lợi lớn nhất khi có điện là tạo điều kiện cho người dân, bộ đội được coi truyền hình, tivi, tiếp cận kịp thời các thông tin, kiến thức thời sự về kinh tế, chính trị, xã hội.
Thứ hai là đảm bảo lương thực thực phẩm. Ở Trường Sa, việc giữ lương thực thực phẩm lâu dài rất khó khăn. Từ khi có nguồn điện đảm bảo thì quân dân Trường Sa có tủ lạnh, tủ cấp đông để dự trữ, không phải lo thiếu hụt khi mùa mưa bão về nữa".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận