1. Nữ sinh bị sát hại ở Điện Biên. Xen lẫn giữa những thông tin, những dòng trạng thái bày tỏ xót xa, căm phẫn là không ít ý kiến đầy cảm tính cá nhân, suy diễn từ khi có thông tin vụ án đến khi cơ quan điều tra có thông tin chính thức.
Rồi những bài viết, câu chữ mô tả tình tiết rùng rợn về tội ác, những mô tả về nạn nhân, nghi phạm... Có khi nào người viết đặt mình vào tình cảnh, nỗi đau người thân cô gái xấu số ấy? Những câu chữ nhân danh sự thương cảm kiểu giật gân, câu view như vậy có thể nào giúp cho xã hội "tỉnh táo" ra, "cảnh giác" hơn và đạo đức hơn?
Có thể nào với những nội dung như vậy, các thảm trạng, sự suy đồi đạo đức trong xã hội đến mất nhân tính sẽ giảm đi? Hay là chỉ tiếp thêm sự bất an, sợ hãi cho mọi người, tác động xấu đến cộng đồng?
2. Câu chuyện ở Điện Biên chưa lắng đã bùng lên các kiểu thông tin, bình luận về vụ ly hôn của vợ chồng một doanh nhân nổi tiếng. Giữa hàng ngàn vụ án ly hôn, vụ này được tập trung đưa tin quá nhiều, cách đưa tin "tả thực" đến "giật mình" từng câu nói, từng chi tiết mà nguyên đơn - vợ, bị đơn - chồng đưa ra trước tòa.
Rồi đủ kiểu cảm thán, bất bình cho câu chuyện riêng của nhà người ta đầy trên mạng. Việc này, nghĩ cho cùng sẽ là nỗi đau bao năm cho những người trong cuộc và thân nhân của họ. Hơn thế nữa, không ít thông tin xung quanh vụ này tô vẽ thêm hình ảnh xấu về hoạt động của một doanh nghiệp, một doanh nghiệp có tiếng trên thị trường. Câu chuyện một vụ ly hôn (chuyện riêng tư) đã bị đẩy đi quá xa theo quan điểm cá nhân của hàng triệu người viết về chuyện này.
Mỗi người viết gì trên mạng tức là viết cho người khác đọc. Những câu chữ của mình trước hết thể hiện hình ảnh cá nhân mình, đơn vị mình, sau nữa sẽ ít nhiều tác động đến môi trường chúng ta đang sống.
Xin đừng gieo thêm bất an, xin đừng gây tò mò thêm với những chuyện phi đạo đức. Đừng "chuyện bé xé ra to", "chém gió" các kiểu những câu chuyện vốn là riêng tư của người khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận