Cố vấn nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi đến Tòa công lý quốc tế tại The Hague ngày 10-12 -Ảnh: Reuters
Các cáo buộc diệt chủng đã làm hình ảnh của Myanmar bị hủy hoại nghiêm trọng trên trường quốc tế. Vụ kiện tại ICJ có thể xem là một thất bại về mặt truyền thông nhưng chúng ta có thể biến nó thành cơ hội để giải thích thật rõ và nói ra những sự thật đang diễn ra tại Myanmar.
Ông Maung Soe (thị trưởng Yangon, lập luận với tờ Irrawaddy)
Nhà lãnh đạo Myanmar mặc một chiếc váy truyền thống như mọi khi và đi thẳng vào bên trong, không hé nửa lời trước các câu hỏi của truyền thông, Hãng thông tấn AFP mô tả. Trước ICJ, bà Suu Kyi sẽ phải bảo vệ Myanmar trước các cáo buộc diệt chủng người Rohingya - một cộng đồng thiểu số theo Hồi giáo - tại đất nước đa số Phật giáo Myanmar.
Theo lịch trình, nguyên đơn Gambia sẽ xuất hiện trong ngày điều trần đầu tiên 10-12, bà Suu Kyi đại diện cho Myanmar sẽ trả lời chất vấn của tòa ngày 11-12 trước khi hai bên cùng tranh luận vào ngày cuối cùng 12-12.
Myanmar: "Không có diệt chủng"
Gambia, một quốc gia Hồi giáo chiếm đa số ở Tây Phi, được sự ủng hộ của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo gồm 57 quốc gia, đã nộp đơn kiện Myanmar lên ICJ vào tháng trước, cáo buộc Myanmar đã tiến hành các tội ác diệt chủng đối với người Rohingya.
Trong tài liệu biện hộ được gửi trước cho chủ tọa ngày 10-12, Gambia đã yêu cầu ICJ áp dụng các biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn "các hành động diệt chủng đang diễn ra" tại Myanmar.
"Các hành vi diệt chủng được thực hiện trong các chiến dịch quân sự, nhằm tiêu diệt một nhóm hoặc toàn bộ người Rohingya bằng các hình thức giết người hàng loạt, hãm hiếp và các hình thức bạo lực tình dục khác", phía Gambia cáo buộc.
Ngay trước thềm phiên tòa, Canada và Hà Lan đã cùng ra tuyên bố chung ủng hộ Gambia. Trong khi đó tại Myanmar, hàng chục ngàn người đã xuống đường, nhấn mạnh nhân dân Myanmar sẽ "sát cánh cùng lãnh đạo Suu Kyi" trước chuyến đi lịch sử của bà. Những cuộc tuần hành được dự đoán sẽ còn tiếp diễn trong 3 ngày diễn ra phiên tòa.
Quyết định đến The Hague của bà Suu Kyi khiến nhiều người bất ngờ. Được nhận giải Nobel năm 2017, chấm dứt hơn nửa thế kỷ nắm quyền của quân đội, bà Suu Kyi từng được kỳ vọng sẽ đem lại làn gió mới cho đất nước. Tuy nhiên, các chiến dịch quân sự ở phía tây nước này khiến chính quyền của bà liên tục đối mặt với những chỉ trích quốc tế.
Ngày 24-8-2017, một chiến dịch quân sự của quân đội Myanmar và dân quân theo Phật giáo ở bang Rakhine đã đẩy hơn 730.000 người Rohingya chạy sang nước láng giềng Bangladesh, nơi họ tạo ra trại tị nạn lớn nhất thế giới.
Đây có thể xem là một mốc thời gian quan trọng khi các diễn biến tại Myanmar bắt đầu thu hút sự chú ý từ quốc tế. Các nhà điều tra của Liên Hiệp Quốc sau đó nói rằng cuộc trốn chạy là kết quả của một chiến dịch quân sự được thực hiện với "ý định diệt chủng".
Nhưng chính quyền Myanmar đã phản ứng mạnh mẽ về kết luận này, cho rằng đây là một cuộc phản công chứ không phải tấn công để diệt chủng và chiến dịch quân sự này là hoàn toàn chính đáng để đáp trả lại "những cuộc tấn công có phối hợp" khiến 13 binh sĩ thiệt mạng.
Quân đội Myanmar cũng mở một số phiên tòa xét xử các binh sĩ trước các cáo buộc giết người hàng loạt tại vùng chiến sự. Họ kết luận những người này đã tự ý hành động và không tuân theo chỉ huy.
Phán quyết chung thẩm
Các phiên điều trần tại ICJ với sự tham gia của bà Suu Kyi chỉ là giai đoạn sơ bộ và có thể mất nhiều năm để kết thúc phiên tòa, theo Hãng tin Reuters. Hội đồng gồm 17 thẩm phán của ICJ sẽ nghe tất cả các bên nguyên đơn, bị đơn và nhân chứng, trong trường hợp này là người Rohingya, trình bày.
Cơ sở để Gambia nộp đơn kiện là Công ước ngăn ngừa và xử phạt tội ác diệt chủng năm 1948 mà cả Myanmar và Gambia đều là bên ký kết. Trong đó định nghĩa tội diệt chủng là
"các hành vi được thực hiện với ý định tiêu diệt toàn bộ hoặc một phần một nhóm người thuộc quốc tịch, dân tộc, chủng tộc hoặc tôn giáo khác".
Cần hiểu rõ vụ kiện do Gambia đệ trình lần này không nhắm vào bất kỳ cá nhân cụ thể nào, kể cả bà Suu Kyi mà nhắm vào Myanmar với tư cách là một chủ thể trong quan hệ quốc tế. Bà Suu Kyi tham dự vì bà là cố vấn nhà nước, một chức vụ tương đương thủ tướng trong chính quyền Myanmar.
ICJ sẽ xem xét liệu có hay không các hành vi diệt chủng đang xảy ra ở Myanmar và nếu có sẽ tiến hành các biện pháp ngăn chặn mang tính tạm thời, thông thường là kêu gọi kiềm chế tránh làm phức tạp vấn đề.
Phán quyết của ICJ là phán quyết chung thẩm, các bên không thể kháng cáo. Tuy nhiên, ICJ lại không có cơ chế nào để buộc các bên phải thực thi nên sẽ phải đệ trình lên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để tìm cách bảo đảm phán quyết được tôn trọng. "Vì vậy, quyết định quan trọng nhất vẫn sẽ thuộc về Hội đồng Bảo an" - ông Maung Soe, cựu giáo sư Đại học Kinh tế Yangon, nhận định.
Tòa công lý quốc tế (ICJ) còn được gọi là Tòa thế giới, là cơ quan pháp lý cao nhất của Liên Hiệp Quốc được thành lập vào năm 1945 để giải quyết các mâu thuẫn giữa các quốc gia. Dù cùng được đặt tại The Hague (Hà Lan), ICJ khác với Tòa hình sự quốc tế, nơi xử lý các vụ án liên quan đến tội phạm chiến tranh với bị đơn là các cá nhân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận