17/07/2017 09:25 GMT+7

Chuyến đi đặc biệt của những đứa trẻ Đài Loan

VŨ THỦY
VŨ THỦY

TTO - Trong phòng học ở Trường trung cấp nghề Nam Đầu (Đài Loan), những đứa trẻ ngọng nghịu đọc từng từ tiếng Việt “nón lá”, “phở bò”... theo nhịp thước của cô giáo - một phụ nữ VN lấy chồng xa xứ, thướt tha trong tà áo dài.

Các em học sinh trong lớp học tiếng Việt - Ảnh: Vũ Thủy
Các em học sinh trong lớp học tiếng Việt - Ảnh: Vũ Thủy

Học sinh của lớp là những đứa trẻ Đài Loan sinh ra từ cuộc hôn nhân chồng Đài - vợ Việt. Các em học tiếng Việt, văn hóa Việt, chuẩn bị cho chuyến đi đặc biệt về quê hương của mẹ.

“Con thích về Việt Nam”

Với các em, ở lớp học này có rất nhiều “cái đầu tiên”: lần đầu tiên các em được học tiếng Việt, gặp nhiều bạn cũng có mẹ người Việt, rồi nghe kể nhiều về Việt Nam, về Tết Trung thu rước đèn ông sao, về bánh chưng - bánh giầy, về nếp sống gần gũi, tình cảm của người thôn quê... Sau khi kết thúc lớp học, các em sẽ cùng nhau về Việt Nam 7 ngày - với nhiều em, đó cũng là lần đầu tiên biết đến quê hương của mẹ.

36 học sinh, mỗi em đến từ mỗi nơi, từ Đài Trung, Đài Nam, Bình Đông, Hoa Liên, Cao Hùng... Chỉ vài em nghe nói rành rọt tiếng Việt, các em còn lại mỗi lần nghe cô giáo gọi lên trả lời bằng tiếng Việt thì ấp a ấp úng, chờ bạn bè “cứu viện”. Trong lớp, cô giáo hát cho các em nghe những giai điệu dân ca “tình bằng có cái trống cơm”, hay mở bài hát Ông bà tôi đang được giới trẻ Việt yêu thích.

“Nghe dịch lời bài hát Ông bà tôi là câu chuyện tình của người Việt thời chưa có Facebook, chở nhau trên những chiếc xe đạp cũ đầy lãng mạn, mấy đứa thích lắm. Các cô còn kể cả chuyện thần thoại, đưa cả clip chương trình tivi Quà tặng cuộc sống cho tụi nhỏ để chúng hiểu thêm về phong tục quê nhà” - cô giáo Đặng Thị Kim Oanh kể.

Trong thế giới của từng cô cậu học trò, mỗi bạn đều tự hào về một “Việt Nam riêng của mình” để hào hứng kể cho bạn khác. Vương Ngọc Hoa (18 tuổi) bảo rất thích về Việt Nam, thăm bà ngoại, đi chợ tết. Hoa khoe bà ngoại ở Cần Thơ, về quê sẽ được ăn hủ tiếu, bún sa tế... Liên Nguyên Dịch (17 tuổi) lại thích ăn hột vịt lộn, gỏi cuốn.

Hè năm nào Nguyên Dịch cũng một mình về thăm ông bà ngoại, nhưng vốn tiếng Việt có được chỉ từ những ngày hè ngắn ngủi nên khi bị hỏi, em cứ liên tục nói “chờ một chút” rồi quay sang cầu cứu cô giáo. Em bảo mong ước sau này trở thành phiên dịch viên tiếng Việt, nên sắp tới sẽ cố gắng học tiếng của mẹ.

Buổi học cuối cùng - một tuần trước chuyến đi, lớp học chia thành từng nhóm lên thực tập tình huống tiếng Việt, cùng nhau hát Bốn phương trời. Cô trò đã kịp thân thiết sau năm ngày học ngắn ngủi, mỗi chiếc điện thoại đầy ắp hình ảnh vui đùa, cùng ăn, cùng ngủ trong ký túc xá trường.

Dòng cảm xúc quyến luyến cũng tuôn trào khi các em viết gửi cô giáo: Sẽ rất nhớ “cái giường ký túc xá cứng như củi” và bữa ăn ngon lành ở trường cùng bạn bè; cảm ơn các cô vì đã giúp tụi em hiểu thêm phong tục tập quán quê mẹ, tự tin hơn khi nói tiếng Việt; thật vui khi có thêm những người bạn mới...

Về Việt Nam để nhớ cội nguồn

Tiến sĩ Lâm Đằng Giao - lãnh đạo ngành giáo dục Đài Loan - sẽ là người đồng hành với các em trong hành trình về Việt Nam. Ông cho biết Đài Loan tôn trọng đa văn hóa và khuyến khích các em có mẹ là người Việt học tiếng Việt.

“Chuyến đi này xuất phát từ việc chúng tôi muốn giáo dục các em nhớ về nguồn cội, về mảnh đất đã nuôi dưỡng người mẹ sinh ra các em. Đến tham quan các doanh nghiệp ở Việt Nam, tiếp xúc với công nhân, các em sẽ hiểu hơn về sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của vùng đất này, từ đó tự tin, có động lực học tập tiếng Việt và nâng cao tri thức” - ông chia sẻ.

Ông tin rằng sự tiếp xúc trực tiếp với quê hương, ngôn ngữ của người mẹ sẽ có ý nghĩa đặc biệt với các em, chính các em sẽ chủ động học tiếng Việt hơn.

Giáo sư Du Khắc Duy - phó hiệu trưởng Trường đại học quốc gia Khoa học kỹ thuật Penghu, phụ trách chương trình đưa học sinh Đài Loan về Việt Nam - cho biết các em được tuyển chọn tham gia hành trình là con em của phụ nữ Việt Nam có thành tích học tập tốt, ưu tiên các em biết tiếng Việt. Dự kiến các bạn học sinh sẽ đến tham quan các công ty Đài Loan tại Bình Dương, nhiều di tích lịch sử, công trình văn hóa tại TP.HCM và trải nghiệm sông nước miền Tây.

Đài Loan thí điểm dạy tiếng Việt

Tiến sĩ Lâm Đằng Giao cho biết dự kiến tháng 8-2017, Cơ quan giáo dục Đài Loan sẽ thí điểm đưa tiếng Việt vào giảng dạy trong các trường tiểu học, trung học cơ sở và phổ thông trung học để chuẩn bị đưa vào giảng dạy chính thức từ năm 2019. Trước đó, công tác đào tạo giáo viên, chuẩn bị tài liệu đã bắt đầu từ năm 2014.

"Việc giáo dục tiếng Việt cho học sinh Đài Loan có mẹ là người Việt sẽ thúc đẩy học tập đa văn hóa, giúp các em có thêm năng lực, cơ hội làm việc, tăng cường kết nối kinh tế giữa Đài Loan và Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Đài Loan” - giáo sư Giao chia sẻ.

VŨ THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp