27/09/2017 09:47 GMT+7

Chuyện dài về bằng cấp

Nguyễn Ngọc Điện
Nguyễn Ngọc Điện

TTO - Vấn đề giá trị pháp lý của các văn bằng được cấp cho một số quan chức đang khiến dư luận xôn xao. Đây không phải là lần đầu tiên chuyện học hành của các quan chức bị nghi ngờ.

Chuyện dài về bằng cấp - Ảnh 1.

Không học mà vẫn có bằng đã được đề cập từ lâu, bởi danh xưng "tiến sĩ giấy" dùng để chỉ người có bằng nhờ bỏ tiền ra mua chứ không phải nhờ học hành, thi cử đàng hoàng, xuất hiện từ thời phong kiến.

Nguyên nhân của tình trạng này được cho là thói quen, là sự phổ biến của tư tưởng coi trọng, nếu không muốn nói là sùng bái, tôn thờ học vị được xác nhận trên giấy tờ hơn là năng lực thực tế của con người.

Nhiều ý kiến cho rằng cách tốt nhất để chống nạn sử dụng bằng giả là thay đổi nhận thức xã hội từ coi trọng trình độ học vấn được ghi nhận trên giấy chuyển sang coi trọng năng lực được thể hiện trong công việc hằng ngày. Nói thì dễ, nhưng thay đổi nhận thức phổ biến đã thâm căn cố đế không phải là việc có thể được thực hiện trong ngày một ngày hai. 

Vấn đề nữa là phải bắt đầu thay đổi nhận thức từ vị trí nào trong xã hội để tạo sức lan tỏa? Bởi không ít người giữ trọng trách trong bộ máy hành chính vẫn miệt mài tìm kiếm cho được các học vị cao; nhiều nhà quản lý vẫn nỗ lực vận động để đạt các chức danh giáo sư, phó giáo sư, trong khi đó là các chức danh nghề nghiệp dành riêng cho nhà giáo.

Nói khác đi, chắc chắn xã hội sẽ còn tiếp tục sống chung trong thời gian dài với thói quen phổ biến coi trọng bằng cấp, và với hệ quả tất yếu của thói quen đó là nạn bằng giả. Thách thức đặt ra là phải hạn chế sự hoành hành của tệ nạn này đến mức thấp nhất.

Ở các nước tiên tiến, người ta không chú tâm nhiều đến tờ giấy xác nhận học vị, nói chung là giấy tờ ghi nhận năng lực chuyên môn của một người. Không ít người học hành đỗ đạt nhưng không xin cấp bằng, bởi đơn giản họ không cần phải xuất trình bằng cấp như một cách minh chứng về trình độ học vấn. 

Khi ứng tuyển vào một tổ chức nào đó trong khuôn khổ xác lập quan hệ lao động, người ta chỉ nộp lý lịch trong đó kê khai những văn bằng có được. Trong trường hợp cần thẩm tra về nội dung khai báo liên quan đến bằng cấp, tổ chức sử dụng lao động liên lạc trực tiếp với cơ sở đào tạo liên quan. 

Bằng cách làm đơn giản đó, người ta không chỉ có được thông tin đầy đủ về quá trình học tập và bằng cấp của đối tượng cần được thẩm tra mà còn có điều kiện tìm hiểu, đánh giá về chất lượng của cơ sở đào tạo, thể hiện qua mức độ chuyên nghiệp của sự giao tiếp.

Do con người được mặc định là trung thực trong giao tiếp, đặc biệt trong việc khai báo, nên một khi lời khai được phát hiện là gian dối thì người khai sẽ phải chịu những chế tài rất nặng nề. 

Người khai man bằng cấp thường bị đuổi việc, chứ không chỉ bị giáng chức. Trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự. Chưa kể sự phê phán, cười chê của xã hội có thể khiến người ta tủi nhục và chẳng còn mặt mũi nào xuất hiện trước cộng đồng và sống cuộc sống bình thường.

Thật ra kinh nghiệm của các nước hoàn toàn có điều kiện để vận dụng ở Việt Nam.

Vấn đề là liệu cả hệ thống có quyết tâm làm cho mọi thứ rõ ràng, minh bạch hay không.

Nguyễn Ngọc Điện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp