26/12/2017 16:12 GMT+7

Chuyện Đà Lạt không phải ai cũng biết - Kỳ 3: Bức bình phong trong Dinh 2

NGỌC TRÁC - MAI VINH
NGỌC TRÁC - MAI VINH

TTO - Trong dinh Toàn quyền (nay là Dinh 2), nơi UBND tỉnh Lâm Đồng sử dụng làm nhà khách và nơi tổ chức hội nghị, hiện còn lưu lại một bức bình phong cổ có nhiều họa tiết, hoa văn mang phong cách hoàng triều làm du khách tham quan tò mò và thắc mắc.

Chuyện Đà Lạt không phải ai cũng biết - Kỳ 3: Bức bình phong trong Dinh 2 - Ảnh 1.

Một góc Dinh 2 - Ảnh: THIÊN KHẢI

Trên bước đường thực hiện chính sách thực dân hóa xứ Đông Dương, Toàn quyền Decoux đã cho xây dựng một dinh thự mùa hè ở Đà Lạt, rộng 26ha để nghỉ mát và làm việc vào mùa hè.

Công trình kiến trúc dinh Toàn quyền do các kiến trúc sư A.T.Kruzé, D. Veyssere, A.Léonard thiết kế và P.Foinet trang trí nội thất, khởi công từ năm 1933, hoàn tất năm 1937.

Ai mang bình phong đến Đà Lạt?

Dinh Toàn quyền là một tòa lâu đài có đến 25 phòng bài trí sang trọng, bên ngoài là sân vườn rộng, thoáng mát, có thể quan sát thấy được đồi Cù, hồ Xuân Hương, đỉnh núi Lang Biang lừng lững chìm trong sương phủ. 

Toàn quyền Decoux đã cho xây những đường hầm bí mật kiên cố nhằm đảm bảo an toàn cho ông và gia đình ông trong dinh.

Dinh Toàn quyền nay gọi là Dinh 2, được UBND tỉnh Lâm Đồng sử dụng làm nhà khách và nơi tổ chức hội nghị. Trong dinh hiện còn lưu lại một bức bình phong cổ có nhiều họa tiết, hoa văn mang phong cách hoàng triều đã làm cho du khách tham quan tò mò và thắc mắc.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng bức bình phong này được vua Bảo Đại mang từ Đại nội Huế vào tặng cho Toàn quyền Decoux nhân dịp khánh thành dinh. 

Nhưng theo một số người khác, chính ông Ngô Đình Nhu lúc làm cố vấn chính trị cho tổng thống Ngô Đình Diệm và lưu trú ở dinh Toàn quyền mới là người cho mang bức bình phong từ cố cung Huế vào Đà Lạt để trang trí dinh theo truyền thống văn hóa Đông phương.

Giảng viên Đại học Đà Lạt là ông Phạm Phú Thành (ngành Hán - Nôm) và tiến sĩ Nguyễn Huy Khuyến (ngành Đông phương học) cho rằng tấm bình phong cổ được chế tác từ nhiều loại danh mộc quý hiếm, ghép lại với nhau bởi 10 tấm ván, mỗi tấm rộng 45cm, chiều cao 3m, đây là loại bình phong theo dạng hình chữ nhật. 

Loại này có chân, khi di chuyển có thể di chuyển từng phần hoặc tháo rời ra để tiện vận chuyển. Kiểu bình phong này hiện khá phổ biến tại Nhật Bản, Hàn Quốc.

Trên bức bình phong được trang trí khá độc đáo ở cả hai mặt, một mặt được trang trí bằng các hình ảnh lầu, đài, vườn, tạ của chốn cung đình. Một mặt trang trí bằng các bài thơ được khắc theo lối hình chiếc quạt giấy rất độc đáo. 

Xen lẫn các bài thơ đó là những bức tranh hoa, bình hoa, bàn ghế, cuốn thư, các loại diềm hoa...

Theo tiến sĩ Khuyến, bức bình phong được trang trí hoa văn, họa tiết cầu kỳ và tinh xảo ẩn chứa diện mạo nghệ thuật cung đình Việt Nam. 

Đây là bức thư pháp quý hiếm chạm 22 bài thơ khắc bằng đủ thể loại chữ Hán (chân, hành, thảo, lệ, triện), 12 bài thơ ngự chế của vua Tự Đức và các bài thơ khác của Tùng Thiện Vương Miên Thẩm, Tuy Lý Vương Miên Trinh, Bùi Văn Mạc và vua Lê Thánh Tông.

Chuyện Đà Lạt không phải ai cũng biết - Kỳ 3: Bức bình phong trong Dinh 2 - Ảnh 2.

Bài thơ hình quạt được khắc trên bức bình phong - Ảnh: THIÊN KHẢI

Khắc thơ tinh xảo

Cũng theo tiến sĩ Khuyến, các ông Hương Nham, Tô Giang vinh dự vâng mệnh triều đình nhận nhiệm vụ khắc những bài thơ lên bức bình phong cổ. 

Các nhà điêu khắc này đã khéo léo vận dụng nghệ thuật thư họa để trang trí cho mỗi bài thơ có một vẻ khác nhau, có thần thái linh hồn để tạo nên một bức bình phong vừa mang tính độc đáo vừa mang tính nhân văn.

Ông Đinh Bá Quang, nguyên cán bộ Sở VH-TH&DL tỉnh Lâm Đồng, cho hay: "Bức bình phong này là một cổ vật có giá trị vì là quà tặng của vua Bảo Đại cho Toàn quyền Đông Dương. 

Bức bình phong có từ thời vua Tự Đức và lại được khắc các bài thơ chữ Hán của các văn thi nhân nổi tiếng của Việt Nam. Vì vậy, ngoài ý nghĩa lịch sử, nó còn có ý nghĩa như một cách truyền bá văn hóa phương Đông và văn hóa chốn cung đình Việt Nam với quốc tế".

Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Hoa - nhà nghiên cứu văn hóa, hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, bình phong thường được sử dụng trong việc tính phong thủy cho gia trạch cũng như một phần để trang trí những ngôi nhà cổ. 

Việc bố trí bình phong tại các ngôi nhà của người Việt vốn chịu ảnh hưởng rất sâu sắc của văn minh Trung Hoa và các học thuyết phong thủy nên từ rất sớm, chiếc bình phong đã trở thành một bộ phận không thể thiếu trong ngôi nhà. 

Người Việt đã phát triển quan niệm về chiếc bình phong với nhiều loại chất liệu, kiểu dáng, phong cách khác nhau. Nói chung bình phong cốt để che kín ngôi nhà cho ấm cúng và ngăn chặn gió độc, chướng khí, nên việc dựng bình phong không theo quy chuẩn và kích thước cố định.

Tấm bình phong đặt tại Dinh 2 Đà Lạt chắc chắn là bảo vật của cung đình Huế, bởi lẽ số lượng thơ của vua Tự Đức (12 bài) và các hoàng tộc được khắc trên bình phong nhiều nhất, được trang trí cầu kỳ, tinh xảo. Đây là loại bình phong đặt trong thư phòng, có nhiều giá trị cho việc nghiên cứu văn hóa cũng như thơ văn của cung đình. 

Bức bình phong này có từ niên đại thế kỷ 19 và có lẽ được làm tặng cho vua Tự Đức để đặt trong thư phòng làm việc của vua.

Với những gì hiện hữu trên bức bình phong này, có thể khẳng định đây là một cổ vật rất quý giá.

Điều lạ lùng

binh phong

Nhiều du khách tò mò với bức bình phong quý giá và kỳ lạ tại Dinh 2 - Ảnh: THIÊN KHẢI

Theo Địa chí Đà Lạt, Dinh 2 là công trình đầu tiên sử dụng vật liệu đá lửa (màu sáng) phủ tường ngoài, cũng như các bộ phận vốn làm bằng gỗ thì nay được làm bằng kim loại mang từ Pháp.

Tương truyền, cùng tồn tại trong dinh toàn quyền, ngoài bức bình phong đặc biệt còn có một triện rồng. Tuy nhiên đến nay, bức bình phong vẫn còn yên chỗ cũ, còn triện rồng đã bị thất lạc.

Theo tiến sĩ Nguyễn Huy Khuyến, việc một viên quan người Pháp trưng bày và sử dụng bức bình phong do triều đình phong kiến tặng là một điều lạ lùng. Bởi, kiến trúc của dinh Toàn quyền đậm chất châu Âu, trong khi bức bình phong là vật dụng đậm chất Á Đông.

Việc trang trí như vậy có phần không giống với thẩm mỹ của viên toàn quyền mang tư duy châu Âu.

Sinh thời, ông Nguyễn Văn Lập, chủ tịch Hội Kiến trúc tỉnh Lâm Đồng, có bàn đến câu chuyện này. Ông nói ở góc nhìn văn hóa dân gian, sự long đong trong sự nghiệp chính trị của Toàn quyền Decoux thời đó có liên quan đến mâu thuẫn lạ lùng nói trên.

Toàn quyền Decoux về sau bị quân Nhật bắt khi đổ quân vào Việt Nam. Ông Ngô Đình Nhu là người tiếp theo sử dụng dinh thự này để làm việc, nghỉ dưỡng và số phận của của ông sau đó cũng không tốt đẹp.

***********************

Kỳ tới: Ngôi nhà ma đầu đèo Prenn

NGỌC TRÁC - MAI VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp